Hậu bão số 9 : Lộc rừng hay gỗ lâm tặc ?

Hậu bão số 9 : Lộc rừng hay gỗ lâm tặc ?
TPO - Tại khu vực cầu Quảng Huế, cả bãi bồi ven sông Vu Gia đoạn qua hai xã Đại Cường, Đại Hoà như một công trường. Hàng nghìn người cùng máy cắt, cưa, xe tải...tranh nhau nhặt vớt củi, gỗ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cầu Diên Bình (Đăk Tô, KonTum).

Mấy ngày nay, hàng nghìn người dân các xã  Đại Cường, Đại Hoà... huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đổ xô ra phía chân cầu Quảng Huế, tranh giành củi, gỗ giữa dòng nước lũ vẫn còn chảy mạnh trên sông Vu Gia. Một thanh niên đã bị mất tích.

Theo UBND xã Đại Hoà: gỗ, củi ùn ùn theo nước lũ chảy về ngay sau những ngày mưa bão bị mắc kẹt ở phía chân cầu Quảng Huế, không chảy được đã tập kết thành một khối lượng lớn, người dân đến vớt ba bốn ngày nay vẫn không hết.

Ông Trần Văn Thu (55 tuổi), người dân xã Đại Hoà cho biết: Chưa năm nào nước lũ lại lớn như năm nay và cũng chưa có lần nào người dân lại tha hồ nhặt “lộc rừng” chảy về như thế. Gỗ, củi từ thượng nguồn chảy về tập trung thành một dãy dài đến cả cây số dọc hai bên sông, trong số đó, đầy rẫy các khúc, thân gỗ đường kính cả mét.

Hậu bão số 9 : Lộc rừng hay gỗ lâm tặc ? ảnh 1
Kìn kìn gỗ, củi về nhà sau lũ . Trong ảnh: gỗ rừng được người dân xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) vớt từ sông Vu Gia - Ảnh: Nguyễn Huy

Người già, phụ nữ và cả trẻ em thi nhau nhặt nhạnh gỗ. “Củi, gỗ nhiều vô số, chỉ cần nhặt một ngày là có thể dùng đốt cả năm chưa hết. Chúng tôi đưa về phơi khô sau đó sẽ đem bán lại” - bà Nguyễn Thị Hương (42 tuổi, Đại Cường) chỉ tay về phía đống củi chất cao gần bằng đầu người cho biết.

Bất chấp nguy hiểm và sự ngăn cản của các lực lượng chức năng, không ít người dân còn nhoài mình ra giữa dòng nước xiết để kéo gỗ vào bờ: “Gỗ trên bờ bị người ta tranh nhau lấy gần hết rồi, muốn lấy được nhiều phải ra sông” – anh Dũng nói sau khi vật lộn với khúc gỗ to gần bằng người giữa dòng nước.

Trước đó, ngày 2/10, đã có một trường hợp bị mất tích tại đây do liều mình lao xuống sông giành lấy đoạn gỗ to đã bị nước lũ cuốn phăng. Nạn nhân là anh Nguyên Du Phương (22 tuổi, thôn Tam Mỹ, Đại Phong, Đại Lộc). Cho đến chiều qua, 5/10 vẫn chưa tìm thấy xác.

Hậu bão số 9 : Lộc rừng hay gỗ lâm tặc ? ảnh 2
Nhoài mình xuống giữa dòng nước lũ để vớt củi, gỗ

Gỗ ở đâu trôi về sau bão ?

Có gỗ khai thác không hợp pháp

Tối 5/10, ông Hà Công Tuấn - cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - thừa nhận tình trạng gỗ trôi về nhiều sông suối ở Quảng Nam, Kontum là có thật. Ông Tuấn cho biết cục đã đề nghị các chi cục kiểm lâm thống kê, kiểm kê và phân loại gỗ thu nhặt được.

