Hạnh phúc thuộc về những người biết chờ đợi?

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong - Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tản bộ trong khách sạn Metropole Hà Nội sáng 28/2 Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong - Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tản bộ trong khách sạn Metropole Hà Nội sáng 28/2 Ảnh: TTXVN
TP - Tôi theo các đồng nghiệp Tây chồn chân bên hông KS Metropole 15 Ngô Quyền để hóng sự kiện Thượng đỉnh. Có lẽ do đợi lâu nên hồi ức của một quá vãng bỗng ập về.

Khách sạn Metropole, hay còn gọi đầy đủ là Sofitel Legend Metropole Hà Nội. Xây cách đây 118 năm, là khách sạn 5 sao đầu tiên và cũng là khách sạn có tuổi đời lâu nhất tại Hà Nội.

Mé bên trái không xa chỗ tôi đứng là căn hầm trú ẩn độc đáo được phát hiện năm 2011. Khi được phát lộ, căn hầm này ngập tràn bùn và nước. Từng phải mất nửa năm trời  để hút hết bùn nước, bắt tay dọn dẹp sửa sang.  Sao lại có cái hầm này nhỉ? Công nhận người xứ mình cũng mau quên? Các nhân chứng được triệu tập. Hóa ra hầm cũng chỉ mới được xây dựng năm 1965 dùng để tránh bom đạn trong các cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.  Nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda, ca sĩ người Mỹ Joan Baez, nhà hoạt động chống chiến tranh Tom Hayden, nhà ngoại giao Australia Bob Devereaux… cũng từng trú ẩn tại căn hầm này.

Hiện tại, trên tường của căn hầm vẫn còn bút tích của nhà ngoại giao Bob Devereaux.
Ông viết tên mình lên bức tường căn hầm những năm bảy mươi bom đạn. Thuật lại kỉ niệm đó, ông nói: “Có thể lúc đấy tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện đóm và không có gì để làm nên trong lúc mò mẫm chai rượu tôi đã tiện tay khắc tên mình lên bức tường đó. 
Mười hai ngày đêm tháng Chạp năm 1972,  ca sĩ Mỹ Joan Baez đã ghi âm một phần ca khúc Where are you my son  được bà lấy cảm hứng từ lời than khóc của một bà mẹ mất đứa con trai duy nhất trong chiến tranh. Nhờ có căn hầm này mà KS Metropole được UNESCO vinh danh là ký ức di sản thế giới.

Metropole thêm nổi danh vì những người nổi tiếng từng trú ngụ. Mới, năm 2007  đôi vợ chồng nào đó của sao Hollywood. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm 2017. Cũ hơn, danh hài Charie Chaplin từng ở đây 3 ngày đêm năm 1935. Tiểu thuyết gia người Anh Graham Greene năm 1951 ghìm mình để hoàn thành nốt cuốn The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng). 

Bao nhiêu là những chứa chan hy vọng đang ngày đêm ngóng về cánh cửa chính trổ ra phố Ngô Quyền đây! Về một kết quả khả quan của cuộc gặp, của việc đàm phán Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội mùa xuân năm Hợi. Bao nhiêu lương dân Việt đã không ngần ngại cứ trong ý tứ mà suy cái tên sách của nhà văn Anh rằng, với cuộc Thượng đỉnh này, người Mỹ có lẽ chả phải… trầm lặng nữa! Bay xuyên đêm vượt đại dương hàng chục giờ trên Không Lực Một để đến Singapore và Hà Nội, những tất tả đôn đáo này khác và vô số những nhiêu khê tốn kém không phải để ông Tổng thống nguyên là một doanh nhân Donald Trump trở về Washington tay trắng kèm vô số lời chỉ trích của thiên hạ. Và ngay với thuộc hạ của mình, tuy sốt sắng tháp tùng kè kè đấy nhưng luôn thường trực tâm trạng hoài nghi!

Có lẽ lộ trình dằng dặc suốt từ khi đặt chân lên chuyên cơ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các tùy tùng đã từng trầm lặng và đã từng phải sốt sắng (chứ chẳng phải sốt ruột?) phải làm cái gì đó để thúc đẩy tiến độ và chất lượng đàm phán? Mọi việc, chính xác hơn là kết quả cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều phải được quyết định tại cái khách sạn với hàng loạt sự kiện bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều 28/2/2019 như lịch của Nhà trắng phát ra vào sáng sớm!

Lại vô số những hy vọng chứa chan về những vị khách Mỹ - Triều đang thực thi sứ mệnh hòa bình tại cái khách sạn từng mang cái tên rất đẹp là Thống Nhất. Metropole 15 Ngô Quyền mang tên Thống Nhất từ năm 1954 thời điểm hòa bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam. Trong đàm phán, cụm từ thống nhất cũng hàm luôn cái nghĩa đồng thuận dẫu chẳng được tuyệt đối toàn bích thì tương đối cũng là tuyệt vời rồi? 

Nhưng thực tế lại khác!

Điều gì đã diễn ra suốt từ 9h ngày 28/2/2019 thời điểm Tổng thống Trump  có cuộc gặp một - một với Chủ tịch Kim vẫn luôn là một ẩn số?

Như thông tin loang nhanh trong cuộc họp báo chiều nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã không đạt được thỏa thuận chung sau các cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại Hà Nội do bất đồng liên quan tới lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Lễ ký thỏa thuận và bữa trưa cùng nhau trước đó cũng bị hủy bỏ. 

“Đó là do vấn đề lệnh trừng phạt. Về cơ bản, họ muốn được dỡ bỏ trừng phạt theo lộ trình của họ nhưng chúng tôi không thể”, ông Trump nói.

Hạnh phúc thuộc về những người biết chờ đợi? ảnh 1 Khách sạn Metropole Hà Nội nơi diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 Ảnh: TTXVN

Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp mở rộng sáng nay, Chủ tịch Kim Jong - Un cũng đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa. “Nếu không sẵn lòng làm điều đó thì tôi đã không ở đây!”. Khi được hỏi về việc liệu Mỹ có thể mở một văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng hay không, ông Kim cho biết, Triều Tiên hoàn toàn hoan nghênh ý tưởng này.

Nghe vậy thì cũng biết vậy. Điều cốt yếu là cánh cửa đàm phán không phải đã khóa chặt lại mà chỉ mới tạm khép để mở tiếp! Có lẽ câu nói của ngài Tổng thống Hoa Kỳ khiến mỗi chúng ta ít nhiều sẻ chia rằng rời bàn đàm phán nhưng chúng tôi không ai giận dữ!

Và phái đoàn Hoa Kỳ nói riêng, người Mỹ nói chung và Đoàn đại biểu Triều Tiên nữa và tất cả những lương dân Việt cũng cần phải tiếp tục… trầm lặng? Trầm lặng để mà tĩnh tâm, để mà suy ngẫm.  Vẫn còn đó di sản thiện chí mà hai bên tạo ra chiều nay ở Hà Nội để các bên tiếp tục sứ mệnh hòa bình cho nhân loại.

Rằng tin hay không tin thì thôi cái câu, hạnh phúc thuộc về những người biết chờ đợi? 

Như thông tin loang nhanh trong cuộc họp báo chiều qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã không đạt được thỏa thuận chung sau các cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại Hà Nội do bất đồng liên quan tới lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Lễ ký thỏa thuận và bữa trưa cùng nhau trước đó cũng bị hủy bỏ. 



MỚI - NÓNG