Nước mắt
Trong đêm ghi hình Dự án nhân ái tại Bình Định, ê-kip bất ngờ đặt câu hỏi ngẫu hứng cho thí sinh Lê Thị Mỹ Duyên (SBD 382): “Nếu bây giờ có 1 phút để gọi điện về nhà, em sẽ nói gì với ba mẹ?”.
Mỹ Duyên lặng người và ngập ngừng không thành tiếng. Một vài phút trôi qua và ê-kip dừng quay kiên nhẫn chờ đợi. Thời gian trôi đi, rốt cuộc một người trong đoàn hết kiên nhẫn buột miệng: “Chỉ là gọi điện về nhà thôi, sao khó đến vậy em? Nói mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm cũng được mà”.
Lúc này, cô gái gốc Sài Gòn nấc nghẹn: “Em xin lỗi nhưng em không có ba mẹ!”. Đêm ở làng Canh Giao như nặng và lạnh hơn. Không có tiếng người nói chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ.
Mỹ Duyên sống với ông bà ngoại từ khi lên ba. Và bà ngoại cô nhập viện từ khi cô bước vào vòng Chung khảo phía Nam. Lúc đó, vì lo lắng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của Mỹ Duyên nên ngoại và các anh chị ở nhà nói dối về tình trạng sức khỏe của ngoại.
Gạt nước mắt, Mỹ Duyên nói nhỏ: “Khi tới làng Canh Giao thực hiện dự án nhân ái em được gặp chị Dụ. Căn nhà của chị thực chất chỉ là nơi tạm bợ che mưa, che nắng. Một mình chị vừa lo làm nương rẫy vừa chăm hai con nhỏ. Hình ảnh của chị khiến em nhớ tới ngoại. Em mới được biết ngoại phải nhập viện lần 2 khi em đang trên đường tới Quy Nhơn tham gia Chung khảo phía Nam. Nếu có thể em muốn gọi điện về coi sức khỏe của ngoại ra sao. 3 ngày ở trên này không có sóng điện thoại, em cũng nóng ruột quá chừng”.
Thêm một lần Mỹ Duyên khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Bởi khi chạm tới cảm xúc, khi nước mắt rơi cô gái này mới dám thổ lộ tâm can mình. Trong suốt những ngày ở Quy Nhơn hay khi bắt đầu hành trình dự án nhân ái, Mỹ Duyên luôn là một trong những thí sinh nhiều năng lượng nhất.
Ngay trong buổi chiều đó, Mỹ Duyên vẫn săm sắn tham gia lắp ráp nhà bóng, dựng cột cờ, vận chuyển thú nhún… Trong nhóm 3 thí sinh thực hiện dự án, ai cũng ngạc nhiên khi Duyên lao động như một người “đàn ông thực thụ”. Động tác cô khuân vác hay cầm kìm, cầm búa… đều rất thành thục. Và lý do thực sự khiến ai cũng nghẹn ngào.
Việc giấu đi giọt nước mắt của mình để mang tới nụ cười cho những người khác có lẽ không phải điều dễ dàng. Đôi khi nhiều người vẫn nghi ngờ về những giọt nước mắt trong quá trình thí sinh HHVN thực hiện dự án nhân ái. Chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ!
Nhưng như bà Phạm Kim Dung chia sẻ, tuy là một chương trình nhiều xúc động nhưng Người đẹp Nhân ái không phải là một chương trình để khóc. “Điều chúng tôi quan tâm là quá trình thực hiện và kết quả mà các thí sinh mang lại cho nhân vật thụ hưởng, cho cộng đồng nơi các em nhận dự án. Có những thí sinh thành công, nhưng cũng có những thí sinh thất bại trước nhiệm vụ của mình. Chúng tôi không đánh giá dựa trên những giọt nước mắt của các em mà căn cứ vào những hành động trong quá trình thực hiện dự án. Do đó Người đẹp Nhân ái chắc chắn không có đất cho sự diễn sâu”- bà Phạm Kim Dung nói.
Nụ cười
"Chưa bao giờ thấy lũ trẻ vui như vậy!" - Cô Lê Thị Thu Lợi - hiệu trưởng trường Tiểu học Canh Hiệp.
