Hát hò theo nhịp mái chèo

Ngư dân Nguyễn Quang Thanh có đôi tay lực lưỡng, nhờ thời chèo thuyền.
Ngư dân Nguyễn Quang Thanh có đôi tay lực lưỡng, nhờ thời chèo thuyền.
TP - Đà Nẵng giờ đã lên phố. Những lão ngư dân mà tôi hẹn gặp có vẻ chần chừ, nửa muốn kể, nửa muốn để câu chuyện quá khứ thôi thì cứ trôi.

Ai rồi cũng hát

Giai đoạn năm 1945, làng chài Đà Nẵng có hàng trăm chiếc thuyền buồm, hai bên thân gắn đầy cọc buộc mái chèo. Ban ngày có thể chong mắt ra biển nhìn chiếc thuyền được nhiều người chèo nhịp và hát hò và trên mặt ai cũng nở nụ cười, thay vì căng ra vì mỗi nhịp chèo chống khá nặng. Còn ban đêm thì chỉ cần nghe tiếng hát hò là biết chiếc thuyền đang se sẽ cập vào bến với đầy ắp cá ngừ, cá thu, đôi khi còn kéo theo cả con cá nạng to như chiếc bàn.

Ngư dân Nguyễn Văn Báng, sinh năm 1937, hiện sinh sống ở tổ 15 phường Mân Thái. Có hai điều mà tôi cảm giác do cuộc đời chèo chống, hát hò ngoài biển vẫn còn in đậm trên con người của ông Báng. Đó là dù già, nhưng nét mặt vẫn luôn vui tươi, những câu nói đôi khi hơi có vần, có điệu. Nếu bảo hát hò vài bài đẩy chèo thì lập tức ông Báng cười và cùng vợ là bà Nguyễn Thị Đưa nhắc luôn vài câu: “Về nhà làm gạo quên sảy quên sàng/Thóc lộn với trấu vì đường nghĩa như…ơ….ơ”.

Tôi đã đi nhiều vùng biển, từng ngồi nâng chén trà, chén rượu với các lão ngư để viết về làng biển trong quá khứ. Nhưng “thiếu gió thì hát, có gió thì căng buồm” thì mới chỉ tìm thấy được ở làng chài Đà Nẵng. Từ bãi trước ở phường Mân Thái, chiếc ghe với 10 tay chèo bắt đầu bắt nhịp và chèo ra bãi Bấc. Quãng đường không dài, nhưng đi ra mất 4 tiếng đồng hồ, lúc đánh đầy cá chở về thì cũng đi mất 4 tiếng đồng hồ. Suốt chặng đường chèo chống, nếu thiếu gió đẩy thì các ngư dân trên thuyền đều phải hát. Nếu thiếu hát hò thì chèo không nhịp, người khua trước, kẻ ngoắc sau, con thuyền không thể vượt sóng nhịp nhàng.

“Hơ…hớ…hơ, chèo ghe ra biển múc dầu/Chừ hỏi thăm cô Bốn xức dầu bớt chư…a”. Khi người tổng chèo vừa cất tiếng hò thì hàng chục ngư dân ngồi sau đồng thanh hò theo và ưỡn người đẩy mái chèo, khua nước cho chiếc thuyền vượt sóng tiến về phía bãi Bấc.

Những bài hát này hát mãi nên ai rồi cũng thuộc. Có bài hát về Lạc Long Quân, Âu Cơ, nhưng nhiều nhất vẫn là hát về cuộc sống của vợ chồng thường ngày: “Ơ….ơ…phía bên chồng em đừng phụ nghĩa bên qua em đừng lìa/Anh dặn em như khóa dặn chìa/Sống trên dương gian kết bạn mà lìa đừng bỏ anh…ơ….ớ”.

Hát hò theo nhịp mái chèo ảnh 1 Phóng viên Nhật Bản chụp ảnh dân chài Đà Nẵng năm 1968.

Đốt sặc hát hò

“Ơ…ớ, trưa thanh tân gặp gái Âu Cơ/Dạo chơi trên núi tương phùng/Đẻ ra 50 gái 50 trai/Gặp nhằm giải quyết một giờ….”. Lão ngư dân Nguyễn Quang Thanh hát lại vài câu thường hát hò chèo thuyền. Ông cười khà khà khi nhớ lại chuyện một người hát, cả ghe cùng hò, hát mãi rồi thuộc và đồng thanh hát theo. Bài hát trên chẳng qua là tả về chú rùa bò lên bờ đẻ trứng. Đến khi ông Thanh ngừng cười, trên đôi môi của ông vẫn thoang thoảng nét vui của một người đã nhiều năm hát hò trên biển.

Lão ngư Nguyễn Quang Thanh, SN 1945, dù tuổi cao, nhưng ông vẫn đều đặn ra biển bung lưới. Ông kể, tới thời năm 1965, cả trăm chiếc thuyền mới chỉ có 1-2 chiếc ghe được gắn máy. Những người tân tiến nhất là lấy chiếc máy xay bột, độ chế thành máy ghe và chạy như máy cole. Giai đoạn này, làng chài đã bắt đầu đánh cá đêm và hát hò giữa bầu trời đầy sao.

