Hậu họa 'đào lên, lấp xuống'

Hậu họa 'đào lên, lấp xuống'
TP - Nhìn tình cảnh thê thảm, nguy kịch của hai lao động tự do khắp người quấn băng trắng toát đang cấp cứu trong bệnh viện Xanh Pôn, nhiều bạn đọc xót xa đặt câu hỏi: Làm sao ra nông nỗi này, ai là người phải chịu trách nhiệm?

> Nạn nhân kể lại khoan trúng điện, bị cháy sém
> Hai công nhân bị điện giật khi đào vỉa hè

Thông cáo báo chí phát đi từ EVN Hà Nội cho hay: “ Sáng ngày 29/7/2013 lúc 9h45, trong lúc thi công mở rộng đường Trần Quốc Hoàn - Cầu Giấy, công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Hà Nội đã đào vào tuyến cáp ngầm trung thế 22kV... ”.

Tuy nhiên, trên thực tế những “công nhân” này chính là các lao động tự do được thuê đến đào vỉa hè, hạ cáp điện. Họ hùng hục đào mà không hề nhận được bất kỳ sự cảnh báo nào về những nguy hiểm dưới lòng đất đang rình rập. Và chắc hẳn những người đứng ở “chợ lao động” này cũng không hề hay biết dưới mỗi mét vuông vỉa hè, lòng đường Hà Nội đang chằng chịt các thiết bị ngầm: Từ cáp điện, cáp viễn thông, cáp truyền hình đến đủ loại đường ống cấp thoát nước... Họ cũng không đủ hiểu biết để nhận thức được tầm quan trọng của các loại thiết bị này, sự cố xảy ra có thể gây thiệt hại vô cùng lớn, có thể làm ảnh hưởng tới hàng ngàn, hàng vạn cư dân.

Cháy, nổ, mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc là điều có thể xảy ra trong chớp mắt một khi những nhát rìu, nhát thuổng chỉ để kiếm vài chục ngàn đồng mưu sinh của họ vô tình bổ trúng các thiết bị ngầm nói trên.

Nhưng rõ ràng, những lao động tự do kia đáng thương bao nhiêu, lại càng đáng giận những ai có trách nhiệm quản lý các công trình ngầm này. Song trong cơ chế quản lý bùng nhùng của chúng ta hiện nay, khó có thể chỉ ngay ra ai là người phải chịu trách nhiệm chính trong sự cố cháy nổ vừa qua gây mất điện trên diện rộng. Chỉ có hai người nghèo ở chợ lao động cháy rừng rực như bó đuốc đang thoi thóp trong bệnh viện là lãnh đủ.

Điệp khúc “đào lên, lấp xuống” diễn ra hàng chục năm nay vẫn tái diễn, vẫn không có “nhạc trưởng”. Quy định về cấp phép đào đường, về thi công an toàn các công trình hạ ngầm đều có sẵn. Căn bệnh trầm kha của chúng ta là sờ đến cái gì cũng có quy định, hiềm một nỗi chả ai chịu thực hiện.

Được biết cách đây 1 tháng, sự cố tương tự đụng cáp ngầm trung thế đã xảy ra tại quận Hai Bà Trưng, gây mất điện nhiều hộ dân ở phố Minh Khai. Dư luận không khỏi lo ngại về tính an toàn của hệ thống cáp điện ngầm trong thành phố.

Kể từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đến nay, hàng loạt đường điện đã được ngầm hóa, liệu còn bao nhiêu chỗ chôn nông chỉ “cuốc vài nhát” là đụng cáp ngầm? Và quan trọng hơn ai sẽ giám sát, quản lý việc “đào lên, lấp xuống” này, một khi mỗi mét vuông đất Hà thành đều dày đặc cáp ngầm, đều tiềm ẩn một sự cố, một tai nạn thảm khốc như vừa qua ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.