Trong nước, Việt Nam đã làm gì? Tổng hợp chung từ các bộ, ngành cho thấy dịch tác động đến nền kinh tế trực tiếp và gián tiếp. Còn mức độ tác động sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc dịch sớm được kiểm soát hay không? Với kịch bản dịch không sớm được kiểm soát và kéo dài thì quý 2/2020 mức độ tác động nền kinh tế Việt Nam được dự báo, là sẽ nghiêm trọng.
Đến lúc này, các bộ, ngành và Chính phủ đều đang lao vào cuộc. Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ vai trò dự báo tổng thể bức tranh toàn cảnh thì từ góc độ điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng yêu cầu các tổ chức tín dụng trước mắt phải thực hiện khoanh nợ, giảm lãi trong vòng 3 tháng kể từ 1/1 đến 31/3/2020 cho tất cả các doanh nghiệp trong diện ảnh hưởng. Hạ lãi suất tiền đồng và USD từ 0,5-1,5% cho các doanh nghiệp ngành nghề bị thiệt hại trực tiếp như du lịch, hàng không, vận tải.
Bộ Tài chính cũng lên kế hoạch giao các đơn vị tính toán việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp (DN) đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế; miễn, giảm tiền thuê đất của Nhà nước cho DN và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát.
Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc còn đề xuất lập Tổ công tác Chính phủ rà soát toàn diện ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đại diện VCCI cũng đưa ra hàng loạt giải pháp cho doanh nghiệp như: Đẩy mạnh đầu tư công, kết nối thị trường nội địa, tìm cơ hội tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm nguồn nguyên liệu; tiết giảm hội họp chi tiêu lãng phí.
Nếu dịch bệnh còn kéo dài, nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và Việt Nam không là ngoại lệ “thiệt đơn, thiệt kép”. Phải làm gì khi “kịch bản xấu” đó xảy ra? Theo nhiều chuyên gia, đến lúc đó dù không muốn, Chính phủ cũng phải nghĩ đến gói kích thích, cứu trợ cho doanh nghiệp. “Gói này thì có thể đa dạng, hoặc là hỗ trợ lãi suất, hoặc hỗ trợ miễn giảm thuế, thậm chí bơm thẳng cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề để cứu họ thoát cơn bĩ cực”, một chuyên gia tài chính nói.
Hiện, một số quốc gia châu Á đã đưa ra các biện pháp nhằm giảm tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế như: Malaysia dự kiến sẽ công bố gói kích cầu từ 10-15 tỷ ringgit (khoảng 2,5-3,8 tỷ USD) vào cuối tháng 2 đầu tháng 3; Nhật Bản có thể sẽ sử dụng khoản dự trữ nhằm ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế. Các quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines đã hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Với Việt Nam, hàng triệu doanh nghiệp cũng đang ngóng theo từng phút hành động của Chính phủ.