Để chuẩn bị cho chuyến biển, các ngư dân lên núi Sơn Trà gánh thật nhiều trúc về phơi khô. Thuyền mở biển thì cứ gộp 10 cành trúc lại và người vợ ôm bó trúc được buộc thật chặt và nghi ngút khói chạy ra dúi vào tay chồng. Dưới ánh đuốc nghi ngút khói, các ngư dân ưỡn người ra, gập mái chèo và hát hò thâu đêm. Khi ra đến bãi Bấc, ngọn đuốc được khơi lên sáng rõ hơn để lấy luồng sáng thu hút bầy cá bám vào gần thuyền. 

Đến khoảng năm 1969-1973 thì người dân làng chài sắm đèn Hoa Kỳ thay cho bó đuốc phập phù lúc cháy, lúc tắt. Khổ nhất khi sử dụng đuốc trúc, đó là hết diêm. Vậy là các ngư dân cong lưng, phùng miệng cố gắng thổi để đám muội khói đen sì, nguội lạnh bùng lên một tia lửa. Khi không thể cầu được lửa thì cả thuyền phải mò mẫm trong bóng đêm, tất cả mọi người chèo chống trong tiếng hát và tiếng hò kéo dài trên sóng nước. Tiếng hát lúc đầu kéo dài, sau tăng nhịp nhanh dần để thúc đẩy những cánh tay đẩy mái chèo mạnh mẽ, đưa con thuyền rút ngắn thời gian từ bãi Bấc quay về bãi trước.

Thuyền đi biển được thiết kế thêm một chiếc giá phía trước để đặt đèn Hoa Kỳ. Mỗi thuyền thường chở theo 6 chiếc đèn. Thuyền đi biển nhưng các ngư dân vẫn căng mắt để không quá xa bờ. Mọi người đã thuộc làu câu “bám bờ là sống, xa bờ là chết”.

Hát cùng cá nhảy

Trong quá khứ, ai cũng nghèo, nhưng dân chài là những người có cuộc đời khốn khổ. Dù hát hò, miệng tươi cười, nhưng trên thân ai cũng mặc chiếc áo vá chằng, vá đụp, đầu đội nón chằm rách nát. Khi quần áo hết chỗ vá phía trước thì đảo mặt trước áo ra sau lưng. Nhưng bù lại, các ngư dân có cuộc sống vui sướng trên sóng nước nhờ điệu hát hò và chuyến nào ra bãi Bấc cũng đánh được đầy thuyền cá cờ, cá bớp, cá chim, cá ngừ. Cứ vào dịp tết cho đến tháng 3, từng đàn cá khổng lồ từ ngoài khơi tự kéo vào bãi như bầy cá trời. Các ngư dân tổ chức kéo lưới đăng ở hòn Sập, ở bãi Bấc. Đây là loại lưới thụ động để cá tự vào rồi đóng miệng lưới.

Hấp dẫn nhất là thỉnh thoảng có một con cá nạng khổng lồ mắc lưới. Nếu bắt được cá này thì hình ảnh người dân chài lại giống như người nguyên thủy thời săn bắn, hái lượm. Đó là hò la, giành giật, níu kéo, sử dụng vật nhọn phóng, đâm liên tục cho đến khi con cá này bớt giãy giụa tập trung thuyền kéo cá vào bờ cho cả làng ra chiêm ngưỡng cuộc đi săn.

Làm biển, làng Thanh Khê và Nại Hiên Đông nằm trên vùng lõm của bán đảo, tàu thuyền có chỗ ẩn nấp khi thời tiết xấu. Còn ở làng chài Mân Thái, các ngư dân như  người bám trên chiếc lưng còng. Bờ biển cong nhô ra phía trước. Mỗi khi thời tiết chuyển làn thì các ngư dân phải hát hò cật lực để con thuyền sớm cập vào bờ rồi xúm nhau kéo thuyền lên bờ cát. Ngày 7 tháng 4 âm lịch năm Thìn, một cơn lốc đổ vào bãi trước đã nhấn chìm thuyền làm chết 35 ngư phủ ngay tại vựa cá là hố trước. Từ đó, những bài hát trong làng chài có những đoạn nhắc đến ký ức đau buồn.

Những lão ngư hát hò chèo thuyền cũng lần lượt trở thành người thiên cổ. Ông Thanh là người có vẻ níu giữ ký ức hát hò thật lâu để nhớ đến thời trai trẻ. Đã 72 tuổi, ông vẫn ra biển quăng chài, sống cuộc đời bình dị bên người vợ, thỉnh thoảng vẫn hát câu: “Anh dặn em như khóa dặn chìa/Sống trên dương gian kết bạn mà đừng lìa bỏ anh”.

MỚI - NÓNG