Hậu quả lớn từ sự vô trách nhiệm

Hậu quả lớn từ sự vô trách nhiệm
TP - Cuối cùng, việc Vietnam Airlines phải moi hầu bao (thực ra là tiền ngân sách Nhà nước) hơn 5,2 triệu euro, tương đương gần 101 tỷ đồng để trả cho luật sư người Ý Leberati cũng không thể cự lại được nữa.

>> Vietnam Airlines có bị kết án oan gần 5 triệu euro?

Hậu quả lớn từ sự vô trách nhiệm ảnh 1
VNA thua kiện, trách nhiệm thuộc về ai?

Nếu so sánh với những gì mà Cơ quan điều tra đã kết luận ban đầu về vụ PMU 18 thì số tiền này còn lớn hơn cả những gì mà các bị can đã bị khởi tố trong vụ án trên gây ra.

Nhưng cho đến nay, chưa thấy bất kỳ quan chức nào của ngành hàng không đứng ra nhận trách nhiệm.

Tháng 4/2005, khi vụ việc bị vỡ lở, trả lời phỏng vấn Tiền phong, ông Lê Đình Tứ - Nguyên Tổng Giám đốc VNA giai đoạn khởi nguồn của vụ kiện (1993 - 1998) khẳng định ông không hề biết sự việc này, nên nếu nói ông là người phải chịu trách nhiệm thì rất khó.

Còn ông Nguyễn Xuân Hiển - Đương kim Tổng Giám đốc - cũng biện minh, ông chỉ là người phải giải quyết hậu quả của những người tiền nhiệm. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm?

Phải chăng người phải chịu trách nhiệm ấy là ông Nguyễn Hải (nguyên Trưởng ban Tiếp thị), vì ông này nhận được “trát” của Tòa Ý nhưng lại tham mưu cho lãnh đạo là “mình không có liên quan gì”?

Lật giở hồ sơ vụ việc, hậu quả của việc bị mất gần 101 tỷ đồng này xuất phát từ sự tắc trách của một số quan chức của VNA.

Đầu tiên là việc thiếu hiểu biết luật pháp nước sở tại (Ý) khi đặt chân đến đây để kinh doanh. Bởi bản chất ban đầu không phải luật sư Liberati kiện trực tiếp VNA, mà là kiện Cty Falcomar - Một đại lý của VNA tại ý để đòi tiền công.

Chỉ đến khi Falcomar tuyên bố phá sản, thì VNA mới trở thành bị đơn thứ hai. Nhưng vì không hiểu biết pháp luật Ý, một số quan chức của VNA đã tự cho rằng “mình không liên quan”.

Người dân có thể tha thứ cho lỗi lầm từ sự thiếu hiểu biết, nhưng không thể tha thứ việc “che giấu sự thiếu hiểu biết ấy” bằng việc bưng bít, nhằm che đậy sự việc. Nhất là từ sự bưng bít ấy, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trước năm 2003, những thông tin về vụ việc này được VNA coi là thông tin mật. Bởi thế, vụ kiện diễn ra từ tháng 11/1994, nhưng gần 10 năm sau, ngày 18/2/2004, khi ủy ban Đòi nợ và Tịch biên Pháp thông báo phong tỏa hơn 1 triệu euro trong tài khoản BSP (tài khoản thu tiền bán vé của đại lý) của VNA tại Pháp và đưa ra lời cảnh báo có thể bắt giữ cả chuyên cơ của VNA thì quan chức của VNA mới báo cáo Chính phủ về vụ việc.

Với kiểu làm ăn như vậy, hậu quả mất cả trăm tỷ đồng là tất yếu. 

MỚI - NÓNG