Cả ê-kip thực hiện dự án “Sẻ chia nhân ái”- Lắp đặt khu vui chơi cho trẻ em ở làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có lẽ không thể quên khoảnh khắc lũ trẻ ùa vào sân trường với tiếng cười giòn tan. Cô Lê Thị Thu Lợi- hiệu trưởng trường Tiểu học Canh Hiệp thốt lên: “Chưa bao giờ tôi thấy lũ trẻ vui như vậy!”.
Những đứa trẻ đã đứng bên ngoài cổng trường từ 6h sáng với ánh nhìn tò mò vào những con vật đầy màu sắc, những trò chơi lạ lẫm mà chúng chưa từng biết đến. Kết quả của một dự án nhân ái đôi khi chỉ đơn giản được đo bằng nụ cười.
Nụ cười của những em nhỏ làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Ðịnh khi có sân chơi mới.
Nụ cười ấy có thể không phải từ khuôn miệng bình thường, có thể là nụ cười trong nước mắt. Điển hình như dự án nhân ái “Nụ cười trẻ thơ” với hành trình tìm lại nụ cười cho các em nhỏ mắc dị tật khe hở môi - hở hàm ếch của nhóm 4 thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018: Vũ Hoàng Thảo Quyên, Vũ Hoàng Thảo Vy, Nguyễn Thị Thúy An và Trương Thị Thanh Bình.
Có thể nói đây là dự án gây nhiều xúc cảm nhất. Nước mắt đã rơi từ Ban bình luận, Ban tổ chức, Nhà đồng hành, thí sinh và cả khán giả. Một sự đối lập tưởng chừng như mâu thuẫn đó là khi mọi người khóc nhưng những trẻ bị hở hàm ếch lại luôn lạc quan và tươi cười.
Như cô bé Ngọc Ánh 7 tuổi, bị hở hàm ếch và sống cùng bà ngoại. Từ khuôn miệng không lành lặn, cô bé vô tư kể ba mẹ đã li dị và đều có con riêng khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Nhưng cũng chính cô bé lại khơi dậy cảm hứng sống lạc quan khi nói về ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho các bé bị hở hàm ếch giống mình.
Câu chuyện của bé Ánh khiến nhiều người xúc động nhưng cũng chính em khơi dậy cảm hứng sống lạc quan khi nói về ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho các bé bị hở hàm ếch giống mình.
Trên ghế nóng Người đẹp Nhân ái 2018, danh hài Trấn Thành chia sẻ, điều xúc động trong dự án không phải đến từ những khiếm khuyết cơ thể của các nhân vật xuất hiện mà đến từ sự chân thành, niềm rung cảm khi các cô gái biết đặt mình vào vị trí của nhân vật.
Nhà báo, MC Trác Thúy Miêu nghẹn ngào: “Khi các cô gái kề sát mặt khóc cùng nhân vật của mình, các cô ấy đưa tay lên lau nước mắt mặc kệ những lớp son phấn chảy nhòe đi thì đó lại là lúc họ đẹp nhất. Tôi không còn phân biệt đâu là gương mặt đẹp của một cô gái đang thi cuộc thi nhan sắc và đâu là gương mặt đau khổ của một cô bé với gương mặt dị dạng. Chính các em đã xóa đi khoảng cách, xóa đi sự mặc cảm cho nhân vật của mình”.
Còn nhớ tình huống khá đặc biệt trong dự án nhân ái ở Hà Giang khi nhóm thí sinh HHVN gặp gỡ chị Tâm- người dân tộc Dao. Chồng chị Tâm mất đã 2 năm nay. Chị và mẹ chồng là lao động chính trong nhà với 2 con nhỏ và bà nội chồng nằm liệt. Chị luôn cúi xuống trong suốt cuộc trò chuyện để giấu đi những giọt nước mắt chảy tràn trên mặt. Có những khoảnh khắc chị Tâm lặng đi không nói thành lời.
Trong suốt cuộc trò chuyện với các thí sinh HHVN, chị Tâm liên tục khóc. Sau đó, chị nở nụ cười khi được biết con gái út chị và các em nhỏ ở thôn Lắp I chuẩn bị có ngôi trường mầm non mới.
