'Hãy xuống một ngày với y tế phường!'

TPO - “Quá mệt mỏi và bận rộn. Em muốn biết hãy đến Trạm y tế phường cùng ở một ngày thôi thì sẽ hiểu và không thiếu thông tin để viết đâu”. “Hôm sau mời anh xuống Trạm y tế để xem chúng tôi làm việc thế nào nhé, chứ nói qua điện thoại không hết được đâu” – Những câu trả lời thôi thúc phóng viên Tiền Phong tìm hiểu về sự vất vả, khó khăn của đội ngũ y tế cơ sở ở Hà Nội trong những ngày căng thẳng vì dịch COVID-19.

"Kết bạn với em nhé"

Nếu không ở trong bối cảnh Trạm Y tế phường, và không ở trong hoàn cảnh đang căng thẳng về dịch COVID-19, đó có lẽ là lời ngọt ngào để thiết lập mối quan hệ mới về tình bạn, tình yêu. Nhưng, đó là lời đề nghị “ám ảnh” của những nhân viên y tế Trạm y tế Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) với những trường hợp F0, F1 mình được phân công hướng dẫn, chăm sóc, tư vấn điều trị.

Trạm Y tế có 10 người, gồm 8 người thuộc biên chế, 2 người được tăng cường dịp này. Bật màn hình điện thoại, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế Ô Chợ Dừa ‘khoe’ trong danh bạ cả một danh sách dài những trường hợp được đánh dấu bằng ký tự “Liên quan trường hợp…”.

'Hãy xuống một ngày với y tế phường!' ảnh 1

Nhân viên Trạm y tế phường Ô Chợ Dừa lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan COVID-19 trên địa bàn. Ảnh: Trường Phong

Ở một địa bàn đang vào diện nóng nhất của quận Đống Đa, mỗi ngày, các nhân viên y tế làm phải gấp 4 – 5 lần năng lực. Điện thoại bàn, điện thoại cá nhân đổ chuông liên tục. “Điện thoại ngày sạc vài lần là chuyện bình thường. Tiền điện thoại các thứ cũng tăng vài lần vào cuối tháng”, chị Hà chia sẻ.

Đã lâu rồi, chị Hà và những nhân viên ở đây không có những thời gian ngày nghỉ cuối tuần trọn vẹn. Có mặt tại Trạm y tế mới thấy, cường độ làm việc trong những ngày này của đội nhân viên y tế cơ sở là “khủng khiếp”.

Trạm có một điện thoại bàn, hầu như lúc nào cũng bận. Điều này lý giải cho tình trạng một số người dân phản ánh không liên lạc được với trạm y tế, với nhân viên y tế phường bởi điện thoại luôn cháy máy, không chiều gọi đến thì chiều gọi đi.

Chị Hà và các chị em ở Trạm tận dụng số điện thoại cá nhân, mạng xã hội để thực hiện nhiệm vụ. Có những lúc hai tai nghe hai điện thoại. Người nền nã, nhẹ nhàng thì không sao, gặp phải người nóng tính, nhiều khi bị mắng lại là chuyện bình thường. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân, người liên quan COVID-19 hoảng sợ, nên nhân viên y tế cứ phải nhẹ nhàng, tình cảm khuyên nhủ, tư vấn…

'Hãy xuống một ngày với y tế phường!' ảnh 2

Nhân viên Trạm y tế phường Ô Chợ Dừa ‘cháy máy’ điện thoại tư vấn, chăm sóc, điều tra, truy vết các trường hợp liên quan COVID-19 trên địa bàn phường. Ảnh: Trường Phong

Sự xuất hiện của phóng viên tại Trạm y tế phường giống như người thừa, bởi các chị có quá nhiều việc phải làm. Hầu như không ai để ý đến phóng viên. “Em cứ ngồi đây xem các chị làm thôi nhé, chị không có thời gian trả lời em đâu”, chị Hà thẳng thắn.

Ai cũng khẩn trương, trách nhiệm. Người rà danh sách những trường hợp F0 trên địa bàn. Người in ấn danh sách các trường hợp F1, rồi chia ra gọi điện cho từng người một, hẹn lịch lấy mẫu xét nghiệm. Điện thoại bàn, điện thoại cá nhân đổ chuông liên tục.

