Đây là ý kiến của ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM khi trao đổi với PV báo Tiền Phong về những vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho hàng Việt.
Vấn đề liên quan đến hàng Việt được nhiều người tiêu dùng quan tâm nhất chính là chất lượng sản phẩm. Theo ông, làm cách nào để biết hàng hóa đảm bảo, có chất lượng tốt trong thời buổi “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay?
Trăn trở về chất lượng của hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước không chỉ là vấn đề của người dân, mà còn là việc phải quan tâm các cơ quan nhà nước. Chúng ta thấy rằng, rất nhiều hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Tất cả muốn xuất khẩu đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao.
Thế nhưng hàng Việt bán trong nước có nhiều loại có chất lượng chưa đảm bảo. Minh chứng cụ thể là lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện nhiều mặt hàng có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật rất cao; các vụ ngộ độc thực phẩm cũng thường xuyên được phát hiện.
Điều đó cho thấy việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa đủ, hoặc cách thức, giải pháp của chúng ta chưa hiệu quả. TPHCM là thị trường rất lớn, hàng hóa từ các nơi trên cả nước đổ về nhiều. Việc kiểm tra, kiểm soát hết tất cả sẽ rất khó dù chúng ta có nhân rộng, tăng cao bộ máy kiểm tra thì cũng không thể nào đạt hiệu quả mong muốn 100%.
Nói một cách dân dã là chúng ta “thả gà ra vườn rồi đi đuổi bắt”. Thay vì vậy, chúng ta cần kiểm soát từ gốc, giống như các thị trường xuất khẩu đang làm, nghĩa là doanh nghiệp khi sản xuất hàng hoá phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và có chế tài ràng buộc.
Năm 2025, nhiều mặt hàng đưa vào siêu thị sẽ có logo “tick xanh trách nhiệm” để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Ảnh: Uyên Phương |
Trước đây, từng hệ thống phân phối có thể có kiểm tra, kiểm soát và có chế tài với nhà cung cấp nhưng nhà cung cấp vẫn tìm cách “lách”, sản xuất hàng hóa kém chất lượng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khi các hệ thống phân phối cùng đồng lòng, chỉ cần nhà cung cấp vi phạm với một hệ thống là có thể bị mất hợp đồng với tất cả cả hệ thống phân phối, nghĩa là mất toàn bộ thị trường.
Có như vậy, bản thân doanh nghiệp phải tính toán, sản xuất hàng hóa chất lượng tốt hơn. Điều quan trọng là khi nhà cung cấp đã làm sản phẩm tốt, thì nhà phân phối phải làm cho người tiêu dùng nhận biết đâu là hàng đảm bảo để có sự lựa chọn đúng.
Sở Công thương TPHCM đang phối hợp với các hệ thống phân phối đưa ra giải pháp “tick xanh trách nhiệm”. Đó là các logo, dấu hiệu nhận biết được dán trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết. Chúng tôi dự kiến đầu năm 2025 sẽ triển khai với một số mặt hàng như trái cây, rau củ quả, thực phẩm tươi sống… tại 8 hệ thống phân phối đã tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM. Ảnh: U.Phương |
Hiện nhiều mặt hàng ngoại nhập được kinh doanh rộng rãi tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp Việt cho biết, đang bị cạnh tranh không lành mạnh ngay trên sân nhà. Ông nghĩ sao về điều này?
Tình hình kinh tế thế giới có khó khăn, nên các quốc gia lớn cũng có những giải pháp đảm bảo thị trường gây tác động lớn với việc sản xuất, cung ứng hàng hóa của Trung quốc. Trung Quốc là thị trường sản xuất lớn, lại sát bên Việt Nam nên khi họ có một số khó khăn liên quan đến các thị trường khác thì họ lại tập trung khai thác các quốc gia lân cận. Với thế mạnh về thương mại điện tử, thời gian qua họ đã đưa nhiều hàng hóa tiêu dùng vào Việt Nam.
Trước tình hình đó, các bộ ngành trung ương, địa phương đã có nhiều giải pháp, cụ thể là Bộ Công thương phối hợp với các bộ ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra một số cảnh báo, yêu cầu đối với các đơn vị kinh doanh của nước ngoài. Và đã có những điều chỉnh kịp thời, phản ứng của một số đơn vị là họ đã tuân thủ với một số quy định của Việt Nam, giúp cho việc cạnh tranh lành mạnh hơn so với trước. Hoạt động của các doanh nghiệp Việt được đảm bảo.
Hàng Việt ngày càng được nâng cao về chất lượng và được người tiêu dùng tin dùng |
Tết Nguyên đán là mùa mua sắm lớn nhất trong năm, tại TPHCM, Sở có những chương trình gì để hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều hơn?
Sở Công Thương đang phối hợp cùng Công ty MVCPRO và các doanh nghiệp tổ chức chương trình bán hàng lưu động – bình ổn thị trường dịp Tết với chủ đề “Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương”. Chương trình đưa các sản phẩm chất lượng, uy tín của doanh nghiệp trong nước sản xuất đến tay người dùng. Dù chỉ mới triển khai những ngày đầu tiên nhưng doanh số kinh doanh rất khả quan, người tiêu dùng đến mua sắm rất tốt.
Bên cạnh hưởng ứng mùa mua sắm tập trung để triển khai mục tiêu xây dựng TPHCM thành trung tâm mua sắm, chương trình còn hướng đến việc chăm lo cho người lao động có thu nhập thấp, để ai cũng có thể yên tâm sắm Tết.
Bên cạnh những chương trình lớn của thành phố như khuyến mãi hàng hiệu, chương trình này ngoài các hàng hóa thiết yếu còn có nhiều sản phẩm có thương hiệu, hàng hóa cao cấp được doanh nghiệp hưởng ứng tham gia và có giá khuyến mãi thực chất lên đến 60% giúp người tiêu dùng, người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được các mặt hàng này. Chúng tôi đánh giá rằng, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp với sản phẩm chất lượng, ưu đãi tốt sẽ thu hút thêm doanh nghiệp tham gia các chương trình tới đây.
Chúng tôi cũng phối hợp với các quận huyện theo dõi sát thị trường, bất cứ một dấu hiệu nào về thay đổi, điều chỉnh giá bất thường sẽ có những can thiệp kịp thời. Sở cũng cùng các doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng chương trình Tinh hoa hàng Việt Nam, Tự hào hàng Việt Nam cũng như hưởng ứng cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ để hỗ trợ doanh nghiệp tăng bán hàng.
Cảm ơn ông!