Về nguồn gốc gỗ, ông Tuấn cho biết vì chưa vào tận nơi kiểm tra nên khó khẳng định. Tuy nhiên, ông Tuấn nói: “Qua các hình ảnh và thông tin từ báo chí, theo nhìn nhận ban đầu thì có cả gỗ khai thác không hợp pháp, có cả gỗ của người dân khai thác tập kết ở các bãi bên sông suối bị lũ cuốn trôi. Số gỗ này từ nhiều nguồn nên để nhận định một cách chính xác cũng khó. Tình trạng khai thác gỗ trái phép ở khu vực Quảng Nam có thật. Qua đợt này Cục Kiểm lâm sẽ cho kiểm kê lại mức độ”.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Thượng tá Võ Thanh Minh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quận sự huyện Đại Lộc: Huyện đã huy động 50 cán bộ chiến sĩ quân đội, 30 cán bộ chiến sĩ công an cùng với các lực lượng chức năng khác nên đến 120 người nhưng rất khó để có ngăn được những dòng người đông nghịt kéo về vớt gỗ, củi mỗi lúc một đông. Đặc biệt, người dân không chỉ lấy củi, gỗ ban ngày mà con tranh thủ cả vào ban đêm lúc trăng sáng, gây nên tình trạng mất trật tự.

Thiếu uý Đào Xuân Chức, CSGT huyện Đại Lộc cũng cho biết: Chúng tôi chủ yếu làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, ngăn không cho xe, người nhất là các loại xe tải tập trung trên cây cầu Quảng Huế, do cầu đã xuống cấp nghiêm trọng và có thể sập nếu quá tải chứ không thể ngăn người dân nhặt, vác củi về nhà.

Điều đáng nói, những thớ gỗ lớn nhìn ngoài cũng biết không phải do ảnh hưởng của bão lũ quật đổ mà phần lớn là do lâm tặc chưa thể vận chuyển hết nay theo nước lũ chảy về, người dân cứ vô tư đến nhặt, khuân vác củi gỗ về nhà như kiểu lấy “lộc rừng”, trong khi ngành chức năng lại cho rằng: do đây chỉ là gỗ, củi trôi về từ thượng nguồn khó xác định được nguồn gốc.

Trong khi đó, ở KonTum - Tại hạ nguồn các con sông và cầu lớn ở lũ cũng đã để lại những bãi gỗ khổng lồ. Nhiều người dân đã đem theo cưa máy, rìu và cả rơmooc kéo để vớt gỗ. Nhiều người bắt gặp những thân gỗ quý với đường kính lớn đã cưa xẻ.

Tại khu vực cầu Diên Bình (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô), một bãi gỗ trôi về ước chừng hàng ngàn mét khối, tấp kín toàn bộ tuyến quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh. Rất nhiều thân gỗ lớn đã được cưa sẵn thành những khối hình chữ nhật từ lâu, có cây chỉ được cưa ngọn và gốc, dấu cưa đã cũ nằm chìm dưới bùn.

Tương tự, tại khu vực cầu Tri Lễ (Tân Cảnh, Đắc Tô), tại bãi sông thuộc thôn Long Dôn (Đăk Ang, Ngọc Hồi) cũng xuất hiện một số gỗ đã được xẻ sẵn lẫn trong bãi cây rừng bị lũ đưa dạt về bãi sông.

Ông Trịnh Xuân Lộc, phó chủ tịch huyện Đăk Glei, cho biết số gỗ đã được xẻ sẵn này chủ yếu xuất phát từ khu vực thượng nguồn các xã dọc biên giới như Đăk Blô, Đăk Nhoong, Đăk Long... do lực lượng chức năng xẻ trong quá trình giải phóng khu vực hành lang biên giới chưa kịp vận chuyển về khu vực tập kết.

Còn ông Lâm Quang Vân, phó bí thư thường trực Huyện ủy Tu Mơ Rông, cho biết toàn bộ các cánh rừng trên địa bàn huyện đều được chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nên không có hiện tượng phá rừng. Ông không biết số gỗ được xẻ sẵn trôi về một số bãi bồi xuất phát từ đâu...

Theo Tuổi Trẻ

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG