Hành trình sao lắm gian nan

Dương Chí Dũng tại phiên tòa. Ảnh: D.Tấn
Dương Chí Dũng tại phiên tòa. Ảnh: D.Tấn
TP - Chọn chủ đề “Kiểm soát tài sản quan chức cách nào?” để mở Diễn đàn trên báo Tiền Phong, có thể xem đây là một góc tiếp cận cụ thể, thiết thực mà sâu sắc, những mong đi tới cùng của sự việc, hơn thế, có thể nói đây là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, “chống giặc nội xâm”, một sự nghiệp có quan hệ đến sự tồn vong của chế độ.

Diễn đàn khởi đăng trên Tiền Phong từ 12/5/2014, đã thu hút nhiều bạn đọc dõi theo, tìm đọc. Theo đó còn là trao đổi, tranh luận. Bao nhiêu cung bậc của tình cảm, thái độ xung quanh cái chuyện kê khai và theo đó là kiểm soát tài sản quan chức như là một giải pháp phòng chống quốc nạn tham nhũng. Biết cho đến ngọn đến ngành, hiểu cho đúng, biết cho đủ để làm cho được những việc cần làm trong phòng chống tham nhũng thực cần lắm thay!

Công khai, sao khó thế?


Dễ thấy nhất là việc kê khai tài sản của quan chức, theo đó là công khai cái sự kê khai này. Sao mà khó làm vậy trong cái sự công khai, đang diễn ra theo những bước đi “thận trọng”, “ngập ngừng”?! Điều gì đang là lực cản – từ văn bản pháp lý - quy chế đến triển khai thực tế khiến việc kê khai này không đi tới sự công khai giữa “bàn dân thiên hạ”, giữa “thanh thiên bạch nhật” những tài sản của quan chức để mọi người biết được “ông” ấy, “bà” ấy đã kê khai như thế nào, từ đó mà đối chiếu với những gì mà mọi người đã và đang nhìn thấy, nghe thấy, “sờ mó”, “cầm nắm” được những tài sản đang có thực của các vị quan chức. Không ít tài sản cứ sờ sờ ra đấy, tòa ngang, dãy dọc, xe cộ hạng cực sang, trong lời nhận xét phẩm bình công khai… hoặc kín đáo.

Trở lại với chủ đề của Diễn đàn “Kiểm soát tài sản quan chức, cách nào?”, đang là công việc của cả hệ thống chính trị, song trước hết là trách nhiệm của Nhà nước, bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, và trước hết lại thuộc về trách nhiệm lập pháp. Với quyết tâm chính trị cao nhất, cấp bách và khẩn thiết phải là bổ sung hoàn thiện cập nhật các văn bản pháp quy về kê khai, công khai tài sản; theo đó là xử lí kết quả việc thực thi kê khai và công khai tài sản này một cách tích cực, chủ động thay vì chỉ khi có “sự cố” xảy ra.

Lương tâm không có răng, nhưng cắn rất đau

Trong dân gian vốn truyền một câu ca “thương dân, dân lập đền thờ, hại dân, dân đái ngập mồ thấu xương”. Thiết nghĩ, người xưa thẳng thắn, riết ráo đến thế là cùng. Và vẫn còn đó những tấm gương về ông quan thanh liêm, cương trực, và cũng lại đang xuất hiện không ít những “quan cách mạng” vừa hách dịch, quan liêu vừa xa hoa, tham nhũng…

Lại nữa, đang có sự mượn cớ “nhân quyền”, quyền tư hữu tài sản, quyền bí mật tài sản, đời tư của cá nhân để cố cản trở việc kê khai, công khai. Theo đó là kiểm soát tài sản quan chức, rất cần có sự minh định về lý luận và quan điểm; trong khi đó đạo lý của đời thường là làm ăn, thu nhập chính đáng thì chẳng có gì phải giấu giếm, đậy điệm. 

Vậy thì cách thức cuối cùng, cũng là tối thượng, đó là hãy tự mình làm trước và động viên nhau cùng làm theo mệnh lệnh của lương tâm chính trị – đạo đức thay vì chịu áp lực của pháp luật Nhà nước và dư luận xã hội. Lương tâm là câu chuyện chẳng bao giờ cũ, nó không có răng nhưng cắn rất đau mỗi khi lương tâm thức dậy.

Lý trí dẫn đường nhưng lương tâm mách bảo: Đó là sự “động lòng”, sự “không nỡ”, mách bảo mỗi con người cần phải làm những gì nên và không nên, không được phép. Vô cảm chính là vô lương tâm, sự nguội lạnh của lương tâm khiến con người bất chấp tất cả, “ngồi xổm lên dư luận xã hội” với đảng viên, cán bộ, công chức của chính quyền nhân dân thì đó là lương tâm chính trị, lương tâm cách mạng, cao hơn về chất theo đó việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm và làm thật tốt, việc gì có hại cho dân thì nhỏ mấy cũng phải tránh và tránh bằng được. Kê khai, công khai, kiểm soát tài sản quan chức không là việc nhỏ nên rõ ràng đang là việc khó.

"Ta bên người, Người tỏa sáng trong ta”

Diễn đàn mở ra trên Tiền Phong đúng vào những ngày đầu tháng 5. Tháng 5, ngày 19 - sinh nhật Bác Hồ, mỗi chúng ta, con cháu Bác Hồ lại trở về bên Bác kính yêu. “Ta bên người, Người tỏa sáng trong ta” soi vào tấm gương cao thượng và trong suốt của Người là để mỗi người nêu cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Xin được nhắc lại để càng khắc sâu, càng thấm nhuần những lời khuyên bảo, nỗi niềm đau đáu của Bác Hồ. “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó. Những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân… Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian xảo, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”. Nhắc lại và khắc sâu. Kiểm tra kiểm soát tài sản quan chức, tài sản cá nhân; công việc ai dám bảo mình đứng ngoài, vô can!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.