Tiếng trò chuyện điện thoại đan xen lẫn nhau, tuyệt đối chỉ có về công việc. “Em tự lấy mẫu nhé. Rồi đọc kết quả cho chị”. “Em chuẩn bị đồ đạc để chuẩn bị đi cách ly nhé”. “Em đã viết đơn xin cách ly tại nhà chưa. Chị gửi mẫu cho em rồi”. “Kết bạn với em nhé. Em gửi mẫu đơn qua zalo cho”. “10h15 chị ra khu vực vỉa hè hồ Hoàng Cầu lấy mẫu nhé”…

Chị Hà, vài tháng trước còn để tóc dài đến ngang vai, giờ đành cắt thành tóc tém cho đỡ vội. Trên mạng xã hội, chị tếu táo: Dù biết là không hợp, nhưng tình hình F căng thẳng quá. Tóc dài, tóc dầy khó gội, lâu khô, em đành ngậm ngùi tạm biệt mái tóc dài mềm mượt óng ả”. Chị cũng đính kèm thông tin trên trang cá nhân “Trưởng Trạm y tế Ô Chợ Dừa để cho ai cần khai báo y tế”.

Những bữa ăn vội

Gọi là xuống với Trạm y tế một ngày, nhưng được nửa buổi chúng tôi phải tạm thời xin phép ra ngoài để tránh ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của nhân viên Trạm y tế. Trong suốt thời gian qua, các nhân viên y tế chịu trách nhiệm làm nhiều việc cùng lúc.

Thời điểm đầu dịch, họ tập trung rà soát, điều tra, truy vết các trường hợp liên quan dịch tễ; có thời điểm tập trung lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên địa bàn; có lúc lấy mẫu cho người địa phương khác về Hà Nội; rồi triển khai tiêm vắc xin; giờ thêm nhiệm vụ tư vấn, điều trị, theo dõi cách ly các trường hợp F0, F1 trên địa bàn. Cứ gọi là luôn chân luôn tay, làm bở hơi tai mà không hết việc.

'Hãy xuống một ngày với y tế phường!' ảnh 3

Bữa trưa bánh mỳ của nhân viên Trạm y tế phường Ô Chợ Dừa. Ảnh: Trường Phong

12h trưa, phóng viên quay lại. Vẫn tiếng nói chuyện điện thoại vang khắp phòng. Chị Hà nói khi thấy phóng viên: Đội chị đặt bánh mỳ rồi! Em ăn uống chủ động nhé”. Hơn 12h, người mang bánh mì đến. Các chị vừa ăn vừa làm việc. Phóng viên định chụp ảnh, các chị xua tay, bảo: Cho các chị một vài giây phút tự nhiên, chứ căng thẳng quá. Điện thoại vẫn đổ chuông, vẫn giọng tư vấn nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể cả trong giờ trưa…

Chị Hà cho biết, trải qua cả một chiến dịch dài phòng, chống dịch thời gian qua, Hà Nội luôn thực hiện phương châm chủ động “4 tại chỗ”. Vì thế trách nhiệm, vai trò, công việc của y tế cơ sở tăng lên nhiều lần. Đến nay, khi chuyển đổi sang thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, Trạm y tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch.

Gần 19h, phóng viên quay trở lại Trạm y tế phường Ô Chợ Dừa, không khí làm việc vẫn căng thẳng. Vài người do hôm trước đã trực được ưu tiên về sớm – dù lúc này đã quá giờ hành chính rất lâu. Những người còn lại vẫn trực điện thoại, vẫn tư vấn cho các trường hợp F0, F1 trên địa bàn bình thường. Ở sân Trạm y tế, vài trường hợp F1 chuẩn bị được bàn giao đi cách ly tập trung ở Sơn Tây do nhà không đủ điều kiện.

Duy nhất thời điểm này, chúng tôi nghe được một vài cuộc điện thoại của nhân viên y tế gọi về cho gia đình. “Mẹ ơi nay con lại về muộn nhé. Con nói với bố từ chiều rồi”, một nhân viên y tế gọi về cho gia đình. “Kết quả của anh dương rồi đấy, hai vạch rồi đấy”, một nhân viên khác tư vấn.

