Hành trình “Bài ca cứu rỗi”

Hành trình “Bài ca cứu rỗi”
TP - Cuộc hành trình xuyên Việt làm phim về nỗi đau chiến tranh của cựu binh Mỹ Billy Bang đã bất ngờ mang tới đạo diễn Markus Hansen những khám phá thú vị về kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Dường như nỗi đau đã được xoa dịu qua những cuộc gặp gỡ âm nhạc từ Bắc chí Nam của Billy Bang với những người bạn Việt Nam. Tất cả đã được ghi lại qua bộ phim tài liệu Bài ca cứu rỗi vừa chiếu ra mắt tại Hà Nội ngày 6/11.

Hành trình “Bài ca cứu rỗi” ảnh 1
Đạo diễn Markus Hansen (trái) trong buổi chiếu ra mắt tại Hà Nội

Bất ngờ kho tàng âm nhạc Việt Nam

Từ Paris sang Việt Nam để chứng kiến buổi ra mắt đầu tiên của Bài ca cứu rỗi, đạo diễn Markus Hansen đã tiết lộ nhiều chi tiết thú vị về hành trình làm phim từ Biên Hòa, TPHCM, Tây Nguyên ra Hà Nội.

Anh đã thực sự bị cuốn hút bởi kho tàng âm nhạc phong phú của Việt Nam nhưng rất tiếc mới chỉ mô tả được bề nổi của âm nhạc Việt Nam qua bộ phim này.

Tháng 3/1967, Billy Bang tới Việt Nam tham gia vào cuộc chiến tranh. 40 năm sau, anh đã quyết định, cách duy nhất để chấm dứt chấn thương tinh thần là quay trở lại Việt Nam nhưng lần này là với cây vĩ cầm.

Trong phim, Billy Bang đã nhận thức sự tham chiến của anh tại Việt Nam là sai trái và muốn tới Việt Nam để được cứu rỗi. Vì Billy là nhân vật chính và là nghệ sỹ nhạc jazz nên Markus muốn làm bộ phim xoay quanh các hoạt động âm nhạc tại Việt Nam. Chính vì thế, trước khi đến Việt Nam, Markus đã phải tra cứu rất nhiều về văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Trước khi bắt tay vào bộ phim, ở Paris, Markus đã tới gặp gỡ hai cha con GS Trần Văn Khê và Trần Quang Hải. Anh cho biết, chính hai người này đã khai sáng cho anh về nhạc Việt.

Theo Markus, các bộ phim về cuộc chiến tranh Việt Nam luôn ngập tràn ở phương Tây. Tuy nhiên, các bộ phim đó, phần lớn là phim mà Hollywood làm thường nói về nỗi đau của các cựu binh Mỹ mà rất ít thông tin về Việt Nam. Markus có tham vọng làm bộ phim về chiến tranh Việt Nam nhưng qua đó giúp khán giả được hiểu biết nhiều về Việt Nam thông qua âm nhạc.

Markus tâm sự về cuộc hạnh ngộ giữa nhà làm phim và nhân vật: “Billy muốn đến Việt Nam và anh ấy đã tìm đến tôi. Chúng tôi đã gặp nhau như một định mệnh và tôi bị chinh phục bởi nhân vật Billy Bang mà có lẽ sẽ không tìm được nhân vật thứ hai như thế”.

Điểm chung duy nhất của Bài ca cứu rỗi với bộ phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai của đạo diễn Trần Văn Thủy cách đây 10 năm là sự hàn gắn vết thương chiến tranh bằng tiếng vĩ cầm. Khi xem phim Bài ca cứu rỗi của Markus, người xem như lạc vào thế giới âm nhạc muôn màu sắc của Việt Nam hơn là về đề tài chiến tranh. Markus hy vọng, bộ phim này nếu trình chiếu ở châu Âu sẽ khiến khán giả phải trầm trồ về kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Hành trình “Bài ca cứu rỗi” ảnh 2
Một cảnh trong phim, trong đó Billy Bang đang chơi nhạc cùng nghệ sỹ đàn đá

Bộ phim đầu tiên và cuối cùng về chiến tranh

Chưa từng làm phim về âm nhạc, chưa từng làm phim về chiến tranh nhưng có thể nói Markus Hansen đã thành công với Bài ca cứu rỗi, được coi là cuộc viễn du bằng âm nhạc hết sức kỳ thú của một cựu binh Mỹ trước sự giằng xé, ám ảnh của chiến tranh.

