Hãy cho tôi một nhà hát thiếu nhi

Hãy cho tôi một nhà hát thiếu nhi
TP - Xót xa khi nhìn thấy các nhà hát bỏ hoang, hoặc biến thành nơi kinh doanh nhà hàng, quán bia, trong khi các em thiếu nhi không có sân chơi, NSƯT Đức Hải đã từng đề nghị với lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thông tin: Hãy cho tôi một nhà hát thiếu nhi, tôi sẽ “đẻ” hàng loạt chương trình.

> Sân chơi cho trẻ: Lựa chọn nào?

Nghệ sỹ Đức Hải vai mụ phù thủy (bìa trái) trong Câu chuyện thiên nga. Ảnh: Thúy Hiền
Nghệ sỹ Đức Hải vai mụ phù thủy (bìa trái) trong Câu chuyện thiên nga. Ảnh: Thúy Hiền.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, bỏ lại một vài sô diễn tại TPHCM, NSƯT Đức Hải ra Hà Nội để thực hiện ước mơ của mình: tạo sân chơi cho các bé ngay tại Nhà hát Tuổi trẻ, với vở kịch mới nhất của anh Câu chuyện thiên nga. Đây cũng là nơi đã gắn bó với nghiệp diễn của anh từ những ngày đầu tiên.

Câu chuyện thiên nga do nghệ sỹ Đức Hải viết kịch bản, đạo diễn và diễn xuất. Trong những ngày ở Hà Nội, anh chạy sô hết công suất qua nhiều rạp. Đức Hải nói: Quá sướng khi thấy bọn trẻ gào thét, rú hét và nhảy múa cùng mình. Chúng đã tham gia vào vở diễn.

Có ý kiến cho rằng, kịch thiếu nhi nên do thiếu nhi diễn?

Không nhất thiết. Nghệ sỹ diễn cho thiếu nhi phải hát hay, múa giỏi và nhiều tài lẻ khác. Cái quan trọng nhất là người nghệ sỹ phải thể hiện được cái hồn nhiên của trẻ nhỏ. Có lần tôi đã từng sang Bắc Kinh xem kịch thiếu nhi. Tôi thấy người diễn viên nhập vai không khác gì đứa trẻ, kể cả ngoại hình lẫn diễn xuất. Tôi cảm phục vô cùng. Ngay sau khi vở kịch kết thúc, tôi tò mò vào sau cánh gà để hỏi chuyện: Năm nay bé bao nhiêu tuổi? Người diễn viên đó vừa tẩy trang, vừa quay ra phía tôi trả lời: Tôi năm nay đã ngoài… 60. Oài. Choáng luôn.

Theo anh, khó khăn lớn nhất trong việc xã hội hóa sân khấu kịch phía Bắc là gì?

Khó khăn lớn nhất vẫn là cơ sở vật chất, tức là nhà hát. Xã hội hóa là xu hướng tất yếu và các sân khấu phía Nam đã làm từ lâu rồi và làm rất tốt. Thậm chí, học trò của tôi ở trong Nam cũng có thể bỏ tiền ra làm nhóm kịch riêng. Vì trong đó rạp rất sẵn và tiền thuê rất rẻ.

Trong Nam, chỉ cần 3 triệu - 5 triệu đồng là có thể thuê được rạp để diễn, trong đó đã có sẵn loa và điện nước rồi. Rẻ như thế thì mới làm được. Chứ ở ngoài này, bạn thử vào Cung hữu nghị Việt Xô đi, Nhà hát Lớn đi, mấy chục triệu ngay, được coi là rẻ như rạp Công Nhân cũng đã 15 triệu rồi. Đắt thế thì làm làm sao? Đấy là chưa kể, đầu tư trang phục cho các vở diễn thiếu nhi cũng tốn kém hơn nhiều so với người lớn.

Nghe nói, anh đã từng khao khát có một nhà hát cho thiếu nhi từ hơn 10 năm trước?

Khoảng 13 năm trước, tôi đã từng đề xuất với ông Phạm Quang Nghị, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin rằng, hãy cho tôi một nhà hát thiếu nhi, tôi sẽ đẻ hàng loạt chương trình. Ông Nghị bày tỏ sự ủng hộ nhưng ra điều kiện: Nếu Đức Hải làm thay đổi thói quen thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người Hà Nội thì tôi chả tiếc gì Đức Hải đâu.

Điều kiện tưởng chừng đơn giản, nhưng lại quả là một thách thức rất lớn với tôi lúc đó. Tôi bảo, để tôi suy nghĩ. Nhưng ngay sau đó, tôi nhận được lời mời làm giảng viên của Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM vì tôi có bằng thạc sỹ sân khấu ở Nga và tôi đã Nam tiến để thử sức mình trước.