Một trường hợp khác thì xin phép về trước bởi “con em vừa tiếp xúc với F0, phải về lấy mẫu cho cháu”. Chị bước ra cửa, nói với phóng viên “chị muối mặt xin phép về trước vậy”. Chị nói thế vì có lẽ cảm thấy có lỗi với các chị em đang vẫn làm việc. Chứng kiến cường độ các nhân viên Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa làm việc, phóng viên cũng không kịp hỏi tên cụ thể từng người. Cũng không rõ mặt ai, bởi ai cũng đeo khẩu trang phòng dịch. Chỉ nghe các chị nói chuyện, có người tên Hà, có người tên Anh...

'Hãy xuống một ngày với y tế phường!' ảnh 4

Danh sách liên hệ của bác sĩ Nguyễn Thanh Hà trên Zalo đều là các trường hợp liên quan đến COVID-19. Ảnh: Trường Phong

Từng ấy con người thực hiện nhiệm vụ chung, mỗi người có hoàn cảnh riêng, nhưng lại có những điểm chung thú vị. Vài người bảo, đi làm đêm hôm nhiều quá chồng sắp bỏ. Có người bảo, con cái lâu ngày chẳng được gặp mẹ. Tin nhắn thông báo kết quả học tập của con cũng chẳng kịp phản hồi.

Khi phóng viên xin phép ra về, các chị đùa: Sao không ở lại đến nửa đêm xem bọn mình trực thế nào. Hoá ra, trong thời gian đang căng thẳng bởi dịch bệnh, Trạm Y tế phường phải trực xuyên đêm. Có trường hợp F0 là phải vận chuyển đi, tranh thủ lúc nào có xe là đưa đi, vì để lâu sẽ phát sinh thêm nguy cơ lây nhiễm, lại ảnh hưởng đến tiến độ công việc mỗi ngày…

Chuyện nhà gác lại phía sau

Chị Nguyễn Thị Bích Liên sinh năm 1981, đã nhiều năm làm việc tại Trạm Y tế phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bình thường, công việc của chị không quá áp lực. Dịch COVID-19 ập đến, hai năm qua, chị hết lo công tác điều tra, truy vết, rồi lại đến tiêm vắc xin, điều trị, tư vấn cho F0.

“Căng thẳng nhất là dịp phường bùng phát dịch COVID-19 từ các trường hợp lái xe đường dài về từ TP HCM hồi tháng 8 vừa qua. Lúc đó là quên ăn, quên ngủ luôn”, chị Liên kể.

Theo chị Liên, thời điểm đó, phường mới bùng phát dịch diện rộng, tâm lý cũng còn nhiều e ngại. Ai cũng căng thẳng. Nhân viên y tế phường phải tập trung hết sức lực để đi truy vết, điều tra các trường hợp liên quan, khoanh vùng lại để hạn chế lây nhiễm.

'Hãy xuống một ngày với y tế phường!' ảnh 5

Chị Nguyễn Thị Bích Liên trao đổi với phóng viên Tiền Phong qua rào chắn khu thu dung điều trị cách ly F0 thể nhẹ đặt ở trường mầm non phường Giáp Bát. Ảnh: Trường Phong

“Có thời điểm nửa đêm rồi vẫn phát loa mời người liên quan ra lấy mẫu xét nghiệm. Người dân nhiều khi cũng có ý kiến, nhưng phòng chống dịch cần kịp thời, triệt để nên rồi họ cũng thông cảm”, chị Liên nói.

Có một điều đặc biệt, chồng chị Liên, anh Lê Huy Hùng (sinh năm 1981) cũng là nhân viên y tế, thuộc biên chế Trạm y tế phường Trúc Bạch (quận Ba Đình).

Thời điểm dịch bùng phát đầu tiên ở Hà Nội trên địa bàn phường Trúc Bạch (bệnh nhân số 17 – PV), chồng chị Liên làm công tác y tế dự phòng trên địa bàn quận. Rồi sau đó anh được luân chuyển về làm tại Trạm y tế phường Trúc Bạch luôn.

