Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường mua sắm Tết

TPO - Tết Nguyên đán 2025 đã cận kề, thị trường hàng hóa trở nên nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Trong năm, thủ phủ công nghiệp Bình Dương chịu ảnh hưởng bởi địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, thị trường hàng Tết không vì thế mà kém sôi động. Hàng hóa trong nước của các doanh nghiệp Việt ngày càng cải thiện từ mẫu mã đến chất lượng hứa hẹn thu hút khách nội địa.

Hàng Việt ưu tiên lên kệ

Hàng hóa phục vụ Tết với thương hiệu quen thuộc trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Orion, Hải Hà... chiếm tỷ lệ áp đảo so với hàng ngoại nhập cả về mẫu mã và số lượng.

Khảo sát tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương như Co.oopmart, Aeon mall, Big C, Vinmart... cho thấy, hàng Tết đã được bày bán với nhiều mẫu mã, mức giá khác nhau, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina cho biết, nhà máy tại Bình Dương phục vụ chủ yếu tiêu dùng trong nước, có mặt trên kệ hàng tại các siêu thị.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị dự kiến doanh số Tết Ất Tỵ 2025 tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Năm nay, Saigon Co.op chọn chủ đề “Đến Co.op chở Tết về” với những chuỗi hoạt động đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc. Kéo dài trong 59 ngày (từ 1/12/2024 – 28/1/2025), tại 800 điểm bán của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife, Cheers, Sense City, Sense market sẽ đưa khách hàng trải nghiệm không gian Tết truyền thống với phiên chợ Tết 3 miền, các gian hàng OCOP của các tỉnh thành, đặc sản vùng miền.

Sản xuất tại nhà máy bánh Orion Bình Dương

Điều khác biệt của giỏ quà Tết năm nay là các giỏ quà đã ưu tiên cho hàng Việt Nam chất lượng cao và được thiết kế riêng đẹp mắt. Hiện tại, Trung tâm Thương mại Aeon Bình Dương đã bày bán các loại giỏ quà tết. Các sản phẩm đặc trưng ngày Tết như bánh, mứt, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, trà, rượu… trong đó hàng nội địa chiếm ưu thế, giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/giỏ, phù hợp túi tiền của người tiêu dùng.

“Aeon Mall đã chuẩn bị lượng hàng hóa Tết lớn. Chúng tôi bảo đảm cung ứng đủ và bình ổn giá cả các mặt hàng trong thời gian từ nay đến Tết, tăng cường thêm các mặt hàng tiêu thụ mạnh như lương thực, thực phẩm tươi sống, nước giải khát, bánh kẹo…”, đại diện Siêu thị Aeon Mall Bình Dương cho biết.

Người dân mua sắm tại Siêu thị CoopMart Bình Dương

Triển khai đưa hàng Việt lên xe lưu động

Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết trong những tháng cuối năm 2024, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến thất thường, mưa bão, lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Những yếu tố bất lợi của thời tiết gây thiệt hại trực tiếp đến điều kiện sản xuất nông sản của người dân, có khả năng gây mất cân đối cung cầu, tăng giá bán hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu…

“Nhằm ứng phó với những khó khăn nói trên, đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành thị trường, dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết, ngành công thương tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ người dân, trong đó tập trung vào giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025. Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ triển khai thực hiện từ ngày 1/12/2024 đến hết quý I/2025”- bà Duyên cho biết.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết thêm, đang khuyến khích hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình bán hàng lưu động đưa hàng Việt về các xã vùng nông thôn, các khu, cụm công nghiệp phục vụ người dân lao động; vận động các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình hội chợ triển lãm thương mại hàng Việt, Tuần lễ hàng Việt gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo kế hoạch, tổng trị giá hàng hóa dự trữ trong năm 2025 của Bình Dương ước đạt 13.725 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2024; trong đó, riêng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán là 2.750 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, các chợ trên địa bàn tỉnh cũng dự kiến dự trữ hàng hóa trị giá 248 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2024. Hàng hóa dự trữ gồm: lương thực như gạo, nếp, thực phẩm chế biến đường, sữa, dầu ăn, nước chấm, bánh mứt, kẹo...; thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau củ quả. Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã huy động sự tham gia của 17 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh và cam kết không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hay tăng giá đột biến.

"Ngoài việc duy trì và củng cố các kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Sở tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để hỗ trợ cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp phân phối hiện đại với truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa"- Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương.