Hàng Việt tạo uy tín nhờ tăng kiểm soát chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc đẩy mạnh đưa hàng Việt chất lượng vào kênh phân phối hiện đại trong nước đã mang lại những kết quả bền vững khi không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất, kinh doanh, mà còn góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy người Việt tăng dùng hàng Việt.

Tăng kết nối đưa hàng vào siêu thị

Báo tin vui khi sản phẩm bột rau đã có mặt tại siêu thị Co.op Mart mới đây, bà Nguyễn Ngọc Hương, nhà sáng lập Công ty TNHH Thiên nhiên Việt nhìn nhận: “Đưa hàng vào siêu thị không khó, bởi từ khi bắt đầu sản xuất, chúng tôi đã tuân thủ các quy định, chứng chỉ trong nước và quốc tế. Sản phẩm từ khi được đưa lên quầy kệ của siêu thị, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Chúng tôi xác định siêu thị là một kênh bán hàng quan trọng trong thời gian tới, và đang tiếp tục xúc tiến đưa sản phẩm vào thêm các hệ thống siêu thị khác”.

Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong năm 2024, thành phố liên tục tổ chức các hội nghị kết nối, đưa sản vật địa phương vào kênh phân phối hiện đại, tiếp thị đến tay người tiêu dùng thành phố.

Theo đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối của thành phố, TPHCM là thị trường lớn, trọng tâm và cũng là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Do vậy, sau mỗi lần đưa hàng hóa tới TPHCM đều giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu thị trường, từ đó có những thay đổi phù hợp và tiếp cận kinh doanh hiệu quả hơn.

“Rất nhiều sản phẩm của tỉnh Long An sau khi tham gia các chương trình kết nối tại TPHCM đều tìm đường vào được kênh phân phối hiện đại và có doanh thu khả quan”, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết.

Hàng Việt tạo uy tín nhờ tăng kiểm soát chất lượng ảnh 1

Doanh nghiệp đưa sản phẩm kết nối với siêu thị. Ảnh: Uyên Phương

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cho biết, với vai trò là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, thành phố luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp TPHCM, trong đó có việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM đã triển khai nhiều chương trình tuần lễ triển lãm sản phẩm, hội nghị kết nối giao thương xúc tiến đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào các trung tâm thương mại, hệ thống phân phối hiện đại.

Nhiều siêu thị khẳng định, điều kiện để sản phẩm được chấp nhận vào kênh phân phối hiện đại đòi hỏi nhà cung cấp phải bảo đảm quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Các siêu thị sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các tiêu chí theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất và nhà cung cấp để bảo đảm chất lượng hàng hóa đưa vào hệ thống siêu thị phải đạt tiêu chuẩn như đã công bố, mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý.

“Nếu phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ lập tức ngưng lưu hành sản phẩm đó trong hệ thống và báo cáo đến Sở Công Thương TPHCM. Đồng thời, chúng tôi cũng thông tin đến các nhà phân phối khác để các đơn vị cùng kiểm tra, ngăn chặn sản phẩm tương tự tiếp tục được lưu thông, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Quá trình xử lý rất nhanh chóng, chậm nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện vấn đề”, ông Thắng thông tin.

Hàng Việt tạo uy tín nhờ tăng kiểm soát chất lượng ảnh 2

Hàng Việt phải đáp ứng tiêu chí chất lượng mới được vào kênh phân phối hiện đại. Ảnh: Uyên Phương

Tăng kiểm soát chất lượng hàng hóa để ‘hút’ người tiêu dùng

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, nhiều sản phẩm của Việt Nam sản xuất có chất lượng tốt, xuất khẩu rất nhiều nhưng tại thị trường nội địa vẫn còn tình trạng hàng hóa kém chất lượng,. Theo ông Phương, ngành chức năng đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thể kiểm soát hết được nguồn gốc hàng hóa. Do đó cần một chế tài chặt chẽ để nâng trách nhiệm của chủ thể tham gia chuỗi cung ứng, tạo lòng tin bền vững với người tiêu dùng.

Ở góc độ Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TPHCM, bà Trần Kim Yến nói rằng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động luôn trăn trở và mong muốn có những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng cuộc vận động, tạo sự chuyển biến về nhận thức từ người dân. Theo bà Yến, nhiều hệ thống phân phối xem vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng hàng hoá là yếu tố sống còn.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo đề ra chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá nhằm kết nối các hệ thống phân phối, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên tinh thần tự nguyện, cùng xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử; nói không với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó tạo sức răn đe, định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đánh giá, hàng Việt tại các chợ, cửa hàng, siêu thị… hiện đã chiếm trên 80%. Điều đó chứng tỏ người dân đã thay đổi thói quen và ngày càng tin dùng hàng Việt. Theo ông Hải, chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa là giải pháp đáp ứng yêu cầu thiết thực của nhân dân về sản phẩm chất lượng, an toàn. Đồng thời phù hợp với chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp chân chính, trách nhiệm.

Các chuyên gia cho biết, để hàng Việt đưa vào chuỗi phân phối bền vững thì quy trình chứng nhận mang lại nhiều cơ hội học hỏi cho các nhà cung ứng nội địa, từ những thực tiễn tốt nhất của các đối tác trong chuỗi cung ứng và thích ứng với các tiêu chuẩn cao hơn.
MỚI - NÓNG