“Thỉnh thoảng hai vợ chồng cũng hỏi về kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Anh nhà mình cũng thuộc địa bàn đầu tiên xử lý các ca bệnh nên cũng có nhiều điều tư vấn được”, chị Liên nói.

Theo chị Liên, trước thời điểm được tiêm vắc xin, nhân viên y tế nhiều khi cũng e ngại khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, khi truy vết những trường hợp liên quan. Kể từ khi tiêm đủ hai mũi, chị và các đồng nghiệp yên tâm và tự tin hơn.

Lúc phóng viên gặp, chị Liên đang được điều động sang làm quản lý khu thu dung, điều trị F0 thể nhẹ trên địa bàn phường Giáp Bát được đặt tại điểm trường mầm non của phường.

“Hôm qua vừa nhận thêm hơn chục trường hợp nữa. Họ bị nhẹ, chủ yếu tập thể dục thể thao và điều trị tâm lý thôi”, chị Liên nói, đồng thời cho biết, có những trường hợp vào điều trị mà khóc suốt vì sợ. “Mình phải tâm sự, khuyên nhủ, động viên họ yên tâm chữa bệnh. Điều này rất quan trọng”, chị Liên chia sẻ thêm.

Trò chuyện với phóng viên, chị Liên nói, nhân viên y tế mùa dịch vất vả, nhiều khi chị em trực đến nửa đêm mới về. Con cái chị cũng đã lớn, một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 4. Cháu nhỏ gửi nhà ngoại, cháu lớn tự lo liệu ở nhà. Bữa cơm hầu như không đầy đủ thành viên trong gia đình vì không bố bận thì mẹ bận. Có đợt dịch căng thẳng, bùng phát trên địa bàn phường, chị và các đồng nghiệp ăn ngủ luôn tại Trạm Y tế cả tháng.

Chị bảo thời điểm đó về nhà vừa muộn, lại không đảm bảo an toàn cho con cái. Thời điểm dịch đỡ căng thẳng, chị về nhà lúc 21h, con chị bảo: Sao hôm nay mẹ về sớm thế. Chồng chị vừa làm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phường Trúc Bạch, vừa làm nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 cho các hành khách về cách ly tại các khách sạn trên địa bàn… thành ra chẳng mấy khi được gặp nhau.

Nguy cơ phơi nhiễm cao

Chị Liên, anh Hùng chỉ là một trong hàng trăm nhân viên y tế tuyến cơ sở ở Hà Nội đang ngày đêm căng sức phòng, chống dịch COVID-19. Nhưng, để gặp được họ để trò chuyện là cả một quá trình vất vả. Cũng may, thời điểm này phường Giáp Bát dịch không quá căng thẳng, chúng tôi mới có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện.

'Hãy xuống một ngày với y tế phường!' ảnh 6

Dù vất vả, khó khăn và nguy hiểm, nhiều nhân viên y tế và lực lượng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch vẫn tỏ ra lạc quan, vui vẻ. Trong ảnh là lực lượng hỗ trợ điểm thu dung điều trị cách ly F0 thể nhẹ đặt ở trường mầm non phường Giáp Bát nhảy múa vui vẻ với nhau. Ảnh: Trường Phong

Nhận điện thoại của phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo phường Trung Phụng (quận Đống Đa) nhắn nhủ phóng viên cần thông cảm, xuống Trạm Y tế thời điểm này rất nguy hiểm bởi F0 đang nhiều, lại gây mất tập trung công việc cho anh em. Nhiều nhân viên Trạm y tế phường ở quận Hoàn Kiếm cũng nhắn phóng viên thông cảm bởi cần tập trung vào công việc.

Tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), một nhân viên chỉ bảo “Bọn chị vất vả quá rồi! Thế thôi, em thích viết thế nào cũng được nhé”. Trong suốt một ngày xuống Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chúng tôi cũng chỉ kịp trao đổi với chị Đoàn Thị Thảo – người được cho là ít bận nhất.