Thí sinh Trúc Mai một tay nắm chặt, một tay ôm ghì lấy chị Tâm mỉm cười. Sau đó, ngồi lặng lẽ bên ngoài, Mai mới khóc. Mai thổ lộ, khi nhìn những giọt nước mắt của chị Tâm cô đã cố gắng kìm nén lại. “Hoàn cảnh của chị Tâm khiến ai cũng chạnh lòng nhưng thời khắc ngồi kế bên em không dám khóc. Em không muốn chị Tâm có cảm giác bị thương hại. Cuộc sống của chị quá bất hạnh và ngay lúc đó chúng em đã đứng lên để nấu một bữa cơm gia đình. Nụ cười của chị Tâm và bọn trẻ chính là sự an ủi để chúng em nguôi ngoai phần nào những trăn trở về cuộc sống của chị”- Trúc Mai nghẹn ngào.
Quả thực với mỗi dự án nhân ái, nước mắt rơi cũng mang những trạng thái khác nhau, vì những lý do khác biệt. Như MC Đại Nghĩa nói trong tập đầu phát sóng Người đẹp Nhân ái: “Đôi khi chúng ta không phải rơi nước mắt vì một hoàn cảnh quá bi đát, một câu chuyện quá đau lòng mà chúng ta rơi nước mắt bởi vì chúng ta đang nhìn thấy một hạnh phúc”. Nhà báo Trác Thúy Miêu nhận xét: “Cái đẹp sản sinh ra cái đẹp và nhân rộng cái đẹp. Người đẹp Nhân ái đã tạo nên dấu ấn khác biệt cho Hoa hậu Việt Nam”.
Dự án “Nụ cười trẻ thơ” với hành trình tìm lại nụ cười cho các em nhỏ mắc dị tật khe hở môi - hở hàm ếch của nhóm thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 đã lấy đi nhiều nước mắt nhất của tất cả những người tham gia.
Còn nhớ tại lễ bàn giao dự án “Bước chân vui”, đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Quốc Cường, Bí thư xã Phú Linh, Vị Xuyên, Hà Giang xúc động: “Các bạn sẽ mãi mãi là những hoa hậu trong lòng người dân Phú Linh, sẽ mãi mãi là những hoa hậu trong lòng các cháu nhỏ tại điểm trường thôn Lắp 1”.
Trong suốt cuộc trò chuyện với các thí sinh HHVN, chị Tâm liên tục khóc. Sau đó, chị nở nụ cười khi được biết con gái út chị và các em nhỏ ở thôn Lắp I chuẩn bị có ngôi trường mầm non mới.
Trên đường trở về thành phố sau khi thực hiện xong dự án cải tạo trường mầm non ở thôn Lắp 1, xã Phú Linh, thí sinh Phạm Thị Minh Châu (SBD 335) chia sẻ: “Chúng em đã đi, đã dấn thân và thấu hiểu được mục đích quan trọng nhất của cuộc thi, đó là mang lại lợi ích cho cộng đồng. Một người đẹp không chỉ cần vẻ ngoài mà còn cần cả trái tim và trí tuệ tỏa sáng. Trái tim để cảm thông và thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn. Trí tuệ để tìm ra giải pháp khắc phục và hỗ trợ hoàn cảnh đó, để mỗi nơi chúng em đặt chân đến và gieo những mầm cây nhân ái, nơi ấy nụ cười và hạnh phúc sẽ đâm chồi”.
“Cái đẹp sản sinh ra cái đẹp và nhân rộng cái đẹp. Người đẹp Nhân ái đã tạo nên dấu ấn khác biệt cho Hoa hậu Việt Nam”.
Nhà báo Trác Thúy Miêu
Nhà báo Vũ Tiến, Phó TBT báo Tiền Phong, phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 cho biết: Người đẹp Nhân ái là phần thi bắt đầu có từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Năm đó, gần 40 thí sinh vòng Chung kết đã đưa gần 40 dự án, tổng trị giá gần 4 tỷ đồng về nhiều địa phương khó khăn trên khắp đất nước. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 triển khai các dự án Nhân ái tập trung hơn theo từng nhóm thí sinh để tạo ra những công trình và dấu ấn đáng kể hơn.