Hành trình hồi hương ấm lòng của ba người dân Tây Ninh về từ Phú Yên

0:00 / 0:00
0:00
Hành trình hồi hương ấm lòng của ba người dân Tây Ninh về từ Phú Yên
TPO - Đi bộ về quê, nhóm anh Minh và bạn đồng hành của mình đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của lực lượng chức năng và người dân các địa phương, giúp hành trình hồi hương đỡ cơ cực. 

Gần 23h ngày 20/8, anh Phạm Văn Minh (39 tuổi, quê Tây Ninh) cùng hai người bạn đồng hành tên Hiền và Tuấn đã về đến địa phương sau khoảng 4 ngày vừa đi bộ vừa quá giang dọc đường.

Ba công dân Tây Ninh trên đường đi bộ về quê, đoạn qua địa phận quận 12, TPHCM.

Chia sẻ với Tiền Phong khi đã về nhà an toàn, anh Minh cho biết nhóm ba anh em vốn là thợ cơ khí, thợ phụ làm việc theo từng công trình nên “nay đây mai đó”. Mới đầu tháng 5 vừa qua, anh Minh và hai người bạn đến Phú Yên làm việc được mấy ngày thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các anh thất nghiệp. Cầm cự được một thời gian, thấy tiền bạc dành dụm sắp cạn nên ba người quyết định đi bộ về Tây Ninh.

“Lúc quyết định về nhà thì trong túi còn được có mấy trăm ngàn, anh em bàn tính thôi thì dùng số tiền này để mua mì gói, nước suối cầm cự dọc đường”, anh Minh nói và cho biết nhóm cũng mang theo một cái nồi nhỏ để khi nào đói thì đổ nước suối chai ra nấu mì ăn.

Hành trình hồi hương ấm lòng của ba người dân Tây Ninh về từ Phú Yên ảnh 1

Nhóm ba người anh Minh - Hiền - Tuấn trên hành trình "chân đất" hồi hương từ tỉnh Phú Yên.

Hành trình hồi hương ấm lòng của ba người dân Tây Ninh về từ Phú Yên ảnh 2
Hành trình hồi hương ấm lòng của ba người dân Tây Ninh về từ Phú Yên ảnh 3

Các anh trên đường về quê nhà Tây Ninh, đoạn qua cầu Bình Phước.
Tại đây, PV Tiền Phong tình cờ gặp được và hỗ trợ các anh một ít nước giải khát, tiền lẻ.

Kể lại hành trình “để đời” của mình mấy ngày trước, anh Minh cho hay nhóm xuất phát từ phường Hòa Hiệp (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) vào lúc 2 giờ chiều ngày 17/8. Ngay từ đầu hành trình, cả ba quá giang bằng xe máy đến chốt Đèo Cả (địa bàn giáp ranh hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa). Tại đây, nhóm tiếp tục được lực lượng công an trực chốt kết nối và gửi gắm để chở cả ba vào tới thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai).

Kể từ TP. Long Khánh, ba anh đi bộ cho đến quận 12, TPHCM (quãng đường ước tính gần 100km – PV). Tiếp đó, khi đi ngang qua một chốt kiểm soát dịch COVID trên địa bàn quận 12, nhóm lại được lực lượng làm nhiệm vụ tại đây tạo điều kiện để đón xe về tới cầu vượt Củ Chi và tiếp tục đi bộ lên tới cổng chào thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh). Sau đó, ba người được lực lượng công an Tây Ninh mời ăn uống và hỗ trợ xe đưa về tới nhà ở thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu.

Anh Phạm Văn Minh chia sẻ, ngoài sự trợ giúp của lực lượng chức năng, các anh còn được bà con nhân dân, các bác tài xế tặng lương thực, nước uống và cả tiền mặt làm lộ phí về nhà.

