Ngày 10/10, HĐND quận Thủ Đức đã tổ chức kỳ họp thứ 13 để xem xét chủ trương sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới mang tên thành phố Thủ Đức.
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trương Trung Kiên đã trình bày tờ trình về việc sắp xếp quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, đặt tên là TP Thủ Đức. Báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế HĐND quận thống nhất với tờ trình của UBND quận đồng thời có một số kiến nghị như trong quá trình thực hiện đề án thành lập thành phố Thủ Đức, cần quan tâm giải quyết các điểm ngập nước và ô nhiễm môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại...
Thảo luận tại kỳ họp, một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với đề án trên. Đại biểu Lâm Hữu Đức cho rằng thành lập một thành phố mới là một hướng đi cần thiết cho sự phát triển của TPHCM trong thời gian tới nhưng vấn đề cử tri quan tâm là thành phố Thủ Đức trong tương lai khác với huyện Thủ Đức ngày trước như thế nào, trong khi cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát triển, chưa đáp ứng được kỳ vọng của đề án.
“Với mật độ dân số ngày càng cao như hiện nay thì vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện như thế nào cũng cần thông tin rõ ràng cho người dân”, ông Đức kiến nghị.
Đại biểu Lê Minh Tuấn băn khoăn về thẩm quyền của đơn vị hành chính mới chưa rõ ràng. Quan trọng hơn, đến nay đa số người dân vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của đề án và có cảm giác việc triển khai thực hiện đề án quá gấp gáp...
Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho hay dự kiến trong kỳ họp HĐND TPHCM sắp tới (dự kiến diễn ra vào ngày 12/10), thành phố sẽ tiếp tục xem xét các vấn đề liên quan đến đề án sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức và thành lập Thành phố Thủ Đức.
Dự kiến tại kỳ họp thới, HĐND TPHCM cũng sẽ thảo luận phương án đảm bảo việc giải quyết nhu cầu hành chính của người dân.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, nếu đề án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, bộ máy hành chính của Thành phố Thủ Đức có thể sẽ chưa hoạt động và phục vụ tốt nhất cho người dân khi mới thành lập mà cần có thời gian sắp xếp và từng bước khắc phục các khó khăn. Sở Nội vụ sẽ tham mưu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hướng dẫn cho địa phương giải quyết các vấn đề liên quan để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng người dân.
“Nếu trong kỳ họp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì TPHCM chỉ có 60 ngày để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của ba quận để đi vào hoạt động. Thời gian đó, thành phố phải triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, trong đó có đại biểu HĐND của thành phố Thủ Đức nên không thể không triển khai các thủ tục về thực hiện việc sáp nhập quận và thành lập đơn vị hành chính mới ngay từ bây giờ”, ông Nhân cho hay.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND quận Thủ Đức đã nhất trí thông qua Nghị quyết về chủ trương sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với tỷ lệ 100%. Các đại biểu HĐND quận Thủ Đức cũng nhất trí đặt tên cho đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức.
Trước đó, HĐND quận 2 và quận 9 cũng tổ chức kỳ họp chuyên đề và biểu quyết thông qua các nghị quyết liên quan đến việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới với tỷ lệ tán thành 100%. Các đại biểu cũng nhất trí đặt tên cho đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức.
Theo kết quả trưng cầu ý kiến người dân ba quận 2, 9, Thủ Đức do chính quyền địa phương thực hiện mới đây, có hơn 99% cử tri quận Thủ Đức có tên trong danh sách lấy ý kiến đã tham gia bỏ phiếu, trong đó có hơn 97% người dân bày tỏ ý kiến đồng tình với đề án sáp nhập 3 quận để thành lập đơn vị hành chính mới và tán thành tên gọi của đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức.
Quận 2 có hơn 59.600 người, chiếm hơn 82% cử tri đồng tình với việc sáp nhập quận và 76% cử tri đồng tình với tên gọi thành phố Thủ Đức. Quận 9 có trên 138 nghìn cử tri (chiếm 97%) đồng ý với việc sáp nhập và gần 137 nghìn cử tri (chiếm 96%) đồng tình với tên gọi Thành phố Thủ Đức.
Đáng lưu ý, quận 9 có trên 3.200 cử tri (chiếm 2,29%) không đồng ý với đề án sáp nhập quận hoặc đặt tên cho thành phố mới là thành phố Thủ Đức.