Hậu giám sát của HĐND TP Hà Nội: Có đá ném ao bèo?

Một trong những dự án đất vàng “bỏ hoang” giữa quận trung tâm ở Hà Nội.
Một trong những dự án đất vàng “bỏ hoang” giữa quận trung tâm ở Hà Nội.
TP - Từ đầu năm đến nay, Thường trực HÐND thành phố Hà Nội tổ chức nhiều đoàn giám sát. Nội dung giám sát là những vấn đề dân sinh bức xúc như việc chậm triển khai dự án, công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý chung cư cao tầng, tiến độ cung cấp nước sạch. Tuy có những kết quả nhất định, nhưng việc thực hiện kết luận giám sát chưa thực sự hiệu quả, chưa chỉ rõ trách nhiệm và xử lý cá nhân liên quan.

Giám sát nhiều lần, dự án vẫn “bất động”

HĐND thành phố Hà Nội vừa có công văn thông báo về gần 400 dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Có được danh sách này, HĐND thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều lần giám sát. Mới đây, đoàn giám sát Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cùng Thường trực HĐND tham gia tái giám sát tại nhiều quận huyện, sở, ngành thành phố. Có một tình trạng chung tại nhiều quận, huyện là không ít dự án chậm triển khai hàng chục năm, thậm chí đã có kết luận giám sát từ những năm 2012, tuy nhiên, việc thực hiện kết luận giám sát theo kết luận của HĐND thành phố không được triển khai trên thực tế.

Chính Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai  phải thốt lên: Tại sao kết luận giám sát của HĐND thành phố có từ những năm 2012 - 2015 mà đến bây giờ chưa xử lý được dự án chậm triển khai nào. Đoàn giám sát cũng đặt câu hỏi tại nhiều địa phương, rằng chức năng, chức trách, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu trong việc chậm trễ xử lý vấn đề này. Đề cập các dự án đất vàng của các tập đoàn tư nhân lớn giữa trung tâm thành phố,

Trưởng Ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi, có hay không việc chủ đầu tư các dự án lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để kéo dài việc đưa đất vào sử dụng? “Chúng tôi có trong tay rất nhiều bằng chứng, nhiều chủ đầu tư chẳng liên quan gì đến quy hoạch phân khu, ngay trong khu vực nội thành này thôi, nhưng mà xin điều chỉnh từ 1 đến 3 lần, thậm chí 5 lần. Mỗi lần xin điều chỉnh đều theo hướng tăng mật độ, tăng chiều cao, tăng diện tích sử dụng. Lấy cớ đó, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch cho kéo dài thời gian nên cứ 2- 3 năm lại xin một lần. Có dự án nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm quận Hai Bà Trưng, ít nhất 3 - 4 lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn nằm im chưa sử dụng”, ông Nam nêu ví dụ.

Theo ông Nam, vấn đề ở đây là Sở QH&KT có tham mưu cho thành phố, đối với các chủ đầu tư cố tình chống đối thì nếu cần thiết, phải kiên quyết thu hồi không? “Đó là cách đặt vấn đề của đoàn giám sát HĐND thành phố”, ông Nam khẳng định. Trao đổi lại nội dung  này, ông Lê Vinh cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận có việc xin điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian, chây ỳ, không triển khai dự án. “Cái này phải tổ chức thanh tra, kiểm tra mới kết luận được”, ông Vinh nói. Như vậy để thấy, sau giám sát cũng chưa rõ trách nhiệm của ai trong việc dự án kéo dài cả thập kỷ.

Ban Pháp chế, Ban Đô thị HĐND thành phố trong thời gian qua cũng nhiều lần giám sát, tái giám sát công tác PCCC trên địa bàn Hà Nội. Đáng chú ý, dù kết luận giám sát chỉ ra nhiều lỗ hổng trong công tác PCCC, HĐND thành phố Hà Nội cũng thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn về nội dung PCCC tại nhiều kỳ họp, tuy nhiên, hiệu quả triển khai không hề như mong muốn. Nói như Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, mỗi năm, Hà Nội vẫn xảy ra khoảng 900 vụ cháy. Trung bình, mỗi ngày, lãnh đạo thành phố như ông phải nhăn mặt 3 lần vì cháy.

Cần sự quyết liệt

Sau nhiều lần giám sát, tái giám sát về việc quản lý, xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố và nhiều lãnh đạo Sở Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, Quy hoạch & Kiến trúc đăng đàn giải trình trước HĐND và cử tri thành phố. Từ phiên giải trình này, Chủ tịch UBND thành phố cam kết việc thu hồi 47 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, đồng thời cam kết xử lý những dự án không đủ điều kiện. Ngay sau đó, HĐND thành phố đã ra văn bản đề nghị UBND thành phố công khai danh sách này để các đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân Thủ đô được biết.

Trong đợt giám sát mới đây về Nghị quyết 05 của HĐND thành phố, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội nêu quan điểm, đoàn giám sát HĐND thành phố đi giám sát với mục đích không phải vạch ra lỗi, mà là ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các quận, huyện, sở ngành, đơn vị chức năng, từ đó có những báo cáo tổng hợp với Thành ủy, UBND thành phố để giải quyết.

Dù thế, trong cuộc làm việc với Sở Cảnh sát PCCC và Thường trực HĐND, Thường trực UBND thành phố, ông Nam nêu thẳng tên các Sở vắng mặt, thực hiện chưa hiệu quả Nghị quyết. Ông cho biết, sẽ ghi vào để báo cáo với Thường trực HĐND thành phố.

Khi Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng báo cáo với đoàn giám sát chưa đầy đủ, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố  nhắc nhở: “Sở Xây dựng gọi là Sở nhà, phải quản lý tất cả các loại nhà trên địa bàn thành phố. Sở phải thông tin đầy đủ trong báo cáo, nhà nào thuộc về ngân sách, nhà nào của dự án, nhà nào của dân làm. Sở phải thống kê và phải báo cáo. Tôi giao lại một lần nữa phải thống kê lại”.

“Có dự án nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm quận Hai Bà Trưng, ít nhất 3- 4 lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn nằm im chưa sử dụng”

                 Ông Nguyễn Hoài Nam nêu ví dụ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.