Hành lang bầy hầy

Minh họa: Nguyên Du.
Minh họa: Nguyên Du.
TP - 1. “Sáu biết gì hông? Con sắp sanh thêm đứa nữa!”, con Tám tía lia chọt vô tai bà Sáu vé số câu ấy ngay khi cả hai sắp kết thúc câu chuyện đêm muộn. “Đẻ con nữa hả bay? Sức đâu nuôi đứa nhỏ”, bà Sáu nói với nụ cười gằn gằn nửa miệng. Rồi bà tỏ ra thờ ơ nói với con Tám: “Thôi tao đi ngủ à”. Sau một ngày làm việc vất vả, bà Sáu mệt, không còn sức nghe thêm chuyện con Tám.

Thực ra nếu không đi ngủ thì bà Sáu cũng tắc tịt, không biết sẽ phải biểu lộ thái độ tiếp theo ra sao với con Tám. Không lẽ khen mà không lẽ bà lại chê trách nó! Dù sao đó cũng là chuyện riêng tư của nó với thằng Hai Cu – chồng con Tám. Mặc dù bà Sáu biết chắc một điều, là tốt hơn hết con Tám nên ngưng ngay cái việc đẻ đái này lại. Vì hai vợ chồng nó đã, đang và sẽ mãi mãi phải sống vật vạ ở cái hành lang này cho đến ít nhất là lúc thằng Hai Cu chết đi mới thôi.

Đã một tuần rồi phải sống vật vạ ở hành lang bầy hầy này nhưng bà Sáu vẫn chưa thể quen chỗ, quen không khí rặc những hơi người, hơi thuốc tây ngập ngụa bủa vây xung quanh. Vậy là đêm nay bà lại trằn trọc khó ngủ. Khi đã khó ngủ bà lại dễ nghĩ ngợi lung tung hết cả. Nghĩ chuyện đời mình và con trai xong, xà quần thế nào rồi bà lại nghĩ đến chuyện con Tám. Kỳ lạ! Sao con Tám lại hoàn toàn vui vẻ? Không lẽ chuyện mới cấn bầu còn có thể khiến nó có một thứ tâm trạng nào khác ngoài cái sự buồn và lo lắng!

Kỳ thiệt là kỳ.

Nhưng thây kệ nó đi! Dù sao chuyện này ít nhiều cũng có mặt tích cực của nó. Ví dụ như từ nay bà Sáu có thể hi vọng  là thằng Thành - con trai đang phải chạy thận của bà - sẽ ít nhiều bớt đi những đêm dài trằn trọc không ngủ nhưng cứ phải vờ nhắm mắt, giả điếc giả lơ khi nghe thấy những tiếng thở lúc dồn dập, lúc đứt quãng của con Tám với Hai Cu phát ra từ dưới lớp chăn mỏng tang, trong chiếc mùng đôi giăng ở góc hành lang sát chân cầu thang ở đằng kia. Ở tuổi thanh niên trai tráng của thằng Thành, việc cứ phải giả điếc như thế thì thực sự không biết để đâu hết hai chữ tội nghiệp.

2. Bà Sáu nghe mọi người kể lại, lúc còn có mặt bà Hai Hía ở đây, cứ lâu lâu các “cư dân bất đắc dĩ” quần tụ tại cái hành lang nhem nhuốc này lại được một lần tận tai nghe, tận mắt thấy cái cảnh bà ấy “xử đẹp” vợ chồng Hai Cu nó sướng con mắt như thế nào. Trong số đó, ấn tượng nhất là những khi bà Hai Hía không ngần ngại xỉa thẳng tay vô trán thằng Hai Cu mà hét lớn: “Vợ chồng bay có biết liêm sỉ là cái giống gì không hả? Tao nói cho bây nghe, đây là cái hành lang bệnh viện, là nơi công cộng chứ không phải cái phòng ngủ riêng của tụi bây nghen!”