Trong phim, Billy Bang đã thú nhận: “18 tuổi, tôi đứng trước hai lựa chọn: Hoặc vào tù hoặc là đến Việt Nam. Tôi không muốn vào tù, vì vậy tôi đã lên đường sang Việt Nam. Giờ tôi đã biết mình sai. Nếu được chọn lại, tôi thà đi tù còn hơn!”.

Các cuộc giao lưu âm nhạc giữa Billy Bang với nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn, dàn cồng chiêng Tây Nguyên, ca sỹ Siu Black, các nghệ sỹ đàn đá, các liền anh liền chị quan họ... là sự đồng điệu về âm nhạc. Nhạc của Billy Bang tuy có khác nhưng lại rất gần gũi với nhạc Việt.

Vốn là người Đức, đất nước đã từng trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, nên Markus rất hiểu và thông cảm về sự mất mát và nỗi ám ảnh chiến tranh. Điều đó thật khó nói ra bằng lời.

Bản thân chị gái và mẹ của Markus cũng là những người đã từng trải qua chiến tranh và cũng có những điều khó nói. Billy Bang cũng vậy. Chính vì thế mà Markus cảm thấy như có một ma lực và quyết định dấn thân vào dự án làm phim này.

Sự khó nói đó được thể hiện ngay ở đầu phim. Có những đoạn Billy đang kể chuyện nhưng mặt bỗng biến sắc và cầu xin: “Markus ơi, thôi đừng quay nữa”. Thế rồi như một định mệnh, càng đi, càng gặp gỡ , Billy càng cảm thấy lòng mình vơi đi và anh đã dần dần trút được nỗi ám ảnh đó.

Sự gặp gỡ giữa Markus Hansen và Billy Bang giống như một định mệnh. Markus bị cuốn hút bởi con người của Billy và Bill Bang như tìm được bạn tâm giao. Đây có thể sẽ là bộ phim đầu tiên và cũng là cuối cùng của Markus về đề tài và chiến tranh.

Bộ phim Bài ca cứu rỗi được manh nha từ năm 2002 và Markus đã mất sáu năm để hoàn thành, trong đó phần lớn thời gian là để tìm nguồn tài trợ và viết kịch bản. Tuy nhiên, Markus cho biết, khó khăn lớn nhất không phải là vấn đề tài chính mà là việc nuôi niềm tin với Billy Bang vì hai người ở cách xa nhau, một ở Paris, một ở New York, nên việc liên lạc với nhau không mấy thuận lợi.

Bài ca cứu rỗi không chỉ là sự sám hối của một cựu binh Mỹ mà còn là thông điệp cho lớp trẻ Mỹ ngày nay về việc nói không với chiến tranh. Tiếp sau cuộc viễn du âm nhạc Việt Nam, đạo diễn Markus Hansen mong một ngày nào đó có dịp được tiếp tục khám phá những nét đẹp tiềm ẩn của Việt Nam.

Markus Hansen sinh năm 1963 tại thành phố Heidelberg (Đức). Khi anh lên 9 tuổi, gia đình anh chuyển tới sống tại thành phố Liverpool (Anh).

Sau khi học nghệ thuật tại trường Đại học Reading, anh làm trợ lý cho Joseph Beuys cho đợt triển lãm sắp đặt Plight của ông. Sau đó, anh đến sống tại Colombia để tiếp tục công việc nghiên cứu về nhân loại học, về vai trò sáng tạo trong chữa bệnh của các thầy pháp saman.

Sau đó, anh đến sống tại thủ đô Luân Đôn và bắt đầu làm việc với nhóm “Nghệ thuật tạm thời” và đi triển lãm khắp thế giới như New York, Luân Đôn, Paris, Hamburg, Zurich. Sau khi tham gia một khóa sáng tác của Quỹ Cartier, anh chuyển tới sống tại Paris.

Những dự án mới nhất vừa được thực hiện của anh: Trình diễn performance video trực tiếp với nhóm nhạc tam tấu chuyên ứng tác Con tàu Lavoir của thành phố Anvers, dự án hợp tác với huyền thoại Archie Shepp và The Two Shots Seven, một nhóm nhạc Mỹ gồm các thành viên Billy Bang, Hamiet Bluiet, Kahil và Zabar.

Anh cũng lên sân khấu cùng với Con tàu Lavoir và Archie Shepp nhân sự kiện chào mừng thành phố Lille được bình chọn là thành phố Văn hóa châu Âu năm 2004. Hiện anh sống và làm việc tại Paris, Pháp.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.