Hậu bão Chanchu : Bình Minh gia nhập... xã nghèo!

Hậu bão Chanchu : Bình Minh gia nhập... xã nghèo!
TP - Trở lại Bình Minh khi cơn bão Chanchu khủng khiếp đã đi qua gần 1 tháng, chúng tôi ghi nhận thêm những khó khăn mà xã miền biển này đang đối mặt...

Hơn một tháng qua, cả nước hướng đến Bình Minh (huyện Thăng Bình- Quảng Nam), nơi có gần 100 ngư dân không trở về sau bão Chanchu.

Nhưng sự giúp đỡ đó cũng chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt, còn bài toán an sinh trong tương lai vẫn là câu hỏi mờ xa.

Quá nhiều cái không

Việc 87 nạn nhân của 72 hộ gia đình trong xã vĩnh viễn ra đi, mà tất cả họ đều là lao động chính trong gia đình, đã để lại gánh nặng đè lên vai những người mẹ, người vợ cùng đàn con nhỏ.

Thống kê mới nhất của xã cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo từ 22,96% trước đây, nay đã  tăng lên gần 30%. Cũng vì con số 22,96% đó mà trước đây Bình Minh không được xét là xã nằm trong chương trình 257 (QĐ 257/CP, ngày 3/12/2003).

Chương trình này, tùy theo điều kiện  từng xã mà được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, bao gồm: Đê bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản, đường ra bến cá, chỗ neo đậu tàu thuyền, chợ cá... Tiêu chí được công nhận xã được hưởng chương trình trên  phải có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%. 

Bình Minh hiện đang có quá nhiều “cái không”. Trước tiên là không có bãi ngang khiến bà con ngư dân rất chật vật trong neo đậu tàu thuyền, phải di tản sang xã Bình Đào hoặc xa tít Hội An trú nhờ.

Còn trạm xá của xã được đặt tại trụ sở ủy ban cũ, xây từ năm 1984, cách đây 10 năm có tu sửa một lần, giờ đã hư hại phần lớn; tủ thuốc thì nghèo nàn, không có đủ trang thiết bị y tế cần thiết.

Toàn xã không có lấy một cái chợ theo đúng nghĩa của nó nhằm đảm bảo trao đổi, mua bán hàng hoá. Bà con tự họp lại thành các nhóm chợ rải rác khắp xã.

Thấy thế, ông Nguyễn Đức Thanh ở thôn Hà Bình đã cho mượn một mảnh đất nhỏ ven đường tạm làm nơi họp chợ, song cũng chỉ có vài ba hàng quán lèo tèo.

Chưa hết, hơn 1.500 hộ gia đình lâu nay dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, bởi ở đây làm gì có hệ thống nước sạch. Hệ thống trường lớp, trang thiết bị học tập rất thiếu thốn, phòng học, bàn ghế đang trên đà xuống cấp.

Ngành kinh tế mũi nhọn của xã là hải sản và du lịch, người dân sống nhờ hoàn toàn vào biển. Một mùa biển thất thu là một mùa đói kém đi kèm. Để phát triển du lịch phải xây dựng các bãi tắm, khu nghỉ mát ven biển nhưng lại không có hệ thống bờ kè, không có con đường tốt để ra biển, nên đành bó tay. 

Mong muốn thiết thực

Nguy cơ gia nhập... xã nghèo của Bình Minh đang dần thể hiện rõ.

Những ngày này, đến Bình Minh chỉ thấy một không khí tang thương, u uất bao trùm. Khoảng 700 lao động làm nghề biển đang nằm nhà, tính chuyện chuyển đổi ngành nghề hoặc có làm biển cũng chỉ muốn đánh bắt gần bờ, sáng đi chiều về, tâm lý sợ hãi khiến họ không còn dám nghĩ đến chuyện đi xa.

Những hộ gia đình không còn lao động chính thì lo lắng vô cùng, bởi vô vàn khó khăn đang treo trước mắt họ. Sự giúp đỡ của các ban ngành, của đồng bào cả nước chỉ có thể giải quyết phần nào thiệt hại kinh tế trước mắt mà thôi.

Cần thiết cho Bình Minh chính là một cơ sở hạ tầng đảm bảo cho sự phát triển lâu bền về sau. Mong muốn có một bãi ngang, một trạm xá tốt, một nguồn nước sạch… là nhu cầu bức bách của  bà con, trong khi nguồn kinh phí của xã hiện chẳng thấm tháp gì.

Chủ tịch xã Trương Công Hùng nói:

“Các xã xung quanh y chang như Bình Minh, thế mà họ có đủ, chúng tôi thì không. Bây giờ, xã ngổn ngang trăm mối. Đề nghị có tên trong chương trình 257 của xã đã được gửi lên tỉnh hơn 1 năm nay.

Hy vọng lần này nguyện vọng của bà con Bình Minh sẽ được cấp có thẩm quyền lưu ý, như thêm một lần trợ lực giúp làng chài ven biển này vượt qua đau thương, ổn định cuộc sống lâu dài...”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.