Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020):

Hành trình truy tìm virus gây dịch Covid -19

Các nhà khoa học đang xét nghiệm tìm virus SARS - nCoV 2
Các nhà khoa học đang xét nghiệm tìm virus SARS - nCoV 2
TP - Không phải lần đầu đặt chân đến đây nhưng cảm giác hồi hộp và tò mò vẫn vẹn nguyên trong tôi khi đứng trước căn phòng với tấm biển “An toàn sinh học cấp 3”. Đằng sau cánh cửa ấy là biết bao nỗ lực, trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam khi nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS - CoV 2 gây dịch Covid -19. 

Áp lực

Bước ra từ phòng “An toàn sinh học cấp 3”, Thạc sĩ Nguyễn Vũ Sơn, khoa Virus (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) không giấu được vẻ mệt mỏi, gương mặt anh còn in vết hằn từ chiếc kính bảo hộ. Hơn 1 tháng nay kể từ khi Việt Nam xét nghiệm tìm ra ca dương tính đầu tiên với bệnh Covid -19 cuộc sống của 11 thành viên khoa Virus bị đảo lộn. Họ chia thành từng kíp thay nhau bám trụ trong phòng “An toàn sinh học cấp 3”, “An toàn sinh học cấp 2”.

Thời điểm ngày 28 Tết khi những mẫu bệnh phẩm đầu tiên được chuyển về Viện là bắt đầu chuỗi những ngày áp lực dồn lên 11 con người. Đến ngày mùng 6 Tết, kết quả dương tính đầu tiên xuất hiện. Ngày làm việc bắt đầu từ sáng sớm, kết thúc khi số lượng mẫu bệnh phẩm cần xét nghiệm trong ngày đã hết. Nhiều khi thời điểm kết thúc lúc nửa đêm.

Tôi theo thạc sĩ Vương Đức Cường, người có 24 năm gắn bó với nghề xét nghiệm, phân lập virus vào khu vực nghiên cứu virus cúm của Viện. Trên những cánh cửa luôn có bảng ghi dòng cảnh báo khu vực nguy hiểm. Bên trong những căn phòng chỉ chừng 15-20 mét vuông đó những nhà khoa học trong trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân miệt mài thực hiện các công đoạn để tìm thủ phạm gây bệnh trong mẫu bệnh phẩm chuyển từ các tỉnh thành về.

Thạc sĩ Cường và Sơn dẫn tôi đi quan sát từng phòng theo lộ trình của các mẫu bệnh phẩm từ lúc thu về đến khi được chạy máy, đọc kết quả và kết luận. Ở mỗi công đoạn, hai người lại giải thích cặn kẽ cho người ngoại đạo như tôi phần nào hiểu được những vất vả và nguy hiểm mà các anh chị ở đây đang đối mặt khi hàng ngày tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm nếu có mẫu dương tính với Covid-19. 

Khi nhận mẫu, không ai biết nó chứa virus gì trong đó, nên mọi thao tác phải hết sức cẩn trọng. Nếu không may bị phơi nhiễm thì chính họ là những người chịu hậu quả. Trang phục bảo hộ của các kỹ thuật viên được trang bị đủ điều kiện để có thể ngăn ngừa phơi nhiễm không mong muốn hoặc kiểm soát thất thoát tác nhân gây bệnh và độc tố. Tuy nhiên, vẫn có thể có rủi ro xảy ra nếu không may găng tay bị rách, hoặc tủ áp lực âm bị trục trặc.

Thạc sĩ Vương Đức Cường chia sẻ: “Căng thẳng và lo lắng nhất đối với chúng tôi chính là từ ngày 28 Tết đến ngày mùng 6 Tết khi tất cả hệ thống chẩn đoán, tất cả thông tin phải được cập nhật, sàng lọc, chưa có một tiêu chuẩn nào. Lúc đó 11 con người làm việc với mấy trăm phần trăm công suất thường ngày. Không một ai biết Tết là gì. Cuộc sống của chúng tôi khi đó gắn liền với phòng thí nghiệm”.

Sơn kể, nhiều hôm làm việc liên tục từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm, ai cũng bã người, có hôm làm đến 2 giờ sáng hôm sau. Cũng có người quá mệt nên xin tạm nghỉ công việc trong phòng thí nghiệm để hồi phục sức lực. Đó là chưa kể nhiều hôm đang đêm phải đi lấy mẫu bệnh phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc để làm xét nghiệm sớm. Với họ, căng thẳng nhất đó chính là áp lực chạy đua thời gian. Bệnh nhân luôn muốn có kết quả nhanh nhất, còn các nhà khoa học muốn có kết quả chính xác nhất. Sơn bảo: “Nó vừa là áp lực nhưng cũng trở thành động lực thúc đẩy chúng tôi làm việc nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa...”.

