Hơn một tuần nay, căn nhà của vợ chồng anh Bùi Văn Thanh ở ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, Tây Ninh biến thành nơi trú ngụ của hàng triệu con côn trùng có tên là “đậu đen”. Trưa ngày 16.5 khi chúng tôi đến thăm, vợ chồng anh Thanh đang ngồi ngoài bóng cây ngóng vào nhà.
Trước cửa nhà anh hàng triệu con “đậu đen” nằm cả lớp trên đường đất đỏ, nhìn cứ như đường vừa được nâng cấp trải nhựa. Trong sân nhà anh Thanh, cả một thau đầy ắp đậu đen được chủ nhà đem phơi nắng để diệt cho chúng chết.
Trong nhà, vô vàn con “đậu đen” bò lổm ngổm khắp nơi. Trên vách nhà, trong tủ quần áo, trong mùng, mền, chiếu, gối... đâu đâu cũng thấy lúc nhúc loài vật cánh cứng, màu đen, nhỏ bằng hạt đậu cực kỳ phiền toái ấy. Quan sát kỹ, chúng tôi không thấy chúng gặm nhấm hay có hoạt động gì bất thường. Chúng cũng không cắn phá mùa màng hay gây dịch bệnh. Chúng chỉ bò khắp nơi, đem theo mùi hôi đặc trưng rất khó chịu.
Ông Đặc liên tục phải đốt đổ bọ đầu đen ra sân
Anh Thanh cho biết, hơn một tuần nay, cứ khoảng 2 - 3 giờ sáng là hàng triệu con “đậu đen” không biết từ đâu cứ bay rào rào vào nhà. Sáng ra, anh mua thuốc diệt côn trùng về xịt nhưng xem ra chẳng ăn thua gì. Anh đã xịt cả chục bình thuốc diệt côn trùng rồi mà không tiêu diệt nổi chúng, anh đã phải dùng thau hốt chúng đổ ra đường, tính đến giờ đã 45 thau rồi mà vẫn không hết.
Anh chỉ thau “đậu đen” đang để giữa sân nói: “Thau đó tôi mới hốt xong, chờ phơi nắng xem chúng có chết không rồi quét dọn tiếp. Mấy ngày nay, không ăn, ngủ gì được. Chịu hết nổi, mấy đứa con tôi phải về nhà bà ngoại ở xã Trà Vong, sống nhờ. Vợ chồng tôi ở lại chiến đấu với chúng. Đây là năm đầu tiên tôi bị con “đậu đen” vào nhà, chứ mấy năm trước không có”.
Đối diện nhà anh Thanh phía bên kia đường 785 là nhà của ông Đào Văn Đặc, 75 tuổi. Gia đình ông Đặc cũng đang khổ sở vì vấn nạn “đậu đen”. Ông Đặc kể: “Đã 5 năm rồi, năm nào cũng vậy, cứ một tháng trước mùa mưa là cả lũ chúng nó bay vào nhà tôi, đến khi mưa già tự nhiên hết. Hơn một tháng nay, tôi đã gom hai chục bao diêm “đậu đen”, phải đem đổ ra sân đốt thì chúng mới chết”.
Hiện tại, nhà ông Đặc cũng như nhà anh Thanh, đâu đâu cũng thấy con “đậu đen”. Ông lắc đầu ngán ngẩm: “Tối ngủ, tôi phải lấy mền tấn giáp vòng trong mùng nhưng chưa đêm nào yên giấc. Chúng cứ chen vào mùng, rồi bò lên người, gây ngứa ngáy, nhột nhạt không sao chịu nổi.
Mỗi ngày, tôi quét dọn chúng đến 4 - 5 lần nhưng vẫn không sao gom hết được”. Bị loài côn trùng khó chịu quấy rối quá mức, ông Đặc đánh liều dùng thuốc rầy phun khắp nhà, chấp nhận sống trong môi trường đầy hơi độc như thế. Thế mà lũ “đậu đen” có vẻ không suy suyễn, vẫn bám lấy căn nhà của ông lão tội nghiệp.
Cách nhà ông Đặc vài trăm mét cũng có một căn nhà đang đóng cửa, chủ nhà đã bỏ đi nơi khác vì không chịu nổi “lũ giặc đậu đen”. Đó là nhà của anh Nguyễn Văn Tý, 40 tuổi. Bà Nguyễn Thị Nhúm, 68 tuổi, ở cạnh nhà anh Tý cho biết: “Hai ba năm nay, cứ vào khoảng thời gian này là con “đậu đen” kéo nhau bay vào nhà thằng Tý.
Chịu không nổi, nó bỏ nhà đi cả tuần mới về một chút rồi lại đi tiếp”. May sao, nhà bà Nhúm không bị lũ “đậu đen” chọn làm điểm hẹn từ đầu như nhà anh Tý. Tuy nhiên rốt cục bà cũng không khỏi bị vạ lây. Bởi khi số lượng tăng lên quá nhiều, lũ “đậu đen” đã tràn qua nhà bà.
Đêm nào chúng cũng bay xào xào trên nóc nhà, rồi rớt xuống, bò tùm lum. Bà Nhúm dẫn chúng tôi ra đám đất trống trước cửa nhà chỉ cho xem lớp lớp “đậu đen” bà đang phơi nắng, chờ cho chết rồi đem đổ ra đồng làm phân bón.
Một đặc điểm chung của ba căn nhà bị “giặc đậu đen” tấn công, hoành hành nói trên là đều có liên quan đến chất liệu mộc. Nhà của anh Thanh phần dưới vách đất, phần trên là manh bồ, mái lợp tranh. Nhà của ông Đặc mái lợp ngói, vách ván. Còn nhà của anh Tý thì mái tôn, vách ván.
Không biết có phải vật liệu gỗ là thức ăn ưa thích của lũ “đậu đen”? Nhưng nếu giải thích như vậy thì cũng có điều chưa thoả, bởi không phải tất cả các nhà có vật liệu gỗ đều bị “đậu đen” tấn công. Sát bên cạnh những căn nhà nêu trên, còn có nhiều nhà khác cũng làm bằng vách ván, cửa gỗ nhưng không hề bị chúng “dòm ngó” đến.
Tình trang “đậu đen” xuất hiện, quấy rối cuộc sống sinh hoạt của người dân không phải bây giờ mới có. Những năm trước, Báo Tây Ninh cũng từng nhiều lần đưa tin về hiện tượng bất thường này nhưng cho đến nay, tình hình vẫn chưa có gì thay đổi, thậm chí số lượng “đậu đen” còn tăng lên một cách đáng lo ngại.
Chẳng biết đây là điều “bí ẩn” gì và nguyên nhân nào dẫn đến- liệu có phải là do môi trường ô nhiễm mà sinh ra hay không; thiết nghĩ các ngành chức năng cũng nên tìm hiểu, nghiên cứu, để có hướng xử lý thích hợp, trả lại cuộc sống bình thường, yên ổn cho người dân trước khi lũ “giặc đậu đen” phát triển đến mức không thể kiểm soát.