Về dự án Trung tâm thương mại – dịch vụ 19/12:

Hãy trả lại cho con phố vai trò từng có

Hãy trả lại cho con phố vai trò từng có
TP - Về việc xây dựng Trung tâm thương mại tại chợ 19/12, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính vừa có thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP , Bí thư Thành ủy Hà Nội.

>> Chợ truyền thống 'cõng' trung tâm thương mại
>> Thành phố đang lắng nghe ý kiến nhân dân!
>> Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nên thay cao ốc bằng một con đường
>> Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Nên chuyển thành một vườn hoa

Hãy trả lại cho con phố vai trò từng có ảnh 1
Chợ 19/12 đang khẩn trương giải tỏa   Ảnh: Phạm Yên

Tiền Phong xin đăng nguyên văn bức thư này.

Kính gửi: Ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội.

Hôm qua xem truyền hình, được biết là ở cuộc họp của Hội đồng nhân dân thành phố có đưa ra ý kiến về việc cần phải giữ lại biệt thự cũ với tư cách là một giá trị nổi trội của quỹ kiến trúc đô thị thủ đô, tôi thật sự xúc động. Đây quả là một biểu hiện văn hóa, xứng với đất văn hiến.

Mới đây các chuyên gia Pháp đã giúp chúng ta nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm.

Với hai sự kiện này, một bộ phận của di sản văn hóa và di sản kiến trúc thủ đô, tôi thấp thỏm nghĩ, đang gặp vận may đây.

Việc xây dựng Trung tâm thương mại trên con phố ngắn, nối đường Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt, lâu nay dân gọi là chợ Âm Phủ, cần phải nói thẳng ra là đi ngược những biểu hiện văn hóa sâu xa nêu ở phần trên.

Bảo tồn di sản kiến trúc thời Pháp hoàn toàn bất khả thi nếu ta chỉ hạn chế ở việc giữ lại những biệt thự và những tòa nhà công sở. Cần giữ lại mạng lưới phố xá cùng môi trường cảnh quan chuyên biệt, không chỉ là sự quây quần không thể tách lìa của những công trình kiến trúc quý giá, mà còn góp phần quyết định tạo nên diện mạo thị thành, diện mạo hòa quyện cộng sinh văn hóa, mà không phải mấy nơi có được.

Việc xây dựng những công trình đồ sộ, khác lạ về kiến trúc, như khách sạn Melia, tòa Tháp Hà Nội, tòa nhà Bộ Tài chính… đã làm tan vỡ sự thống nhất mang tính chất tế bào của cơ thể đô thị trung tâm Hà Nội. Đó là những việc đau lòng, ta chỉ còn có thể xót xa và lấy làm bài học.

Việc xây dựng Trung tâm thương mại, một công trình rất lớn, rất cao, lại đặt dọc theo con phố, trái ngược với lối bố cục kiến trúc dọc theo mặt đường đã hình thành, có hình khối giống như cái tủ vách, lại tạo thêm một sự thách thức ghê gớm, phá vỡ đến tận gốc rễ cấu trúc và hình hài của ô phố.

Đúng ra, chúng ta phải giải tỏa con phố này, phá bỏ hoặc chí ít kiện toàn lại cụm kiến trúc xây tự phát ở phía Tòa án nhằm giảm bớt sự bề bộn của cảnh quan kiến trúc, khôi phục sự vẹn toàn đô thị đang đứng trước nguy cơ tan vỡ hẳn.

Chúng tôi cho rằng không nên xây dựng gì ở con phố này, trả lại cho nó vai trò mà nó từng có, tìm một hình thức nghệ thuật nào đó để vĩnh cửu hóa kỷ niệm thiêng liêng về thời đồng bào Hà thành mình đánh Tây.

Kính mong ông cho xem xét lại quyết định xây dựng Trung tâm thương mại tại đây, nhất là kỷ niệm 1.000 Thăng Long văn hiến đến nơi rồi.

Kính chào ông Chủ tịch.

Hà Nội, ngày 10/12/2008
GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính

Tòa soạn cũng đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc bày tỏ chính kiến về sự việc này.

Hãy làm gì đó khi còn chưa muộn

Hà Nội luôn được coi là trung tâm văn hoá, chính trị của cả nước. Xin đừng vì lợi ích trước mắt mà biến nơi đó thành trung tâm thương mại. Một Hồ Tây địa linh nhân kiệt giờ không khác cái ao, một hàm cá mập sừng sững như thách đố bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm, những cảnh tượng ùn tắc giao thông gây bức xúc cho người dân... chẳng lẽ những điều ấy chưa đủ hay sao?

Thủ đô yêu dấu của chúng ta sắp tròn một ngàn năm tuổi, hãy làm gì đó cho Hà Nội khi chưa quá muộn.