Thạc sĩ Cường nhớ lại những ngày mẫu bệnh phẩm đổ dồn về, 11 người không thể đảm đương việc thu nhận mẫu và làm xét nghiệm nên phải nhờ nhân viên khoa khác gánh hộ việc thu nhận mẫu. Những cán bộ khoa Virus chỉ chuyên tâm trong các căn phòng trắng toát với áp lực âm cao. Đặc thù công việc của các chuyên gia xét nghiệm đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từ những khâu nhỏ nhất như cố định bệnh phẩm, chuyển bệnh phẩm, rồi cắt, đúc, nhuộm, đưa ra tiêu bản cho bác sĩ đọc, đến những công việc phức tạp hơn là nghiên cứu, nuôi cấy, phân lập, giải mã virus.

Hành trình đầy bất ngờ

Mặc bộ đồ bảo hộ nặng và khó hoạt động, đeo khẩu trang N95 bí đến khó thở trong liên tục nhiều tiếng đồng hồ, nhiệt độ trong phòng áp lực âm 22 độ C nhưng nhiều lúc các kỹ thuật viên cũng toát mồ hôi. Mọi thao tác đòi hỏi thận trọng, tỉ mỉ nên áp lực càng đè nặng. Sự hối thúc từ cộng đồng để tìm ra những bí ẩn của virus càng khiến 11 con người nỗ lực hết sức. Sơn về nhà nhưng không dám lại gần con nhỏ, bởi vẫn có chút lo lắng nếu không may vì sơ suất nhỏ nào đó mà ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Hành trình truy tìm và bắt sống Covid-19 là hành trình đầy lo âu nhưng cũng thú vị đối với các nhà khoa học. PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus cho biết: “Khi có 3 ca dương tính đầu tiên ở miền Bắc chúng tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu. Điều quan trọng là lựa chọn dòng tế bào nào phù hợp để nhân lên con virus đó. Chúng tôi phải cập nhật các bài báo được đăng trên thế giới, đặc biệt là các bài báo ở Trung Quốc vì họ có nguồn mẫu khổng lồ.

Nhóm nghiên cứu phải sử dụng rất nhiều loại tế bào khác nhau, cuối cùng lựa chọn dòng tế bào thụ cảm phù hợp để phân lập. Điều may mắn trong các mẫu bệnh phẩm phân lập có mẫu dương tính, đồng nghĩa là con virus đã xâm nhập vào trong tế bào, nó sống, nó nhân lên trong tế bào, nó giải phóng ra và lại xâm nhập vào tế bào khác. Hình dạng của con virus Covid-19 dần được định dạng”. Sau 1 tuần nuôi cấy, phân lập, nhóm nghiên cứu biết chắc chắn “bắt sống” được virus SARS - CoV 2.

Thạc sĩ Sơn cho biết, từ mẫu bệnh phẩm dương tính, để nuôi cấy và phân lập thành công virus corona đòi hỏi một khoảng thời gian tương đối dài. PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ: “Con virus Corona chủng mới này rất lạ. Thông thường những con virus gây bệnh sẽ ảnh hưởng lên tế bào vật chủ, làm cho tế bào ốm hoặc giết chết tế bào. Còn con virus corona này, chúng tôi nuôi cấy đến 72 tiếng sau mà tế bào vẫn cứ đẹp”. 

PGS.TS Quỳnh Mai nhớ lại buổi sáng ngày 7/2, kiểm tra thấy dường như có sự phát triển của virus ở trong tế bào, nhưng muốn khẳng định thì bắt buộc phải nhìn thấy được hình ảnh. Vì vậy, các nhà khoa học quyết định làm tiêu bản, cố định rồi mới chuyển xuống kính hiển vi điện tử. Sau đó, khoảng 10h sáng thì đã “nhìn thấy” virus. 

Niềm vui lúc này không diễn tả được bằng lời bởi họ biết đây là thành công rất quan trọng, khi phân lập được virus mới xác định nguồn gốc của nó có độ tương đồng với virus đang lưu hành ở Vũ Hán thế nào, sẽ giúp giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vắc -xin sau này.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.