Hậu Giang kêu gọi đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vào 22 dự án nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND tỉnh Hậu Giang kêu gọi đầu tư 22 dự án nông nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, sẽ diễn ra sáng mai 16/7 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành. 

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 11 dự án nông nghiệp đang triển khai, được phê duyệt tại Quyết định số 660/QĐ-UBND, Quyết định số 651/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NNNT) trên địa bàn tỉnh.

Với nhiều tiềm năng vị trí địa lý, vùng nguyên liệu…, thời gian tới tỉnh Hậu Giang kêu gọi đầu tư 22 dự án nông nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, bao gồm 7 dự án đầu tư vào Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, là nơi được đầu tư hạ tầng, phục vụ phát triển công nghệ cao và 15 dự án nằm ở các khu, cụm công nghiệp phục vụ chế biến, vị trí gần vùng nguyên liệu, giao thông thuận lợi.

Hậu Giang kêu gọi đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vào 22 dự án nông nghiệp ảnh 1

Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: CK

Trong đó, có các dự án quy mô lớn như: Dự án sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thông minh, lúa hữu cơ, quy mô hơn 120ha tại khu mời gọi đầu tư thuộc khu NNCNC, vốn hơn 964 tỷ đồng. Dự án nuôi trồng thủy sản các loại (hơn 74ha) tại khu mời gọi đầu tư thuộc khu NNCNC, hơn 593 tỷ đồng.

Dự án hợp tác liên kết sản xuất lúa, gạo theo hướng hữu cơ gắn với chế biến xuất khẩu gạo và xây dựng cánh đồng lớn (20.000ha, mỗi cánh đồng lớn 300ha), các vùng sản xuất lúa chất lượng cao trọng điểm của tỉnh Huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, vốn 500 tỷ đồng...

Về chính sách thu hút đầu tư vào NNNT, Hậu Giang được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ đối với địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (trừ TP Vị Thanh). Để tạo thêm lợi thế cạnh tranh, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư vào NNNT bằng Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND về quy định chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu NNCNC…

Hậu Giang kêu gọi đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vào 22 dự án nông nghiệp ảnh 2

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CK

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Hậu Giang có rất nhiều tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm đặc thù được tỉnh xác định rõ ràng (lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra).

Tuy nhiên, theo danh mục kêu gọi đầu tư, tỉnh chưa có nhiều quan tâm về mảng chế biến phụ phẩm, trong khi địa phương có tiềm năng. “Phụ phẩm nông nghiệp nhiều và tạo giá trị, cần quan tâm nhiều hơn, nếu không thì lãng phí. Trên địa bàn với sản lượng như vậy, cần có kinh tế tuần hoàn” – ông Toản gợi ý.

Ông Toản lưu ý thêm, gần đây Quốc hội có Nghị quyết về thí điểm chính sách đặc thù TP Cần Thơ, trong đó có nội dung hình thành Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Với khoảng cách thuận lợi, Hậu Giang cần xem xét, để khai thác thế mạnh của tỉnh trong mối liên hệ tổng thể của toàn vùng…

Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông nghiệp của Hậu Giang năm 2021 tăng 4,04%, trong 6 tháng đầu năm tăng 4,49%. Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về 4 trụ cột (công nghiệp - nông nghiệp - đô thị - du lịch), trong đó nông nghiệp là trụ số 2, là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” sẽ chính thức khai mạc vào sáng 16/7, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành trung ương…

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.