Hậu đại hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam: Chờ đổi thay

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng hoa tân Chủ tịch Hội, NSND Trịnh Thúy Mùi Ảnh: KỲ SƠN
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng hoa tân Chủ tịch Hội, NSND Trịnh Thúy Mùi Ảnh: KỲ SƠN
TP - Lần đầu tiên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam có nữ Chủ tịch, quá nửa thành viên Ban chấp hành khóa 9 là nhân tố mới trong buổi ra mắt sáng 13/1. Chừng ấy yếu tố khiến nhiều nghệ sỹ có quyền mong chờ sân khấu thay đổi thực sự.

VƯỢT KHỦNG HOẢNG

Nhiệm kỳ 5 năm qua, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức thành công 13 trại sáng tác kịch bản, nhiều đợt đi thực tế sáng tác cũng như các cuộc liên hoan toàn quốc và khu vực. Hội chủ trì và phối hợp tổ chức một số chương trình nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật, đào tạo văn nghệ sỹ, quan tâm tới lĩnh vực lý luận - phê bình sân khấu, tăng cường giao lưu đối ngoại.

Chủ tịch Hội khóa 8 thừa nhận các thành viên của Hội nỗ lực không ít nhưng việc để sân khấu sáng đèn đều đặn trong cơ chế thị trường không đơn giản. Một trong những lo lắng nhất của các nghệ sỹ là sự mai một, thất truyền sân khấu truyền thống. “Sân khấu đôi khi còn né tránh những vấn đề nóng của xã hội”, ông Lê Tiến Thọ nêu. Trong các kỳ liên hoan, vấn đề về con người mới chỉ chiếm 1/4 tác phẩm. Các nghệ sỹ thường chọn đề tài an toàn, mượn chuyện xưa nói chuyện nay.

Cuộc khủng hoảng đội ngũ tác giả trẻ chuyên nghiệp được các nghệ sỹ bàn thảo cả trong và bên lề đại hội. NSND Hoàng Dũng trả lời báo chí bên lề đại hội rằng khán giả vơi bớt sự quan tâm tới sân khấu một phần bởi tác phẩm thiếu hơi thở cuộc sống. “Sân khấu vẫn chưa thoát khỏi lối mòn với chuyện về nhân tình thế thái, hiếu thảo, tẩy chay cái xấu, ca ngợi cái tốt… Trong khi sân khấu khác nhiều, thế giới cũng vậy, không còn bó hẹp trong sân khấu ba chiều nữa”, Hoàng Dũng nói.

Chúc mừng các nghệ sỹ sân khấu với thành quả đạt được, nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội LHVHNT Việt Nam cũng đề cập sự thiếu vắng tác giả chuyên nghiệp. “Không có kịch bản tốt sẽ không có đất khoe tài cho đạo diễn và diễn viên. Chúng ta thiếu vắng đội ngũ kịch tác gia sâu sắc, tài năng như từng có trong quá khứ”, ông nói. Hữu Thỉnh nhắc một loạt kịch tác gia thời hoàng kim như Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô, Lộng Chương, Hoàng Cầm, Học Phi, Lưu Quang Vũ. “Chúng ta tự hào về di sản văn hóa sân khấu quý báu cha ông để lại nhưng di sản đó muốn đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện nay thì dứt khoát phải đổi mới, phải tiếp thu tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và truyền thông”, ông nói.

KỲ VỌNG

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2019-2024) của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam diễn ra hai ngày 12, 13/1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hơn 400 đại biểu đại diện cho 2.400 hội viên cả nước tề tựu về lựa chọn Ban chấp hành (BCH) và Chủ tịch khóa này. Các đại biểu bầu ra BCH 21 thành viên trong đó 60% là nhân tố mới.

Trước đại hội, nghệ sỹ đoán già đoán non vài nghệ sỹ được nhắm cho chiếc ghế Chủ tịch Hội thay Lê Tiến Thọ. Trong buổi làm việc đầu tiên, BCH mới đã bầu nữ Chủ tịch là NSND Trịnh Thúy Mùi. Bà từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội nhiều năm, tới khi nghỉ hưu đảm trách vị trí Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam và tích cực hoạt động theo hướng xã hội hóa.

NSƯT Xuân Bắc một trong 21 ủy viên BCH nêu quan điểm không nên nhấn vào yếu tố nữ chủ tịch, tuy nhiên anh cũng thừa nhận các nghệ sỹ có quyền kỳ vọng và tin vào sự đổi mới. Sự tồn tại của sân khấu theo anh phần lớn phụ thuộc vào nghệ sỹ, trong đó yêu cầu đổi mới cần thiết hơn bao giờ hết. Sự đổi mới này không hẳn hoàn toàn chiều chuộng thị hiếu khán giả, mà phải đảm bảo hài hòa yếu tố nghệ thuật và đáp ứng mong mỏi khán giả. NSND Hoàng Dũng nhắc tới một đạo diễn trẻ độ tuổi 30 ở phía Nam năng nổ vừa góp mặt trong BCH khóa mới “tạo niềm tin về sự thay đổi, làn gió mới”.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và phát biểu tại đại hội. Ông đánh giá những đóng góp của giới nghệ sỹ sân khấu vào sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Ông cũng nêu những hạn chế, bất cập mà nghệ sỹ cần khắc phục: Nhiều vấn đề thời sự quan trọng của đời sống chính trị, xã hội, các nhân vật trung tâm của xã hội chưa được phản ánh rõ nét, đúng mức trong các tác phẩm sân khấu. Một bộ phận chạy theo đề tài câu khách rẻ tiền, tính giáo dục thấp. Công tác lý luận phê bình về sân khấu chưa theo kịp thực tiễn. Nhân lực của ngành nhất là lực lượng tinh hoa thưa dần, vắng bóng tác phẩm lớn gây tác động mạnh trong xã hội.

Phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch hội Thúy Mùi coi đây là vinh dự lớn lao đồng thời xác định trọng trách khó khăn và đầy thách thức. “Tôi xin hứa sẽ đoàn kết thống nhất, tập trung tâm huyết, trí tuệ để tạo nên làn gió mới trong hoạt động nghệ thuật”, Thúy Mùi nói. Bà kể ra một loạt đầu việc khó khăn chờ đón BCH mới: Tăng cường xã hội hoá để có điều kiện quan tâm hơn tới đời sống của các nghệ sĩ cao tuổi, neo đơn và khó khăn trên cả nước. Quan tâm đào tạo thế hệ trẻ để sân khấu mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao trình độ nghệ thuật của sân khấu Việt Nam. Trở thành cầu nối giữa Trung ương hội với các chi hội cơ sở, Hội là mái nhà chung của các nghệ sĩ và các nhà hát để hoạt động sân khấu thực sự trẻ trung, năng động.

Hậu đại hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam: Chờ đổi thay ảnh 1 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng hoa tân Chủ tịch Hội, NSND Trịnh Thúy Mùi  Ảnh: KỲ SƠN

BCH Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khóa 9 có 21 thành viên, ngoài Chủ tịch Trịnh Thúy Mùi, hai Phó Chủ tịch là: NSND Vương Duy Biên, NSND Giang Mạnh Hà. Thành viên BCH có nhiều tên tuổi như: NSND Hoàng Dũng, Quốc Trượng, Tạ Duy Ánh, Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Xuân Bắc, Đỗ Kỷ…

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.