Anh Minh vẫn nhớ như in câu chuyện ấm lòng trên đường hồi hương: “Trên đường đi, chúng tôi gặp một nhóm tài xế container đang ăn cơm. Khi thấy bọn tôi khổ quá, họ nhường phần cơm đó lại. Họ mời dùng cơm nhưng thú thực tụi tôi cũng ngại định không ăn. Thế rồi họ đứng lên nói đã ăn xong và để phần cơm còn lại cho chúng tôi. Tôi biết là họ muốn chia sẻ với mình chứ họ cũng chưa ăn no đâu”.

Chưa hết, một hôm cũng trên hành trình về quê, một tài xế container đường dài khi thấy nhóm anh Minh thì dừng lại cho 300.000 đồng cùng nước uống. Rồi ở một nơi khác có người cho 600.000 đồng, bánh mì chan nước tương, xúc xích cho ba anh.

Trước đó khi về tới TP. Tây Ninh, nhóm còn được một người trong đội cứu trợ thiện nguyện gửi tặng số tiền 1,5 triệu đồng (500.000 đồng mỗi người) và còn đưa đến trạm y tế để khai báo y tế và thực hiện cách ly 14 ngày sau đó.

Theo anh Minh, nhóm anh cũng chia sẻ lại đồ ăn mình có (từ quà tặng của người dân) cho những người cùng cảnh ngộ đi bộ hướng về miền Trung, miền Bắc. “Bên kia không có gì thì mình chia sẻ ngược lại thứ mình đang có”, anh Minh cho hay.

Chia sẻ với người viết, anh Minh trân trọng tình cảm của mọi người đã dành cho mình và hai người bạn đồng hành. “Ai cho được thứ gì lúc đó dù là gói mì cũng quan trọng dữ lắm. Lúc đói mà được cho một ổ bánh mì không cũng rất ấm lòng”, anh Minh nói.

“Về tới nhà là mừng lắm, về nhà còn có người thân mà nương tựa, chứ ở đất khách lúc này không có tiền đóng trọ. Dù chủ trọ và bà con xung quanh cũng thương tình hỗ trợ nhưng ngày tháng trước mắt thấy dịch còn dài quá, nhắm không thể gồng tới lúc hết dịch nên thôi cứ đi bộ tới đâu hay tới đó” – anh Phạm Văn Minh.

Báo Tiền Phong tổ chức Chương trình

Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch COVID-19”

Quý nhà hảo tâm có thể ủng hộ qua các hình thức: Chuyển tiền qua tài khoản của Báo Tiền Phong; Ủng hộ hiện vật là lương thực, nhu yếu phẩm, máy móc, trang thiết bị y tế…

1. Tài khoản ngân hàng:

- Tên tài khoản: Báo Tiền Phong

- STK: 123 10 0000 62175

- Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Quang Trung Hà Nội, địa chỉ 53 Quang trung Hà Nội, Việt Nam.

- Nội dung chuyển khoản “Ủng hộ chống dịch”

2. Liên hệ Toà soạn báo Tiền Phong theo địa chỉ:

- Trụ sở Tòa soạn:

15 Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 0977.456.112

- Ban đại diện thành phố Hồ Chí Minh

384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Quận 3, TP Hồ Chí Minh; Điện thoại: (028) 38484366

- Ban đại diện tại Miền Trung

19 Ngô Gia Tự, Đà Nẵng, Điện thoại: 0236. 3828039

- Ban đại diện tại Nghệ An

21 Hồ Xuân Hương, TP Vinh, Nghệ An, ĐT: (0238)8602345

- Ban đại diện tại ĐBSCL

41 CMT8, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ - 0292.3823823

- Ban đại diện tại Tây Nguyên

52 Trần Nhật Duật, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Điện thoại: 0262.3950029

- Văn phòng đại diện tại Bắc Giang

Toà nhà các đơn vị sự nghiệp tỉnh Bắc Giang, đường Quách Nhẫn, TP Bắc Giang. Điện thoại: 0988104913

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.