Hậu quả phân bón giả trên Tây Nguyên

TP - Là một vùng chuyên canh nông nghiệp rộng lớn, mỗi năm các tỉnh Tây Nguyên tiêu thụ tới nhiều triệu tấn phân bón cùng các loại thuốc trừ sâu, chế phẩm sinh học. Thực trạng hỗn tạp về việc các mặt hàng chất lượng kém, hàng giả trong lĩnh vực này không chỉ làm khổ nông dân, mà còn tổn hại nghiêm trọng tới thương hiệu nông sản Việt và gây khó cho các doanh nghiệp chân chính.
Một rẫy tiêu ở xã Tâm Thắng huyện Cư Jút-Đắk Nông chết rụi vì phân bón và thuốc sâu giả.

Chờ kiểm nghiệm xong thì hàng dỏm đã bán hết !

Với hơn 180.000 ha cà phê, cùng hàng chục vạn ha tiêu, điều, cao su, ngô khoai, cây trồng khác, Đắk Nông là thị trường tiêu thụ màu mỡ cho vô số loại vật tư nông nghiệp, phân bón.           

Ông Phạm Tường Độ - Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho rằng mỗi năm, riêng tỉnh này tiêu thụ tới khoảng 1,1 triệu tấn phân bón các loại. Thị trường Đắk Nông lưu hành tới khoảng 350 mặt hàng phân bón, mà tỉnh chỉ có 2 cơ sở sản xuất phân vi sinh. Hầu hết các mặt hàng này được sản xuất nơi khác, tình trạng phân bón dỏm, giả chiếm tỉ lệ lớn, nhưng việc xử lý các sai phạm liên quan còn rất nhiều khó khăn.

Cuối tháng 9/2015 Chi cục Quản lý Thị trường ( CCQLTT) Đắk Nông có văn bản chuyên đề mặt hàng phân bón gửi Sở Công thương, báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2015 chỉ xử lý 5 vụ vi phạm đã phạt hành chính hơn 646,9 triệu đồng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón dỏm, giả v.v... Mức phạt tiền cao nhất là 170 triệu đồng đối với Cty TNHH Công nghệ cao Việt Pháp, có nhà máy ở Đồng Nai.

CCQLTT Đắk Nông cũng đã gửi văn bản ra Bộ Công Thương đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ, trình bày tỉnh nhiều lần gửi mẫu phân bón đi kiểm định chất lượng lần lượt tại 2 Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, mỗi nơi cho ra 1 kết quả khác nhau, gây khó cho quá trình xử lý.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Độ cho biết: Khi nhận tin báo nông dân phản ánh về phân bón kém chất lượng, chúng tôi đến lấy mẫu gửi đi kiểm tra. Có lần kiểm tra mẫu thử lần 1 cho thấy đúng là hàng kém chất lượng, nhưng họ không chấp nhận, phải gửi đi kiểm định nơi khác lần 2 cho ra kết quả càng kém, nhưng dung sai giữa 2 lần kiểm định lên tới 26%, trong khi Thông tư 29 hướng dẫn chỉ chấp nhận dung sai tối đa cộng trừ 5%, nên doanh nghiệp không chịu nhận sai phạm. Thậm chí trong cả tháng chúng tôi chờ kiểm định xong 2 nơi, họ đã kịp bán hết số phân bón kém chất lượng kia rồi.   

Phân dỏm bán mạnh, vì tỉ lệ chiết khấu cao

Là đơn vị xuất khẩu cà phê và hạt tiêu lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, top 5 của cả nước, Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 (Cty 2/9) Đắk Lắk, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước 6 năm gần đây đã triển khai “Chương trình cà phê, hồ tiêu bền vững”, liên kết với hơn 12.000 hộ nông dân.

Chuyên gia thực hiện chương trình cho biết: khâu khó nhất  của chương trình, là giúp nông dân đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào, bao gồm phân và thuốc bảo vệ thực vật. Lý do: Sản phẩm quá nhiều chủng loại, nông dân khó phân biệt thật giả. Quyết định mua sản phẩm phần lớn phụ thuộc cách tư vấn của các chủ đại lý. Còn yếu tố thúc đẩy chủ đại lý tiếp thị mạnh, là được nhà sản xuất chia cho mức chiết khấu cao, lợi nhuận khủng. Thường sản phẩm chất lượng tốt, giá bán hợp lý thì mức chiết khấu thấp, nên đại lý không nhận. Các loại phân tốt mức chiết khấu thường chỉ khoảng 200-300 đồng/ ký. Phân vừa vừa thì 500-700 đồng/ký, còn các loại phân dỏm, giả mức chiết khấu là ...ngất ngưởng, vô cùng, bởi giá thành rất thấp.

Các loại phân dỏm, giả thường có chi tiết hàm lượng và hướng dẫn sử dụng không rõ ràng, khiến nông dân càng tốn tiền mua thì càng phản tác dụng. Khi nông dân sử dụng xong biết đụng phải phân giả, hậu quả thường phải tự gồng gánh, không dám nói nặng đại lý vì còn giữ mối để vay mượn. Vài trường hợp đại lý muốn kiện đơn vị sản xuất nhưng họ đã kịp biến mất.

Ông Lê Đức Huy phó tổng giám đốc Cty 2/9 khẳng định với đại diện báo Tiền Phong: Hậu quả của vật tư nông nghiệp kém chất lượng, hàng dỏm hàng giả trực tiếp đối với bà con nông dân đã quá rõ. Nhưng tác hại dài hạn lớn hơn nữa, là nó ảnh hưởng rất tiêu cực đối với đầu ra của sản phẩm xuất khẩu, khiến việc nhập khẩu hồ tiêu về thị trường châu Âu năm 2014 giảm tới 11% so với năm 2013; năm 2015 tiếp tục giảm mạnh. Một số thị trường- đối tác TPP khác nếu cũng làm khắt khe như thị trường châu Âu thì cực kỳ nguy hiểm.

Nông dân và doanh nghiệp đang cần Nhà nước rà soát hệ thống pháp lý, có biện pháp quản lý chặt các đối tác cung ứng vật tư cho nền nông nghiệp, mới bảo đảm có sản phẩm ngon, sạch để tiêu thụ và xuất khẩu.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: Phân bón dỏm, giả được lưu hành, chính là biểu hiện của thương mại không công bằng. Nông dân phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với giá trị thực của loại phân họ mua, mà lượng nông sản thu về lại giảm đi. Các loại cây công nghiệp dài ngày mắc bệnh, mà mua nhầm thuốc trừ sâu rầy dỏm, giả để xịt, thì tiền mất, cây chết. Viện đã phối hợp chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp thường xuyên hướng dẫn nông dân nhận biết các vấn đề này. Tuy nhiên ngày nào thị trường vật tư nông nghiệp còn chưa hoàn toàn lành mạnh, thì ngày đó nền nông nghiệp nước nhà còn chịu thiệt hại lớn.