Hát, khóc và sóng biển

Hát, khóc và sóng biển
TP - “Chỉ cần nghe nói có văn công ra là cả trạm thấp thỏm đợi chờ nhiều đêm không ngủ. Được xem văn công biểu diễn đã vui rồi, múa hát, nắm tay văn công còn vui hơn. Cũng có khi sóng to gió lớn, văn công hát qua máy bộ đàm, họ khóc, chúng tôi cũng khóc theo” - Tâm sự của chiến sĩ nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân.

> Chuyến tàu đặc biệt ra Trường Sa: Sóng 'yêu', sóng 'ghét'
> Những người đàn bà đạp sóng vươn khơi

Hát trong nước mắt

 “Các anh ơi, các anh có nghe rõ em nói không. Sóng to quá, không lên nhà giàn được, các anh tập trung lại, nghe em hát nhé. Em là Mai Hoa, Đoàn nghệ thuật Nam Định". 

Một ngày đầu tháng 5/2013, tàu HQ- 936 của Vùng 4 Hải quân đến nhà giàn Huyền Trân 7 khi đã quá trưa. Những ngọn sóng lừng lững như muốn nuốt chửng con tàu vào lòng biển. Trước mắt chúng tôi là nhà giàn hiên ngang. Tàu chỉ cách nhà giàn chừng 60m, nhưng không sao vào được. Tất cả chiến sĩ đứng trên lan can nhà giàn vẫy chào.

Phó trưởng đoàn công tác, đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân đến ca-pin của tàu. Giọng ông vang lên trong máy I-com: “Đoàn công tác của Quân chủng cùng các cơ quan dân, chính đảng đến thăm các đồng chí, nhưng vì sóng to gió lớn chúng tôi không lên được. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng luôn tin tưởng, nhân dân cả nước luôn gửi gắm niềm tin vào các đồng chí… Hôm nay có nhiều anh chị nghệ sĩ, họ sẽ hát cho các đồng chí nghe”. Tất cả không ai bảo ai, mắt đỏ hoe nhìn về nhà giàn.

“Các anh ơi, các anh có nghe rõ em nói không. Sóng to quá, không lên nhà giàn được, các anh tập trung lại, nghe em hát nhé. Em là Mai Hoa, Đoàn nghệ thuật Nam Định".

“Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng, Trường Sa vẫn bên anh...”. Bắt đầu câu hát cũng là lúc nước mắt ca sĩ Mai Hoa tuôn rơi. Chị xúc động tột cùng.

Mắt đại tá Trương Công Thế rưng rưng: “Anh Thế đây, bây giờ chị Ái Xuân hát cho các em nghe nhé”. Đưa chiếc tổ hợp cho ca sĩ Ái Xuân, giọng đại tá Thế lạc đi: “Em hát đi, anh em ở trên giàn đang chờ”. “Các em ơi, chị là Ái Xuân đây, các em nghe chị hát nhé”. Chị Ái Xuân vừa hát vừa khóc: “Người chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên cường trong bão dông, dù gian khó không sờn lòng…”.

Chúng tôi nhìn về nhà giàn, những giọt nước mắt yêu thương hòa vào sóng biển.

Hơi ấm đất liền

Tạm biệt nhà giàn Huyền Trân 7, đoàn công tác đi qua 3 nhà giàn nhưng cũng không thể vào được vì sóng to, gió lớn. Đoàn tiếp tục đến nhà giàn Phúc Tần, lúc này thời tiết khá thuận lợi. Nhưng việc lên nhà giàn không đơn giản. Các anh, chị em nghệ sĩ trong đó có ca sĩ Thanh Thúy và Mai Khôi được dẫn lên thuyền qua dây leo do các chiến sĩ kéo lên. Hai ca sĩ đã mang đến “bữa tiệc ca nhạc” đáng nhớ.

Không ánh đèn sân khấu, không trang phục biểu diễn, trên là trời, dưới là biển, chiếu cói trải giữa sàn, chúng tôi ngồi vòng tròn hát cho nhau nghe. Ca sĩ Thanh Thúy và Mai Khôi xin được ngồi xen kẽ với các chiến sĩ để truyền hơi ấm từ đất liền.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Thuận, Chính trị viên Nhà giàn DK1/14 chia sẻ: “Quanh năm làm bạn với sóng gió nên chỉ nghe có đoàn công tác tới thăm là chúng tôi thấp thỏm chờ đợi. Những nhà giàn ở cụm Quế Đường, Ba Kè có thể được xem văn công năm một lần, nhưng với chiến sĩ các nhà giàn Cà Mau 2 đến 3 năm, thậm chí 4 năm mới được xem văn công một lần, vì đây là nhà giàn xa nhất so với nhà giàn khác”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG