Ở đây tôi không nói “tất cả” mà chỉ muốn đề cập đến số đông. Tôi hiểu rằng đâu đó vẫn có những người đàn ông biết thứ tha và đặt hạnh phúc gia đình lên trên lòng tự ái và sự tổn thương, nhưng con số đó là bao nhiêu trong số 100 người đàn ông phát hiện ra mình bị phản bội?
Hình như giữa xã hội tiến bộ và bình đẳng này vẫn còn một khoảng lớn của sự bất bình đẳng và bao giờ thiệt thòi cũng nghiêng về phía phụ nữ. Tôi tin chắc rằng một trăm năm sau… khi Việt Nam đã đưa người lên được cung trăng thì quyền lợi phụ nữ vẫn đi sau đàn ông một bước. Từ bao giờ người ta cho rằng việc đàn bà ngoại tình là tự chọn cho mình con đường không lối thoát, còn đàn ông ngoại tình thì lối về vẫn thênh thang?
Đàn ông thường gào thét rằng họ bị rơi vào tình thế nhục nhã ê chề, mất thể diện khi bị vợ cắm sừng. Chẳng lẽ đàn bà không biết đau, không biết nhục nhã và không mất thể diện khi bị chồng phản bội? Nếu đàn ông cho rằng họ bị ám ảnh và dằn vặt bởi sự tưởng tượng và cảm giác sứt mẻ sau sự phản bội của vợ… thì đàn bà cũng có!
Thế thì, tại sao đa phần đàn bà chấp nhận sự trở lại của chồng sau những ngày rong chơi, còn đàn ông thì không hoặc ít khi? Ai đó nói rằng “Đàn bà dễ quên, nhưng không bao giờ tha thứ. Đàn ông dễ tha thứ, nhưng chẳng bao giờ quên”. Tôi nghĩ, điều đó tùy thuộc vào sự rộng lượng hay hẹp lượng của mỗi người. Nhưng cho dù có thể quên hay tha thứ được, thì cũng chẳng dễ gì xóa sạch được vết sẹo của lòng tự ái.
Trong số những cặp vợ chồng mà tôi biết, khi người vợ phản bội thường là “được” tiễn đi luôn. Có một đôi còn khá trẻ, họ đến với nhau bằng tình yêu trong sáng và đẹp đẽ của thời sinh viên, lấy nhau được hai năm và chưa có con cái. Vì công việc nên người chồng thường công tác xa nhà, nhưng cuối tuần anh đều cố gắng dành thời gian cho vợ và bắt xe về nhà, dù quãng đường dài phải ngồi xe suốt, chỉ bên nhau chưa đến 24 giờ. Đùng một cái, anh hay tin vợ ngoại tình. Sau nhiều đêm nát lòng suy nghĩ, người chồng cũng quyết định tha thứ và cho vợ một con đường về. Khỏi phải nói, người vợ vô cùng sung sướng và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.
Thế nhưng, tha thứ là một lẽ, còn hạnh phúc có quay về hay không là lẽ khác. Anh như trở thành một con người khác, lắm lời và cay nghiệt (chỉ với vợ). Ai cũng thấy sau sự việc đó tóc anh bạc đến quá nửa, còn người vợ vì nhận thức rõ sai lầm của mình nên cố gắng chịu đựng những cơn dằn hắt. Cô kể: “Anh chửi đến 3 năm vẫn còn chưa hết lý lẽ để chửi, và đến bây giờ vẫn tiếp tục chửi”. Còn đàn ông, nhiều người mà tôi biết đều trở về suôn sẻ sau (những) chuyến “phiêu bạt giang hồ”. Vợ họ chấp nhận sự quay về, mà chấp nhận thường đi kèm với điều kiện là không bới móc lại quá khứ mà phải cho nó “chìm xuồng” luôn, nếu không lại có nguy cơ đổ vỡ tiếp.
Tỉ lệ gia đình tan vỡ sau khi người vợ ngoại tình bao giờ cũng cao hơn những gia đình có đàn ông ngoại tình. Tại sao? Chẳng lẽ đàn ông ích kỷ hơn đàn bà? Hình như, vấn đề không nằm ở tính ích kỷ mà ở một chỗ khác.
Đó là cái tôi cao ngạo của đàn ông thường to hơn. Họ được mặc định bằng triết lý “trai năm thê bảy thiếp…” từ thời ông và cha họ. Họ tự đắc với sự ví von mối tương quan giữa đàn ông và đàn bà như sự đánh dấu của tạo hóa và tự nhiên từ buổi sơ khai, qua hình ảnh bầy sư tử chỉ có con đực là có đặc quyền đa thê chứ không có kiểu một con sư tử cái dám tung tăng ngoại tình. Cũng chính cái ý thức hệ ấy khiến họ không chấp nhận được việc người đàn bà ngoại tình, nên họ lồng lên trên cái lãnh thổ mà họ đã đánh dấu ranh giới và quyền hạn.
Có lắm người đàn ông ngoại tình rành rành rõ như ban ngày nhưng vẫn “tức trào máu” khi vợ chỉ mới ở mức ngoại tình tư tưởng hay mới dám hẹn nhau ở quán nước chứ chưa đến nông nỗi nào.
Họ đã đi đến ngưỡng Z rồi mà vẫn được tha thứ, trong khi người vợ chỉ mới đến mức B,C gì đó đã phải nếm mùi cay đắng rồi, lỡ mà đi đến mức Y, Z thì có lẽ lối về coi như thăm thẳm mù khơi. Biết rằng ngoại tình đã là sai, dù ở mức nào thì cũng là vi phạm giá trị sống và đạo đức hôn nhân, nhưng vì sao có sự phân biệt còn đường trở về của đàn ông và đàn bà, trong khi người còn lại cũng có những sai lầm nhất định khiến người bạn đời phải “chân trong chân ngoài” trong hôn nhân?
Nói thế, chẳng phải nhằm mục đích đòi hỏi sự công bằng cho đàn bà để họ có thể tự do ngoại tình và tự do trở về, nhưng qua đó có thể nhìn nhận một thực tế đau lòng cho chị em phụ nữ. Ngoại tình là một sân chơi nghiệt ngã, và càng nghiệt ngã hơn cho đàn bà.