Dù thế, chị cũng luôn tay luôn chân, hết nghe điện thoại tư vấn, lại chạy đi lo công văn, giấy tờ, làm hồ sơ để theo dõi các trường hợp hết hạn cách ly, điều trị trên địa bàn. Chị Thảo là nhân viên y tế học đường trên địa bàn phường Phương Liệt, thời gian này được tăng cường qua Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa để chống dịch.

Trước đó, chị vừa được tăng cường sang Trạm Y tế phường Phương Liên thời gian 3 tháng. Chị bảo, đi suốt, con cái gửi ở nhà ngoại, cũng chưa thấy có chế độ gì ngoài giấy khen của Phòng GD&ĐT quận. Chồng chị bảo nếu công việc vất vả quá, áp lực quá thì xin nghỉ. Khi tranh thủ gọi điện thoại cho con gái, cháu bảo mẹ: “Mẹ bỏ rơi con à”. Con cái học trực tuyến, giáo viên nhắn tin về tình hình của con, chị còn không kịp nhắn lại.

Chia sẻ về áp lực với nhân viên y tế tuyến cơ sở ở Hà Nội hiện nay, chị Huyền - Trưởng Trạm y tế phường Giáp Bát (Hoàng Mai) chia sẻ, nhân viên y tế vất vả quá, người thì ít mà công việc tăng gấp nhiều lần.

Chị Huyền nói, không chỉ bản thân chị, mà nhiều đồng nghiệp cũng có lúc có suy nghĩ, hay là từ bỏ, dừng công việc này lại. Nhưng rồi chị cũng tự nhủ, bao nhiêu năm gắn bó với nghề, giờ đến lúc xã hội cần, nhân dân cần mà lại bỏ không làm nữa thì mang tiếng, không hay.

Chị Liên cũng bảo, cũng nghe ở chỗ này, chỗ kia, có người này, người kia xin nghỉ việc vì áp lực, vì lo lắng lây nhiễm, nhưng chị và các đồng nghiệp chưa từng nghĩ đến điều này. Nhân viên Trạm y tế phường Ô Chợ Dừa trong câu chuyện vui cuối ngày về áp lực công việc, bảo hay là chị em mình viết giấy rồi cùng ký…

Tâm sự với phóng viên Tiền Phong, ông Đặng Khánh Hoà, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân bảo, nhiều khi trong cuộc họp, ông nghe thấy những nhân viên y tế vừa phát biểu vừa rưng rưng. Đa phần nhân viên y tế tuyến cơ sở là nữ. Người nào cũng có gia đình, chồng con. Không phải ai cũng dũng cảm, vượt qua được những áp lực, đặc biệt khi đối mặt với dịch bệnh.

Cùng quan điểm, bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy bảo, nhân viên y tế trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung hiện nay đang quá tải về công việc. Họ đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 quá cao. “Bây giờ phóng viên xuống cũng không gặp được đâu. Nguy cơ dịch cao quá. Anh em cũng vất vả quá rồi, để cho mọi người tập trung làm việc”, bà Dung nói.

Trong chỉ đạo mới nhất về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đã chỉ đạo tập trung tối đa cho tuyến cơ sở để phòng, chống dịch; đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, trong 2 năm qua, lực lượng y tế cơ sở là “tuyến đầu của tuyến đầu”, tuy nhiên, việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực chưa tương xứng. Thành phố Hà Nội đang có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở là 2.447 tỷ đồng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, về nhân lực y tế, thực tế hiện nay, nhiều xã, phường thị trấn của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa, nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ/1 trạm y tế. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận định, với số lượng cán bộ như vậy chỉ thực hiện theo dõi quản lý sức khỏe bảo đảm cho tối đa 13.000-15.000 dân.

“Trên 15.000 dân sẽ quá tải, chưa kể khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan nhanh”, bà Hà nói đồng thời thông tin, các Trung tâm Y tế các quận, huyện chưa tuyển dụng đủ nhân lực theo vị trí việc làm để thực hiện nhiệm vụ do không thu hút được nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bác sĩ. Ngoài ra, đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ nhưng thu nhập của cán bộ y tế cơ sở còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề.

Tin liên quan