Người ta nói bà Hai Hía là vậy, thấy bất cứ chuyện gì chướng tai gai mắt là không thể để yên. Miệng nói tới đâu tay bà vung liền tới đó. Nhưng bà khẩu xà tâm phật. Dẫu bà có quát, có chửi ai đi nữa cũng chỉ để cái người bị bà chửi sẽ nhận thấy cái sai quấy mà sửa, mà tốt lên. Bà chưa bao giờ chửi ai vô cớ, vô duyên bao giờ. Ai cũng âm thầm công nhận, chính nhờ có bà mà cái hành lang bệnh viện những người với ngợm này có được những trật tự nhất định của riêng nó. Chỉ tiếc là cách đây nửa năm, chồng bà Hai Hía đã chết vì kiệt sức sau 13 năm chạy thận ròng rã, lê lết. Ngày chồng bà Hai Hía chết, mọi người không ai nói ra nhưng hầu như ai nấy cũng cảm thấy mừng thầm cho bà. Bởi chồng bà chết cũng có nghĩa bà được “giải thoát” vĩnh viễn khỏi xóm “cư dân bất đắc dĩ” này.?

Có điều, từ khi không còn bà Hai Hía ở đây, đã có rất nhiều chuyện không hay xảy ra. Trong đó, như đã nói thì chuyện vợ chồng Hai Cu mặc nhiên xem cái hành lang này như chốn không người chỉ là một trong vô số những chuyện chẳng hay ho đó. Hầu như cứ đều đặn hai cho đến ba đêm một lần, dĩ nhiên toàn lựa vào lúc giữa khuya, vợ chồng Hai Cu với con Tám nó lại hì hà hì hục làm cái chuyện phòng the đáng xấu hổ ấy. Bất chấp xung quanh lúc nào cũng nhung nhúc người. Gồm người bệnh và những nhân thân của họ từ tứ xứ đổ về đây ăn dầm nằm dề, giăng mùng đặt chiếu sát rạt, bày biện ngủ nghê chật cứng các lối đi. Nhìn tổng thể, cái hành lang bệnh viện này chẳng khác một bãi chứa những cư dân tị nạn tầm cỡ quốc tế.

Giữa đêm yên ắng thì những thứ âm thanh phát ra từ phía vợ chồng Hai Cu – chắc có lẽ cũng đã được chủ nhân của nó cố gắng kìm hết mức có thể, chẳng hạn vợ chồng bịt miệng nhau những lúc sắp lên đến cao trào - thì vẫn cứ bị chính cái sự yên ắng của đêm khuya khuếch đại, truyền đến tai người nghe một cách rõ rệt, kệch cỡm như thường.

Nhiều đêm bà Sáu cũng như tất cả các cư dân ở đây, đa phần đều cảm thấy có gì đó e ngại nên chỉ biết tặc lưỡi, âm thầm trách mắng: “Lại nữa! Tụi này thật kỳ cục. Cảnh ấy đẻ hai đứa con còn chưa ngán, chưa thấy đủ hả trời!”. Nhưng đó chỉ là nỗi bực dọc và thương cảm xuất hiện trong tâm trí bà Sáu lúc giữa khuya. Ban ngày, bà nhanh quên những sự việc không hay ho đó để dành tâm trí cho nỗi lo nặng trĩu khác.

3. Đều đặn mỗi sáng, sau khi sắp xếp cho thằng Thành vào phòng chạy thận – cũng có nghĩa là tiến hành công việc dùng máy lọc máu thay cho quả thận đã hư trong người bệnh -  thì bà Sáu tay cầm sấp vé số, đầu đội chiếc nón lá rách mất phần chóp, tất tả rời khỏi cổng bệnh viện. Bà đi lang thang bán vé số khắp các ngả đường cho đến giữa trưa, khi thằng Thành tự mình bước ra khỏi phòng chạy thận cũng là lúc bà trở về cùng hai phần cơm hộp khô không khốc. Hai mẹ con sẽ ngồi tụm ở một góc chiếu hoặc tìm một chiếc ghế trống dọc hành lang, hì hụi ăn.