Hãy cho tôi một nhà hát thiếu nhi ảnh 2

Có vẻ, thời gian làm việc tại TPHCM đã giúp anh trưởng thành?

TPHCM đã cho tôi phong cách làm việc rất trẻ và nhịp làm việc rất nhanh, không bị trì trệ. Việc xã hội hóa sân khấu khiến cho mình luôn luôn phải làm việc, chứ không chỉ trông chờ vào bầu sữa mẹ Nhà nước (cho ngân sách bao nhiêu thì làm bấy nhiêu).

Tôi làm để sống, để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, ở trong Nam có thuận lợi là không có mùa đông. Nhu cầu giải trí của họ là đương nhiên, là thói quen. Còn diễn viên thì hào hứng làm việc vì có làm việc là có tiền, và phải làm hay để lần sau lại được mời.

Vậy ước mơ nhà hát thiếu nhi của anh như thế nào và đến bao giờ mới thành hiện thực?

Quả thật, cho tới giờ phút này, chúng ta vẫn chưa có một nhà hát dành cho thiếu nhi. Nhìn ra thế giới mà thèm. Ngay ở châu Á, thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc có tới 7 nhà hát thiếu nhi, Tokyo (Nhật Bản) cũng có 7 nhà hát thiếu nhi.

Còn Hà Nội thì sao? Có rất nhiều rạp bỏ không, có rạp trở thành quán bia hơi, có rạp trở thành nơi gửi xe và cũng có nhiều rạp trở nên hoang phế. Như rạp Kim Phụng ở phố Lương Ngọc Quyến. Buổi tối, tôi lên đấy ăn nem chua rán, cứ nhìn từ bên đường sang mà thấy xót xa, tiếc nuối. Rồi rạp Bắc Đô, Kinh Đô, Đại Đồng cũng để không… Thế thì các cháu được chơi ở đâu? Bạn bè chúng tôi cũng đã từng đặt vấn đề với tôi về việc xin một cái rạp bỏ hoang nào đó, rồi sửa chữa, nâng cấp thành nhà hát thiếu nhi.

Nếu xin được rồi, mình lại phải bỏ tiền ra mua ghế ngồi, sửa sang lại thiết bị âm thanh, ánh sáng, làm lại thoát hiểm, cứu hỏa, đèn điện… ít nhất cũng phải mất 10 tỷ. Cá nhân nào dám bỏ ra 10 tỷ? Khi khả năng thu hồi vốn không cao…

Chúng tôi chỉ cầu mong Nhà nước cấp cho chúng tôi, những người đam mê nghệ thuật cho trẻ em, một cái rạp tử tế. Chúng tôi trả tiền chi phí đàng hoàng và chúng tôi sẽ làm cho các cháu, lấy thu bù chi từ tiền bán vé và các nguồn tài trợ…

Gần đây, có một loạt rạp hát cũ được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại như rạp Kim Đồng, rạp Đại Nam… đó thôi?

Tôi đã đi lang thang Hà Nội và nhận thấy nhiều rạp cũ, bỏ không, chuột gián chạy lồm cồm khắp nơi. Rạp mới khang trang hoạt động hiệu quả không, công việc xã hội hóa của họ đến đâu? Tôi thấy việc kêu gọi xã hội hóa sân khấu phía Bắc đã được đưa ra từ lâu rồi, nhưng cho đến nay dường như vẫn dậm chân tại chỗ vì nhiều lý do. Mặc dù vậy, cá nhân tôi vẫn lạc quan tin vào sự thành công của công tác xã hội hóa nếu có sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội.

Cảm ơn và chúc anh thực hiện được ước mơ của mình.

“Mỗi năm, ngân sách Nhà nước cấp cho chúng tôi chỉ đủ làm một chương trình cho thiếu nhi. Hiện nay, chúng tôi đang tăng cường các hoạt động xã hội hóa, cố gắng 1 năm phải có ít nhất 3 đến 5 chương trình, đẩy mạnh các chương trình phục vụ thiếu nhi lên đến 50% hoạt động của nhà hát. Chúng tôi đang cố gắng tạo thói quen thu hút khán giả nhỏ tuổi đến nhà hát định kỳ. Vì vậy, kể cả lỗ, chúng tôi vẫn quyết làm. Câu chuyện thiên nga của Nghệ sỹ Đức Hải sẽ là một trong dự án Thiên đường tuổi thơ của chúng tôi. Đó là sân khấu mở sẽ diễn ra định kỳ vào 9 giờ sáng Chủ nhật hằng tuần”.

Ông Trương Nhuận, Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ

 Anh Vũ
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG