Đồng nhân dân tệ (NDT) phá giá 4,6% sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là mối quan ngại gia tăng nhập siêu do giá hàng hóa, nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn. Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam lo sẽ “chết” vì không cạnh tranh lại hàng giá rẻ Trung Quốc.
Chưa biết xoay xở thế nào
Mới ra mắt nhãn hiệu Lavinia nhằm cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm túi xách, bóp cầm tay phân khúc cao cấp nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa kịp mừng vì thị trường đón nhận khá tốt, ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến, đã lo khó “đánh” lại hàng Trung Quốc về giá. Theo ông Kiên, sản phẩm túi xách, bóp da, giả da Trung Quốc lâu nay vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, sắp tới giá rẻ hơn do giá NDT giảm, sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn.
“Chúng tôi chưa biết sẽ xoay xở thế nào vì sản phẩm mới ra thị trường, giá cả khá “mềm” rồi nên khó có thể giảm giá thêm nữa. Chỉ còn cách tập trung đầu tư chiều sâu vào chất lượng, mẫu mã để tạo sự khác biệt làm thế mạnh cạnh tranh” - ông Kiên nói.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết đang theo dõi diễn biến ở chợ sau khi đồng NDT giảm giá. Hiện lượng nông sản (trái cây, rau củ) Trung Quốc chiếm khoảng 10%-15% tổng lượng hàng về chợ và chưa có dấu hiệu tăng.
Thường thì giá cả hàng hóa tại chợ chịu tác động chính bởi nhu cầu thị trường; những biến động kinh tế, tài chính, phí vận chuyển... không tác động trực tiếp lên sản phẩm mà sẽ có độ trễ. Sắp tới, nếu giá nông sản Trung Quốc rẻ hơn, những sản phẩm này có thể vào Việt Nam nhiều hơn.
Ở lĩnh vực cao su - nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, đánh giá đồng NDT phá giá 4,6% có thể tác động làm giảm giá nguyên liệu đầu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mức giảm giá cụ thể thế nào còn tùy từng DN và khả năng đàm phán với các đối tác cung ứng hàng từ Trung Quốc.
Hiện mặt hàng lốp xe hơi lâu nay đã bị hàng Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, sắp tới sẽ “mệt” hơn. Tùy mỗi DN sẽ có chiến lược cạnh tranh riêng nhưng DN buộc phải tìm mọi cách giảm giá thành nếu không muốn bị hàng Trung Quốc đánh bại.
Không thể yêu hàng Việt vô điều kiện!
Trước lo ngại nông sản kém chất lượng Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn, bà Nguyễn Thanh Hà cho rằng mấu chốt vấn đề thuộc về khâu kiểm soát, quản lý ở cửa khẩu. “Hàng về chợ có đủ giấy tờ chứng nhận, đóng mộc của hải quan cửa khẩu Việt Nam nên đương nhiên được xem là đáp ứng các điều kiện của nhà nước Việt Nam để lưu thông, phân phối trên thị trường. Nếu chúng ta quản lý tốt, kiểm soát tốt và có những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ hạn chế được hàng giá rẻ, kém chất lượng. Quan trọng là việc kiểm soát, kiểm định này có thực chất hay không” - bà Hà nói.
Tham gia tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số nhà bán lẻ nhìn nhận hàng Việt đã được nâng cấp nhanh so với trước đây: chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá cả cũng cạnh tranh hơn.
Người tiêu dùng tiếp nhận hàng Việt nhiều hơn, thể hiện qua doanh số bán hàng. Điển hình là các sản phẩm đồng phục học sinh vừa tung ra thị trường phục vụ năm học 2015-2016 có mẫu mã đẹp hơn, chất liệu vải tốt và giá khá “mềm”. Tuy nhiên, DN Việt nâng chất để cạnh tranh thì hàng ngoại, hàng Trung Quốc cũng cải tiến mẫu mã, chất lượng tương ứng. Bởi thế, cuộc “so găng” ngày càng gay gắt.
