Hãy hỏi dân

Hãy hỏi dân
TP - Mấy bữa nay, mới đầu xuân mà người dân ngỡ ngàng vì nhiều con phố của thủ đô nom xơ xác như vừa trải qua trận bão lớn. Hàng loạt cây xanh bỗng dưng bị đốn ngã trơ gốc, chỉ còn lại những hố đất toang hoác, nham nhở la liệt bên hè phố.

Nhiều người hỏi nhau mới biết, theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị của sở Xây dựng mới được phê duyệt, 6.700 cây trong tổng số 30.000 cây tại 190 tuyến phố khắp 10 quận nội thành sẽ bị đốn hạ kể từ tháng 3/2015.

Không chỉ ngỡ ngàng mà còn bâng khuâng và đau xót. Đó là cảm nhận của nhiều người dân thủ đô khi đi qua những con phố thân quen, thậm chí khi đứng trước hiên nhà mình. Không ít người cảm thấy như hẫng hụt, trống vắng bởi “hương hoa sữa thơm nồng” trước hiên nhà, “cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau” nơi góc phố từng đi vào thơ ca, đi vào ký ức tuổi thơ của họ nay không còn nữa.

Những cây xanh thân thương ấy nay bị đánh bật gốc, bị cưa ra từng khúc, bị biến thành củi… một cách không thương tiếc. Con đường Nguyễn Chí Thanh đẹp nhất thủ đô với hàng trăm cây hoa sữa xanh mướt nay tịnh không còn một chiếc lá, nom như con phố “trọc đầu”. Mấy hôm nay, đương xuân mà Hà Nội bỗng nắng chói chang như mùa hạ, mới thấy cái bóng mát dưới tán cây quý đến dường nào…

Cái lá phổi xanh của cả thủ đô, có 3 vạn cây thì thay, chặt tới ngót một phần tư. Quan trọng và quý hiếm, thân thương và đầy ắp kỷ niệm đến thế, ấy vậy mà ông Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long lại nói không phải hỏi dân là sao ? Báo chí hỏi : “Vậy chuyện chặt cây có phải hỏi dân không, thưa ông?”, ông Long đáp : “Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác”. Hẳn nếu chịu khó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân trước chuyện này, tôi tin rằng ông Long sẽ không trả lời như thế.

Xin thưa, chính quyền chặt một cái cây cũng cần giải thích, cần thông báo trước với người dân trong khu vực để đạt được sự đồng thuận, huống hồ là ngót 7 ngàn cây. Suy cho cùng, cây xanh trong thành phố hẳn cũng do nhiều thế hệ người dân  chăm trồng nên  mà có. Vậy chặt đi, dẫu có vì mục tiêu tốt đẹp hơn, cũng cần phải hỏi dân, bàn với dân chứ. 

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhà nước, chính quyền là của dân, do dân, vì dân. Vậy nên, việc lớn, việc bé nếu được dân đồng thuận ắt sẽ thành công.

MỚI - NÓNG