Hát Sli mừng tết Độc lập nơi biên ải

Say mê với câu hát, đối đáp với người tâm tình. Ảnh: Duy Chiến
Say mê với câu hát, đối đáp với người tâm tình. Ảnh: Duy Chiến
TP - Chiều muộn 2/9, dòng người nô nức đi về khu tượng đài Hoàng Văn Thụ ở trung tâm thành phố Lạng Sơn, tìm đến những địa điểm hẹn hò. Các cặp đôi đánh mắt đưa tình rồi cất tiếng hát Sli gọi bạn, trao đổi tâm tình. Càng về đêm, canh hát càng rộn rã, say mê.

Năm nay có đông người đi chơi nhân dịp Quốc khánh, ước tính gần vạn lượt người đến các địa điểm vui chơi, danh lam thắng cảnh ở thành phố Lạng Sơn như: Động Tam - Nhị Thanh, nàng Tô Thị, chợ Kỳ Lừa, đền Kỳ Cùng.

Đông vui hơn cả là khu tượng đài Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn). Nơi đây là địa điểm lý tưởng để nhân dân các dân tộc địa phương từ Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan về hội tụ. Rất đông màu xanh chàm, đặc trưng cho người Tày, Nùng xứ Lạng thấp thoáng nơi phố thị.

Cố lắm, phóng viên Tiền Phong mới len được vào khu có những cây dã hương cổ thụ xung quanh tượng đài Hoàng Văn Thụ để chứng kiến cảnh hát Sli, lượn giao duyên của trai gái người bản địa. Họ là bạn hát của nhau, hiểu tâm tính và trình độ đối đáp. Trong khi hát, không thể thiếu chai rượu Mẫu Sơn bên cạnh. Cả nam lẫn nữ sau một canh hát là tự tay rót rượu ra chén và uống lấy tinh thần.

Chị Hoàng Thị Lý, người dân tộc Nùng đến từ Gia Cát (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết: Địa phương chị có nhiều người trẩy hội, đi hát. Riêng nhóm của chị có trên chục người. Hôm nay, nhóm của chị hẹn với tốp hát của các anh ở xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Tuy đã va chạm với nhau nhiều lần, nhưng canh hát hôm nay không giống lần trước, phe của chị tìm những làn điệu khó, đôi đáp không dễ dàng. Ngược lại, phía các anh Tân Thành cũng luyện bè, luyện thanh sao cho ngọt, chuẩn để lấy lòng đối phương.

Sli là một làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Không chỉ thỏa mãn đam mê với “đặc sản” quê nhà, nhiều người thông qua các đêm hát đã nên duyên vợ chồng. “Trong năm qua, quê tôi đã có gần chục đôi hát lấy nhau. Đám cưới lại trở thành sân khấu để các “liền anh, liền chị” so đọ tài năng và tìm kiếm tình yêu mới”, chị Hoàng Thị Lý bảo. 

Nghệ sỹ ưu tú Triệu Thủy Tiên, nguyên trưởng Đoàn nghệ thuật Lạng Sơn cho biết:Hát Sli có từ lâu đời và được các thế hệ nghệ nhân lưu giữ, truyền khẩu cho thế hệ kế tiếp. Sli thể hiện tài hoa đối đáp bằng ngôn ngữ dân ca, được sử dụng để giao duyên tình cảm tại các lễ hội, chợ hội, ngày cưới và ngày vào nhà mới.

Theo bà Tiên, loại hình văn hoá phi vật thể này đã thu hút trên 1.000 người ở các độ tuổi tham gia sinh hoạt khá đều đặn trong 6 câu lạc bộ đàn và hát dân ca ở Lạng Sơn. Đáng kể như ở xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng), CLB hát dân ca Cao Lộc cùng một số CLB khác thuộc các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn.

Vui ngày tết Độc lập năm nay, ngoài các đôi trai, gái hát Sli giao duyên, tìm kiếm bạn tình bằng lời hát “chay”, Hội bảo tồn dân ca Lạng Sơn tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng với dàn âm thanh, ánh sáng, dụng cụ âm nhạc khá hiện đại. Các nghệ nhân địa phương tham gia đăng ký bài hát và được các cán bộ văn hóa tư vấn, chỉ bảo cách hát, tư thế biểu diễn trước người xem.

Đêm xứ Lạng ngày quốc khánh rộn vang tiếng ca. Càng về khuya, câu hát càng thiết tha, đằm thắm. Các đối hát tranh thủ trao đổi tâm tình để sáng hôm sau, chia tay bịn rịn, ai nấy về nhà mình.

Không chỉ thỏa mãn đam mê với “đặc sản” quê nhà, nhiều người thông qua các đêm hát đã nên duyên vợ chồng. “Trong năm qua, quê tôi đã có gần chục đôi hát lấy nhau. Đám cưới lại trở thành sân khấu để các “liền anh, liền chị” so đọ tài năng và tìm kiếm tình yêu mới”, chị Hoàng Thị Lý. 

MỚI - NÓNG