Sau một tuần chăm sóc con chạy thận thì bà Sáu quen, chỉ cần nhìn sắc mặt con trai là bà đã biết rằng hôm nay việc chạy thận khiến thằng Thành quá mệt hay chỉ hơi hơi mệt trong người. Con trai mà yếu quá thì bà động viên nó một câu là cần phải ăn hết hộp cơm - khẩu phần nhạt toẹt dành cho người bệnh thận - cho có sức khỏe. Con trai mà khỏe hơn thì bà nhìn nó cười cười bảo vậy là tốt rồi, ráng tiếp nghen con. Còn bà, với cái khổ của công việc bán vé số của mình, sau một tuần học nghề thì bà cũng dần quen hơn, dù hai bắp chân vẫn chưa dứt những cơn đau nhức nhưng cũng chẳng còn nhiều chuyện mới mẻ để kể cùng con trai. Bữa trưa của hai mẹ con vì vậy cũng nhanh chóng kết thúc.

Sau bữa trưa như thế, bà Sáu lại tất tả đội nón ra đi đến tối mịt mới về. Và về cùng với bà lúc đó cũng là hai hộp cơm khô khốc khác dành cho bữa tối.

Có điều khiến bà Sáu ngạc nhiên là trong mấy hôm đầu tiên đi bán vé số, bà gặp rất nhiều người trên đường khiến mình cứ ngờ ngợ. Từ những người làm nghề đánh giày, bán singgum cho đến anh bán móc khóa, bóng bay nghệ thuật… Chỉ đến ít bữa sau thì bà Sáu mới chính thức hiểu ra một thực tế là mỗi bệnh nhân khi đã “nhập cư” ở hành lang trước phòng chạy thận này đều cầm chắc sẽ có một thân nhân đi kèm. Và vì chạy thận vốn là “bệnh của nhà giàu” - thứ bệnh muốn sống thì phải chi tiền mỗi ngày và không bao giờ khỏi - thế nên những thân nhân do chăm sóc các bệnh nhân đều sẽ như bà Sáu, tranh thủ tìm một cái nghề gì đó để kiếm được đồng ra đồng vào. Như vậy là để tự kiếm cái ăn cho chính mình và cũng là để  mỗi ngày có tiền chi trả cho chi phí chạy thận của người bệnh.

Không như vậy không được, bởi bệnh thận này ngặt nghèo ở chỗ người bệnh chỉ cần một tuần không có tiền chạy thận thì cơ thể sẽ lập tức phù nề, máu sẽ bị nhiễm bẩn và sau đó là cái chết cứ thế ầm ập kéo đến.

4. Mỗi ngày đi từ sớm đến tận chín giờ tối mới về, bà Sáu thừa nhận chính nhờ có Tám tía lia mà bà không bị “lạc hậu” với những diễn biến cuộc sống xung quanh. Ví như chuyện chiều nay bà Bảy ở An Giang mới bán ba công ruộng của vợ chồng thằng con trai lớn ở dưới quê để có tiền săn sóc chồng chạy thận. Nguyên nhân là mới tuần trước bà Bảy bị trượt chân té khi đang lau cầu thang cho gia chủ nên phải ngưng công việc ô sin đã gắn bó với bà suốt 10 năm nay. Trong khi đó, ông chồng bà đã chạy thận suốt 10 năm qua và vẫn còn chạy thận mãi, không biết khi nào mới ngưng. Mà ngưng thì cũng chỉ có nghĩa là chết.

Không hổ danh Tám tía lia, trưa nay, khi bỗng nhiên có một đoàn mạnh thường quân đến thăm hỏi gia cảnh các bệnh nhân thì hầu hết mọi chuyện diễn ra ở cái hành lang này đều phải qua miệng con Tám mới đến tai họ. Trong đó có cả chuyện về thằng Thành của bà Sáu. Con Tám tóm tắt hoàn cảnh của Thành cho các mạnh thường quân như này: Thành mới vừa cưới được cô vợ xinh đẹp, nết na. Hai đứa sống với nhau chưa đầy ba tháng thì Thành được phát hiện bệnh. Biết bệnh không thể chia tay mình cho tới chết nên Thành nhanh chóng quyết định chia tay vợ để vợ còn sớm có thể tái giá. Và từ hơn tuần nay Thành cùng mẹ cắp quần áo vào bệnh viện này chữa chạy.