Để hỗ trợ sản xuất trong nước, một số siêu thị ưu tiên nhà cung cấp hàng Việt. Hệ thống siêu thị Co.opmart có các chương trình ưu đãi nông sản Việt, đẩy mạnh truyền thông để khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm, giúp phân biệt hàng Việt với hàng Trung Quốc...
Tuy nhiên, theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM, muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội, giảm dần lệ thuộc vào hàng Trung Quốc thì ngoài việc quy hoạch lại hệ thống phân phối, kiểm soát hàng kém chất lượng vào Việt Nam, từng ngành nghề cần xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh gắn liền với tiêu thụ.
Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, Việt Nam đã mở toang cửa, người tiêu dùng ngập trên những “núi” hàng hóa, dịch vụ nên việc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt không có nhiều tác dụng. Không thể bắt người dân yêu và dùng hàng Việt vô điều kiện trong khi có quá nhiều sản phẩm khác tốt hơn. Người tiêu dùng không còn quá quan tâm đến giá cả mà chú ý nhiều đến chất lượng, an toàn. Vì vậy, hàng Việt muốn thắng được hàng Trung Quốc và hàng nhập khẩu thì phải có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá cạnh tranh...
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong: Nhanh chóng dựng “hàng rào”
Theo cam kết hội nhập, Việt Nam buộc phải mở cửa cho hàng Trung Quốc vào. Quan trọng là nhà nước cần phải lập hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng kém chất lượng tràn vào Việt Nam. Lâu nay, chúng ta có một số quy định kiểm soát hàng nhập khẩu nhưng còn rất lỏng lẻo, chưa có hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước.
Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các DN trong nước phải bảo đảm có hàng hóa tốt để nâng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về giá cả, chất lượng, mẫu mã. Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trước mắt chỉ làm gia tăng tính cạnh tranh về giá. Các DN xuất khẩu nên tìm và chuyển sang các thị trường xuất khẩu khác để giảm rủi ro do đồng NDT mất giá. Bên cạnh đó, có thể khai thác lợi thế nhập khẩu nguyên phụ liệu giá rẻ từ Trung Quốc...
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức: Nâng chất lượng nông sản Việt
So với 5 năm trước, hàng Trung Quốc đã giảm 40%-50% và không còn được ưa chuộng. Tuy nhiên, nông sản Trung Quốc lại có lợi thế là mẫu mã đẹp, đều nên vẫn còn đất sống. Ví dụ: cà rốt Đà Lạt lõi to, củ không đều, xấu, trong khi cà rốt Trung Quốc mẫu mã đẹp, lõi nhỏ, màu tươi.
Gừng Việt Nam khi giã làm nước mắm thì nước mắm bị đen, trong khi gừng Trung Quốc cho nước mắm màu vàng đẹp... Nông sản, trái cây Việt Nam dồi dào nhưng chưa chú ý chất lượng; nếu đầu tư thêm ở khâu trồng trọt, kỹ thuật canh tác để khắc phục những nhược điểm đó, nâng cao chất lượng nông sản sẽ tăng giá trị và người tiêu dùng sẽ ưa chuộng hơn.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM: Sức mạnh người tiêu dùng
Cuộc chiến giữa DN Việt, hàng Việt với DN ngoại, hàng ngoại ngày càng khốc liệt với phần thiệt nghiêng nhiều về phía DN Việt. Trong điều kiện thiếu thốn, thua thiệt, ngoài nỗ lực của các hệ thống phân phối, các DN nội cần tăng cường liên kết, phát huy nội lực, đào tạo nguồn nhân lực... để phát triển vững mạnh; cải tiến tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của người tiêu dùng giữ vai trò quyết định.
Lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc cho thấy trước khi khôi phục kinh tế, vươn lên thành một trong những quốc gia đi đầu về sản xuất thiết bị điện, điện tử, Hàn Quốc đã được sự hậu thuẫn lớn từ người tiêu dùng trong nước, Nhật Bản cũng vậy. Không thể đòi hỏi người Việt tin dùng hàng Việt một cách mù quáng nhưng trong một giới hạn nào đó, sự tin dùng, ủng hộ của người tiêu dùng sẽ tạo động lực cho DN phấn đấu.