Tiền nước, tiền thau bể thay lõi lọc và... bất bình?
Anh Ngô Nguyên Huân, sống tại Chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, sau vụ nước bẩn sông Đà, gia đình anh phải thay 3 lõi lọc thô hết tổng cộng 320 nghìn đồng. Nếu thay lõi màng RO với giá 660 nghìn đồng và 3 lõi khoáng có giá hơn một triệu đồng thì tổng chi phí dùng để thay 7 lõi lọc nước đã xấp xỉ 2 triệu đồng. Chưa kể, trong những ngày qua, gia đình anh phải mua 10 bình nước tinh khiết dùng để ăn uống hết hơn 600 nghìn đồng. Trong khi đó, mỗi tháng gia đình chỉ dùng trung bình hết hơn 100 nghìn đồng tiền nước - tức là gia đình anh chỉ được “bồi thường” 100 nghìn đồng cho toàn bộ chi phí, công sức và cả sự bức xúc để chống chọi với sự cố nước bẩn sông Đà.
Chị Đào Thanh Tùng, cư dân tòa nhà ở cho cán bộ nhân viên Thông tấn xã Việt Nam (Đại Kim, Hoàng Mai) cho biết, theo định kỳ, tháng 7 vừa rồi, gia đình chị đã thay lõi lọc nước hết hơn 1 triệu đồng, nhưng sau sự cố nước nhiễm dầu, chị lại phải gọi thợ tiếp tục thay thêm lần nữa. Ngoài chi phí thay lõi lọc nước, kể từ khi có thông tin nước nhiễm dầu đến nay, mỗi ngày, gia đình chị dùng hết 2 bình nước lavie loại 6 lít mua từ siêu thị hết khoảng 65 nghìn đồng, tổng chi phí lên đến gần 1 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí nước hằng tháng gia đình phải trả (cũng là mức sẽ được Công ty CP nước sạch sông Đà đền bù) chỉ dưới 200 nghìn đồng.
Như đã phản ánh, ngoài các hộ gia đình ở chung cư, ban quản trị, ban quản lý khu chung cư phải mất nhiều triệu để thau bể nước chung và chi phí này được “bổ đầu” đến các căn hộ. Ngoài khu chung cư, nhiều hộ dân ở các quận ở Hà Nội bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm nước sạch sông Đà cũng phải thau rửa bể nước ngầm của gia đình.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều gia đình phải thuê các công ty vệ sinh làm xúc rửa bể nước ăn. Trung bình mỗi gia đình phải trả 500 - 1 triệu đồng. Đơn cử như gia đình ông Tuấn trú tại khu A1 Khương Trung phải thuê 3 người đục sàn nhà, rửa lại bể nước ngầm. Chưa kể những chi phí phát sinh từ việc mua nước đóng bình, thay lõi lọc nước…
Cần thống kê thiệt hại, trừ vào tiền nước hằng tháng
Luật sư Nhâm Mạnh Hà, Cty Luật TNHH Luật Gia Vũ cho rằng, đáng ra, khi phát hiện nguồn nước bị nhiễm dầu, Công ty CP nước sạch sông Đà cần phải dừng ngay hoạt động cung cấp nước cho người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp để xử lý ô nhiễm dầu. “Ở đây, họ biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cung cấp cho người dân, người dân sử dụng bị nhiễm độc thì đương nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về phía cung cấp nước. Chiếu theo số tiền sử dụng nước được miễn phí một tháng là quá nhỏ so với thiệt hại họ phải gánh chịu”, luật sư Hà phân tích.
“Ở đây thiệt hại đã có, phần mấu chốt là thống kê thực tế người dân đã bỏ ra bao tiền để mua nước bình, mua nước sạch, chi phí phát sinh... Sau đó tổng hợp và gửi đề nghị phía công ty cấp nước phải chi trả, bồi thường. Nếu không chi trả trực tiếp thì có thể trừ vào tiền nước hàng tháng sau này”, luật sư Hà nói.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, nguồn nước từ Nhà máy nước sạch sông Đà bị đầu độc là việc rất đáng buồn. Ngoài nhà máy nước thì cơ quan quản lý nhà máy nước là ai, phải chịu trách nhiệm như thế nào? Hệ thống chính trị cần hết sức quan tâm đến vấn đề dân sinh và phải có sự bàn bạc, nhận ra sai lầm, đấu tranh chống sai lầm, không để tái diễn.
Võ Hóa