Lê Thị Thu Hoài
hoaikehoach@yahoo.com.vn

Xin vì lợi ích của nhân dân

Tôi hoàn toàn thất vọng khi biết dự án xây dựng trên nền chợ tạm 19/12 một Tổ hợp Trung tâm thương mại gồm 2 tòa nhà 17 tầng và 7 tầng. Tại sao với chợ Nguyễn Cao, các cấp lãnh đạo đã có những việc làm hợp với lòng dân là trả lại con đường mang tên phố Nguyễn Cao, vậy mà với Chợ tạm 19/12 thì lại không?

Bản đồ thời Pháp thuộc về Hà Nội và các bản đồ về Hà Nội từ xưa tới nay cũng cho thấy đây là một con đường, xin hãy giữ lại con đường như lịch sử đã từng ghi nhận. Rất mong lãnh đạo thành phố xem xét lại. Xin hãy vì lợi ích nhân dân. Nếu sửa lại một quyết định mà phù hợp với lòng dân thì cũng nên làm lắm thay.

Hoàng Ngọc Anh 
(anhbca71@yahoo.com.vn)

Giữ lại con đường là việc làm thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long

Nếu Hà Nội muốn đẹp hơn, sạch hơn, xanh hơn cho Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long thì một trong những việc làm thiết thực nhất là khôi phục lại con đường này. Đừng để có một công trình xây dựng cao tầng lọt thỏm vào đây nữa. Kiến trúc của Khách sạn Melia đã đủ để cho khu vực này méo mó rồi!

Nguyễn Văn
vptproject@yahoo.com

Cần có quy hoạch tổng thể cho Hà Nội

Nếu Hà Nội không có quy hoạch tổng thể tốt thì con cháu đời sau tha hồ sửa chữa. Hiện tại các nhà cao tầng tại Hà Nội quy hoạch rất lộn xộn, chỗ nào hở ra là xây. Theo tôi cần phải có một dự án quy hoạch tổng thể cho Thủ đô, khu nào phát triển, khu nào bảo tồn.

Thủ đô Paris không có nhà cao tầng (chỉ có một khu vực nhỏ bên rìa TP được quy hoạch riêng), vẫn là điểm thu hút khách du lịch nhất châu Âu, vậy tại sao các nhà kiến trúc không phân tích, tìm hiểu?

Hoàng Ngọc Bích 
hoangngocbich@rocketmail.com

Công khai quy hoạch trên Web

Thành phố Hà Nội nên có một trang Web công khai, toàn bộ các thông tin về quy hoạch các khu đô thị như : 1/ Tên, địa chỉ, diện tích, thời gian thực hiện dự án cho dân giám sát 2/ Chủ đầu tư 3/ khi quá thời gian thực hiện dự án, các văn bản giải quyết của cơ quan chức năng cũng được công khai trước dân.

Tôi tin rằng sẽ hạn chế được tiêu cực, khắc phục trình trạng nhận đất chờ thời của các chủ đầu tư gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia.

Đặng Xuân Sơn
(dangxuanson1@yahoo.com)

Nếu chưa làm đẹp hơn, xin giữ lại Hà Nội đã có

Cám ơn ông Dương Trung Quốc đã dám nói lên những điều tâm huyết của mình, có thể nói đó cũng là tâm huyết của nhân dân. 

Hà Nội thơ mộng cũ đâu còn? Nếu chưa làm thêm được những gì đẹp hơn cho Hà Nội thì xin hãy giữ lấy những gì mà Hà Nội đã có bấy nay. 

Vũ Văn Huệ
Cán bộ hưu trí (vuvanhue778@vnn.vn)

Không nên xem như chuyện đã rồi

Tôi chỉ xin nêu 2 vấn đề: Thứ nhất, cần phải nhìn thêm về phương diện giao thông. Thêm một khối nhà là tăng mật độ giao thông, vì thế nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết nạn ách tắc giao thông của nội thành Hà Nội thì nên “di tản” các trung tâm thương mại, dịch vụ, các trường đại học, các bệnh viện ra khỏi nội thành, nếu không thì cũng không nên có thêm những điểm tập trung người như thế nữa. Thứ hai, UBND TP Hà Nội cũng không nên xem như chuyện đã rồi, cái gì có thể sửa thì nên sửa.  Đã có tiền lệ là  dự án của Tập đoàn Điện lực. 

Khi xem xét mở rộng địa giới Hà Nội thì có người cho rằng để có đủ đất xây dựng chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, còn bây giờ mở rộng rồi Hà Nội lại thiếu đất xây nhà cao tầng? Chúng tôi chờ đợi một quyết định đúng đắn của người đứng đầu thành phố.

Cao Đại
(caoban@gmail.com)

MỚI - NÓNG