Hậu quả từ những cơn say

0:00 / 0:00
0:00
Hai con của anh Đinh Văn Dũng bơ vơ vì thiếu mẹ
Hai con của anh Đinh Văn Dũng bơ vơ vì thiếu mẹ
TP - Từ đầu năm đến nay, huyện Kbang (Gia Lai) liên tục xảy ra việc người Ba Na vì bế tắc trong cuộc sống, chìm trong những cơn say tìm đến cái chết bằng ăn lá ngón, thuốc trừ sâu.

Tự tử vì khoản nợ 1 triệu đồng

Một cán bộ Huyện ủy huyện Kbang thông tin, anh Đ.H (35 tuổi, làng Htang, thị trấn Kbang, huyện Kbang) vừa tự tử do mâu thuẫn với vợ, để lại 3 con nhỏ, đứa lớn 13 tuổi, thứ hai 8 tuổi, út mới 3 tuổi. Gặp chúng tôi, chị Đinh Thị Chan (32 tuổi, vợ anh H.) sụt sùi nói: “Nó muốn vậy mà, làm sao mình ngăn cản được. Buồn lắm!”.

Theo chị Chan, thời gian gần đây hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn do khoản nợ hơn 1 triệu đồng, trong khi cả gia đình 5 miệng ăn lại không có đất sản xuất, hàng ngày phải đi làm thuê để nuôi con ăn học. Cũng từ đây anh H. buồn bã, tìm bạn bè trong làng uống rượu. Trong cơn say, anh H. nghĩ quẩn ra sau nhà thắt cổ. “Giờ con trai lớn 13 tuổi phải nghỉ học để đi nhổ mì, mỗi ngày cố kiếm 100 nghìn đồng trả nợ. Con thứ hai 8 tuổi, cũng phải nghỉ học để đi làm mới có gạo ăn”, chị Chan ngậm ngùi nói.

Ông Đinh Blinh, Bí thư Chi bộ làng Htang cho biết, nếu phát hiện gia đình nào mâu thuẫn, thôn sẽ tổ chức tổ hòa giải đến vận động. Tuy nhiên, việc này không giải quyết triệt để được vấn nạn người dân tự tử, do không thể theo sát họ mỗi ngày. Gia đình có người tự tử sẽ rất khó khăn, con cái bơ vơ, bỏ học giữa chừng.

“Chỉ cần người dân bớt uống rượu, chịu khó làm ăn sẽ không dẫn đến cãi vã hay các vụ việc đau buồn. Trong làng có gia đình anh Đinh Hdum (43 tuổi) không nhậu nhẹt say sưa, chịu khó nuôi bò, lợn nên cuộc sống ấm no, rồi có tiền nuôi một đứa lớn học đại học, con út đang học cấp ba rất giỏi”, ông Đinh Blinh nói.

Phân loại các nhóm người có nguy cơ

Làng Kon Lanh cách trụ sở UBND xã Đak Krong (huyện Kbang) chừng 2km. Đến đầu làng giữa chiều đã có vài người ngất ngưởng, liêu xiêu cầm chai rượu đi giữa đường, có người nằm võng ngủ bên can rượu 20 lít. Cũng vì rượu mà gia đình anh Đinh Văn Dũng (29 tuổi) rơi vào thảm cảnh. Áp lực cơm áo nuôi chồng, nuôi con khiến chị Đ.T.R. (28 tuổi, vợ anh Dũng) phải chạy vào rừng ăn lá ngón.

Trong căn nhà gỗ cũ kĩ, không có tài sản gì đáng giá, ôm 2 đứa con gái vào lòng, anh Dũng tỏ ra hối hận đã uống quá nhiều rượu để rồi bị xơ gan, tiểu đường, giờ sống cầm cự qua ngày. Anh Dũng chia sẻ, gia đình rất khó khăn chỉ dựa vào duy nhất hơn 1ha cà phê, mỗi năm sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư chỉ còn lại hơn 10 triệu đồng. Hơn ba tháng trước, hay tin chồng bị bệnh hiểm nghèo, chị R. đi khắp nơi làm thuê kiếm tiền thuốc thang, chạy chữa. Đã khổ lại càng khó, khi rẫy cà phê của gia đình anh Dũng trồng được hơn 3 năm bị kẻ xấu chặt 20 gốc.

Ông Võ Phúc Quán, Phó ban Dân vận Huyện ủy Kbang cho biết, nguyên nhân người đồng bào ở đây tự tử do trình độ dân trí thấp, nhận thức về cuộc sống chưa vững vàng, dẫn đến bi quan, chán nản và có hành động tiêu cực bộc phát. Trong đó, hơn 80% trường hợp tự tử liên quan đến sử dụng bia, rượu.

Bế tắc, chị R. tìm chum rượu cần uống một hơi cạn sạch rồi khóc. “Lúc bị rượu điều khiển nó dặn tôi phải cố sống để chăm sóc 2 con nhỏ, rồi một mạch chạy vào rừng. Mình gọi cả làng đi tìm nhưng không thấy. Hôm sau nó về nhà và nói đã ăn lá ngón. Mình vội vã đưa đến bệnh viện ở thị trấn cách nhà 50km, song vừa đi được nửa đường thì nó nhắm mắt”, anh Dũng nói rồi ôm hai con gái khóc nghẹn.

Đứa con gái lớn của anh Dũng mới học lớp 3 tự đi đến trường, việc giặt giũ, cơm nước do bà ngoại đã hơn 70 tuổi gồng gánh.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Phúc Quán, Phó ban Dân vận Huyện ủy Kbang cho biết, từ đầu năm đến nay, địa bàn xảy ra 17 vụ người Ba Na tự tử khiến 17 người tử vong. Trước tình hình trên, Ban Dân vận của huyện đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai các giải pháp để giảm thiểu việc tự tử. Điển hình là đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Theo đó, huyện Kbang thực hiện cấp tốc các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào, tổ chức rà soát phân loại các nhóm người có nguy cơ dẫn đến hành vi tự tử để chỉ đạo chính quyền phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội có phương pháp tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, các ban ngành chức năng phải quản lý tốt mối quan hệ vay mượn tiền bạc, mua hàng hóa giữa các đại lý, hộ kinh doanh cá thể với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời xử lý nghiêm theo quy định các hoạt động có dấu hiệu tín dụng đen, cũng như việc bán rượu, bia không đảm bảo chất lượng.

MỚI - NÓNG