Hành trình đến Olympic của nhiếp ảnh gia 18 tuổi
Billy Rowlinson là nhiếp ảnh gia trẻ nhất tham dự sự kiện thể thao Olympic 2012 diễn ra tại London, Anh mùa hè vừa qua.
Ở cái tuổi mà nhiều bạn bè còn đang miệt mài học thì Billy Rowlinson đã đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp khi xuất hiện ở sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Trước đó, anh đã là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và làm việc tự do cho nhiều khách hàng lớn khác nhau như RebBull, báo The Guardian, tạp chí Live Magazine cũng như chụp hình quảng cáo cho nhiều hãng lớn như Ikea, Ford, Gillete và Theme Park Alton Towers.
Cậu bé Billy Rowlinson được tiếp xúc với nhiếp ảnh từ khi còn rất nhỏ với quà tặng là máy ảnh 35mm Minolta Dynax 700 để sử dụng chụp những thứ trong vườn hoặc xung quanh khu phố. Chiếc ảnh kỹ thuật số đầu tiên được sở hữu là vào năm 10 tuổi với cảm biến chỉ 2 megapixel nhưng rất "khủng" vào thời điểm đó.
Tới năm 13 tuổi, Billy làm thêm vào mỗi cuối tuần tại một cửa hàng thịt ở trung tâm London (Anh). Số tiền kiếm được anh tiết kiệm dần và bắt đầu sắm cho mình những chiếc DSLR từ Canon 400D, 50D và 7D.
Ngoài ra Billy cũng có thêm một bộ sưu tập máy ảnh cũ như Kodak Brownie, Zenith 80, Russian Zorki (máy sao chép Leica) và một một số mẫu máy rangefinder cho dự án nhiếp ảnh đường phố.
Để có được một suất làm nhiếp ảnh gia chính thức tại Olympic không hề đơn giản, Billy chia sẻ. Hành trình của anh bắt đầu vào năm 2010 khi giành chiến thắng một cuộc thi nhiếp ảnh mang tên Capture the spirit of youth sport.
Cuộc thi này được điều hành bởi Ủy ban Olympic trên Flick và giải thưởng là bay đến Singapore với tư cách là nhiếp ảnh gia chính thức của đại hội thể thao Olympic cho thanh niên tuổi từ 14 đến 18 (Youth Olympic Games). Năm đó, Billy mới chỉ 16 tuổi.
Sau đó, cùng với việc thực hiện tốt công việc tại đây, Billy đã có một số mối quan hệ và được yêu cầu theo dấu hành trình của các vận động viên (tham dự đại hội khi đó) cho tới khi đủ điều kiện tham dự Thế vận hội London 2012.
Đây là cơ hội tuyệt vời để anh xem quá trình tiến bộ của các vận đông viên và quan trọng nhất là được tham gia vào Olympic hai năm sau đó. Kết quả là mùa hè vừa qua, ở tuổi 18, Billy đã trở thành một trong những nhiếp ảnh gia trẻ nhất xuất hiện tại một kỳ Thế vận hội.
Với Billy, Thế vận hội có lẽ là một trong những thử thách về công việc lớn nhất mà một nhiếp ảnh gia có thể thực hiện. Các yếu tố khó khăn đầu tiên phải kể đến là những ngày dài làm việc liên tục và thiếu ngủ. Mọi người đều phải thức dậy vào lúc 4h sáng để đến công viên Olympic, sau đó bắt đầu đến các địa điểm tổ chức sự kiện khác nhau trên khắp London.
Tham dự cuộc họp báo, nộp hình ảnh, sắp xếp lịch trình cho ngày hôm sau, phân loại các vấn đề kỹ thuật với thiết bị, máy ảnh và máy tính xách tay... Quãng thời gian làm việc tại đây Billy thường chỉ có khoảng 3 giờ để ngủ mỗi ngày.
Quy trình làm việc của mỗi nhiếp ảnh gia diễn ra xoay vòng liên tục và rất nhanh. Ngay sau khi chụp được bao phủ hình ảnh của một sự kiện, tất cả sẽ đi đến phòng báo chí (mỗi địa điểm sẽ có một phòng riêng cho các nhiếp ảnh gia với kết nối Internet, tủ khóa riêng và thực phẩm).
Các hình ảnh sẽ được đưa vào máy tính, chọn nhanh 10 hình ảnh tốt nhất, chỉnh sửa một chút như cân bằng màu và "cắt cúp" nhẹ trước khi tải lên máy chủ. Tất cả mọi việc đều thực hiện rất nhanh bao gồm cả nạp năng lượng với những chiếc bánh trước khi rời đến địa điểm khác.
Toàn bộ hình ảnh tại Olympic 2012 vừa qua đều được anh chụp với hai mẫu Canon EOS 1D X và ống kính 400 mm được Canon cho mượn (hãng máy ảnh Nhật Bản có chính sách cho mượn thiết bị tại Thế vận hội).
Ngoài ra, Billy cũng sử dụng thêm hai ống kính khác của mình là 70-200 mm f/2.8 IS II và 16-35 mm f/2.8. Dù vậy, anh vẫn tiếc vì mình đã không mang một ống góc siêu rộng như 8-15 mm để chụp toàn cảnh được các địa điểm diễn ra sự kiện.
Nhiếp ảnh gia trẻ tuối sử dụng mẫu túi Thinktank mà hầu hết các đồng nghiệp để có nhằm cất đủ các thiết bị nhiếp ảnh và có cả ngăn chứa nước và thức ăn nhanh. Anh cũng mang theo tới 5 chiếc thẻ CF và 4 mẫu pin để dùng và thậm chí đã có lúc ước mình đã mang nhiều hơn.
Trong phỏng vấn với Petapixel, Billy Rowlinson cũng chia sẻ vể kinh nghiệm chụp ảnh thể thao. Anh nhấn mạnh sự quan trọng của phông nền trong mỗi bức hình chụp được không kém gì tư thế các vận động viên.
Tốt nhất là phải tìm các "background" sạch, đẹp hoặc một hình ảnh mang tính biểu tưởng. Các ống kính cũng nên đầu tư nhiều hơn cho khẩu độ mở lớn, tới f/2.8 hoặc hơn, cho phép chụp ở tốc độ nhanh.
Theo Tuấn Hưng
VnExpress