Con Tám không biết vô tình hay cố ý nhưng nó đã lược bỏ cái giai đoạn mà bà Sáu đã phải rao bán hết ruộng đất với giá rẻ mạt ra sao. Rồi cảnh bà đã đưa con trai đi khắp những bệnh viện lớn nhỏ, tiêu hết số tiền bán đất ấy như thế nào trước khi mò được đường đến cái bệnh viện này chạy thận. Con Tám nhảy qua đoạn kết: “Vợ thằng Thành hơn tháng qua chưa một lần đến thăm nó. Đúng là thằng Thành xui xẻo khi lấy phải thứ người phụ bạc!”. Con Tám bất ngờ kết câu chuyện về thằng Thành ở đó. Bà Sáu lúc đó thực sự muốn nhảy vô miệng con Tám, trước là để chặn ngay việc con Tám đang quy kết rằng vợ thằng Thành là người phụ bạc. Vì sự thật là thằng Thành vì thương vợ nên bỏ vợ chứ vợ nó không có tội tình gì. Sau nữa, bà Sáu muốn bổ sung thêm đôi chút về cái cám cảnh của hai mẹ con mình để các mạnh thường quân được rõ.

Nhưng bà Sáu vốn bản tính hay rụt rè, hay e ngại nói chuyện về mình trước đám đông xa lạ nên khẽ thở dài cho qua. Câu chuyện về mẹ con bà cũng vì thế nhanh chóng bị các mạnh thường quân chỉ lướt nhanh. Cả cái đoàn người ăn mặc trắng trơn, vẻ như giàu có và sạch sẽ kia cũng vừa lờ luôn chuyện của bà Bảy. Bởi vì con Tám sau khi kể sơ lược về hoàn cảnh mười năm nuôi chồng chạy thận của bà Bảy, nó cũng vừa kịp khoe với họ rằng bà vừa mới bán ba công ruộng của thằng con trai lớn. Cả đoàn người đã đưa ra quyết định rằng họ cần phải thương cảm với hoàn cảnh con Tám với Hai Cu nhiều nhất.

Và cũng là thông qua cái miệng con Tám, những câu chuyện về hoàn cảnh của vợ chồng nó bỗng trở nên ly kỳ, đầy ắp những tình tiết khiến người ta ngay lập tức thương cảm mà sụt sùi. Câu chuyện thậm chí còn được một cô phóng viên có mặt trong đoàn mạnh thường quân mô tả khá chi tiết, khá lê thê trong một bài báo phát hành sau đó ít hôm. Trong bài báo, cô phóng viên còn ca ngợi con Tám là mẫu hình phụ nữ biết hi sinh và chung thủy hiếm có. Bởi dù biết chồng mới cưới mắc căn bệnh quái ác nhưng Tám vẫn nguyện thề sẽ sống chết ở bên chồng, ngày đêm tận tụy chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ. Và chuyện có con cái nheo nhóc như bây giờ cũng vì cái hoàn cảnh khó khăn, thất học nên thiếu hiểu biết mà thôi.

5. Sự thể đoàn mạnh thường quân đã lướt qua tất cả mọi hoàn cảnh khó khăn khác để chỉ móc hầu bao hơn 300 đô la tặng riêng cho vợ chồng Hai Cu có nằm trong ý đồ sắp đặt của con Tám? Hay đó chỉ vì con Tám vô ý vô tứ nói năng lung tung nên mới thế? Đó là những câu hỏi mà tất cả các “cư dân bất đắc dĩ” ở cái hành lang này cứ tụm năm tụm ba hỏi nhau suốt một thời gian dài sau đó. Cùng từ đó, hầu như ai cũng tranh thủ đưa những bình phẩm không tốt đẹp về vợ chồng Hai Cu vào bất cứ lúc nào vợ chồng, con cái nó vắng mặt.

Đêm, bà Sáu lại trằn trọc khó ngủ, cứ nghĩ vẩn nghĩ vơ. Trước hết bà buồn bã nghĩ về cái cuộc sống đã mất hết tương lai của mình với cậu con trai bệnh tật. Sau bà lại bất chợt nghĩ giá mà còn bà Hai Hía ở đây, có thể bà đã thẳng tay chỉ mặt con Tám mà chửi nó về cái tội đã phát biểu quá linh tinh, thiếu khách quan khi đứng trước đoàn mạnh thường quân hôm đó. Hoặc là bà Hai Hía sẽ xổ toẹt ra những nghi vấn mà mọi người đang rì rầm đặt ra bàn tán với nhau về vợ chồng Hai Cu suốt thời gian vừa qua. Nhưng bây giờ, ở đây đã không còn có ai giống như bà Hai Hía nữa. Vậy cho nên vợ chồng con Tám cứ thỏa sức lộng hành theo ý chúng nó.

Bà Sáu nghĩ ngợi mông lung tới đó thì chợt thấy mắc và mò dậy đi tiểu. Bà Sáu khác với bà Hai Hía, đi đâu làm gì ở chỗ đông người như này bà cũng vô cùng ý tứ, cứ rón rén đi như mèo rình chuột. Lúc đi ngang qua chỗ vợ chồng Hai Cu, bà Sáu vô tình nghe được lời thoại của Hai Cu thỏ thẻ cho con Tám lúc giữa đêm: “Ê Tám, tao thấy mày mà sinh thêm đứa này nữa thì cái đám người giàu giống cái đám hôm kia mà thấy mày ôm đàn con nheo nhóc chắc sẽ lại thương và cho tụi mình nhiều tiền hơn ha mày. Lúc ấy mày có khi chẳng cần phụ việc ở căng tin cũng có tiền sống ngon ơ”. Cố dỏng tai thêm lúc nữa nhưng bà Sáu không nghe được câu trả lời của con Tám. Nhưng kể từ ngày hôm sau bà Sáu thấy con Tám nghỉ việc ở căn tin thật. Nó thậm chí ngày càng tỏ vẻ hí hửng chào đón sự ra đời của đứa con thứ ba.

Bà Sáu từ sau đó cứ băn khoăn, thấy tiêng tiếc rằng mình không phải là bà Hai Hía. Bà cũng tiếc là giờ đây ở cái hành lang này giờ cũng chẳng còn ai có vẻ giông giống như bà Hai Hía trước kia nữa. Vậy nên không ai chỉ ra cho con Tám thấy nó không chỉ mất kinh mà còn mất đi nhiều thứ khác nữa. Chẳng hạn như…  Mà kìa, đang ăn trưa với con trai và nghĩ ngợi vậy thì bà Sáu chợt ngưng lại, ngóng nhìn ra cổng bệnh viện vì bà vừa nghe giọng con Tám hét lên sung sướng khi loan tin cho cả hành lang này biết rằng ngoài ấy đang có một đoàn mạnh thường quân ghé đến.

Hành lang bầy hầy ảnh 1Bằng giọng kể nhẩn nha, hóm hỉnh, Mễ Thành Thuận làm cả một thế giới kỳ lạ nơi hành lang bệnh viện tăm tối hiện lên. Mọi cung bậc đời sống con người với đủ đầy ái ố hỉ nộ trong một bối cảnh mà người ta phải vật lộn với cái chết để thực hiện cái lẽ đời: Phải sống.

Mễ Thành Thuận là người dân tộc Cao Lan. Quê gốc Sơn Động, Bắc Giang nhưng gia đình di vào huyện Bù Đăng, Bình Phước. Anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Báo chí trường ĐH KHXH & NV TPHCM nhưng hiện kiếm sống bằng nghề chụp ảnh dịch vụ tại TPHCM. Một vài trích ngang gợi đến sự xô dạt của người văn.    

 L.A.H

MỚI - NÓNG