Hàng trăm tỷ đồng lắp hộp đen để làm gì?

Cán bộ trạm đăng kiểm Giải Phóng kiểm tra trên thiết bị máy tính về các dữ liệu hộp đen. Ảnh: Minh Đức
Cán bộ trạm đăng kiểm Giải Phóng kiểm tra trên thiết bị máy tính về các dữ liệu hộp đen. Ảnh: Minh Đức
TP - Đến nay, đã có gần 100% ô tô chở khách chạy tuyến cố định, xe chở khách theo hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe chở container... lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) theo quy định. Nhưng cơ quan chức năng vẫn “loay hoay” trong việc xử phạt phương tiện vi phạm từ dữ liệu hộp đen.

Bài 1: Loay hoay xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, theo báo cáo của các Sở GTVT, hầu hết các phương tiện thuộc diện phải lắp đặt thiết bị hộp đen đã thực hiện xong việc lắp đặt.

Tính đến hết ngày 22/5/2014, trên hệ thống thông tin giám sát hành trình của Tổng cục ĐBVN đã tiếp nhận dữ liệu của 54.903 xe (theo quy định, các phương tiện thuộc diện phải lắp hộp đen có khoảng 56.000 xe). Trong khi đó, mỗi chiếc hộp đen trên thị trường có giá từ 4 đến 7 triệu đồng. Với gần 55.000 phương tiện đã lắp đặt, số tiền mua hộp đen lên tới trên 300 tỷ đồng. 

Hàng trăm tỷ đồng lắp hộp đen để làm gì? ảnh 1 Doanh nghiệp tốn hàng trăm tỷ đồng để lắp hộp đen

Với mục tiêu chấn chỉnh hoạt động của các phương tiện và đơn vị vận tải, Tổng cục ĐBVN gửi số liệu vi phạm về các địa phương và đề nghị tài xế vi phạm nhiều lần sẽ rút giấy phép lái xe, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm thông qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, đến nay, dường như cơ quan chức năng lại chưa có chế tài rõ ràng để xử lý vi phạm dựa vào dữ liệu hộp đen. Nhiều cán bộ Tổng cục ĐBVN, Sở GTVT, CSGT khi trả lời phóng viên tỏ ra lúng túng và mâu thuẫn nhau về phương án xử lý các phương tiện vi phạm.

Khó xử lý từ dữ liệu hộp đen

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vận tải (Tổng cục ĐBVN) cho biết, hiện sở GTVT các tỉnh có thể giám sát được các phương tiện thuộc diện bắt buộc phải lắp hộp đen, đồng thời Tổng cục ĐBVN cũng gửi dữ liệu để các sở phối hợp xử lý. Thiết bị hộp đen hiện chủ yếu giám sát về tốc độ, song cũng chưa thể thống kê cụ thể được có bao nhiêu trường hợp vi phạm. 

“Phải loại trừ quãng đường các phương tiện chạy trên đường cao tốc. Ví dụ, trường hợp xe khách 30 chỗ trở lên chỉ cho phép chạy tốc độ giới hạn là 80km/h, nhưng khi lưu thông trên đường cao tốc lại được phép chạy tới 100km/h nên gây khó khăn trong việc trích xuất dữ liệu xử lý vi phạm” - ông Thủy lý giải.

“Quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là của ngành GTVT. Chưa có cơ quan nào, văn bản nào quy định cho phép ngành công an xử lý và đang là điều bất cập cho chúng tôi”.

Đại tá Trần Văn Luân, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nam Định

Ông Nguyễn Văn Hanh, Chánh Thanh tra Sở GTVT Ninh Bình, lại cho rằng, liên quan đến các phương tiện chạy quá tốc độ, thanh tra giao thông không có thẩm quyền xử phạt. Đơn vị có nhận được số liệu trích xuất và trực tiếp quan sát trên thiết bị giám sát hành trình, nhưng mới dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành trình, chạy có đúng tuyến, bỏ tuyến hay không; ngay cả số lần mở - đóng cửa cũng không thể xử lý được.

“Khi tiến hành xử lý, nhiều tài xế viện dẫn do hành khách có nhu cầu vệ sinh và nhiều trường hợp cấp bách bất khả kháng nên không thể dựa vào số lần đóng mở cửa để xử phạt” - ông Hanh nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một tài xế tên Nam chuyên điều khiển xe khách tuyến Kim Sơn - Hà Nội cũng cho biết, nếu vi phạm tốc độ, dừng đỗ không đúng quy định sẽ bị lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, TTGT xử phạt tại chỗ, chứ chưa bị xử lý từ dữ liệu hộp đen bao giờ. Theo tài xế Nam, chiếc xe khách 30 chỗ mà anh đang điều khiển đã được gần 1 năm, từ khi lắp hộp đen đến nay chưa thấy ai ngó ngàng tới thiết bị này.

“Chẳng đâu vào đâu cả”

Liên quan đến sự phức tạp trong phương án xử lý, đại tá Trần Văn Luân (Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nam Định) cho rằng, việc bắt buộc một số loại phương tiện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình “chẳng đâu vào đâu cả”. “Quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là của ngành GTVT. Chưa có cơ quan nào, văn bản nào quy định cho phép ngành công an xử lý và đang là điều bất cập cho chúng tôi” – đại tá Luân nói.

Hàng trăm tỷ đồng lắp hộp đen để làm gì? ảnh 2 CSGT vẫn chủ yếu xử phạt tại chỗ, vì chưa có chế tài xử lý vi phạm từ dữ liệu hộp đen

Đại tá Luân phân tích, lắp đặt mà không có phương án khai thác, quản lý được, xử lý vi phạm cũng không được thì chỉ tốn tiền doanh nghiệp. Điều này dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp vận tải lắp hộp đen chỉ để đối phó, kéo theo đó là nhà sản xuất cũng sản xuất hàng kém chất lượng để bán giá rẻ. Thứ hai, trường hợp xử lý từ dữ liệu hộp đen, hình ảnh phải có giá trị pháp lý mới thực hiện được. Nếu xử lý bừa bãi, tài xế kiện thì giải quyết ra sao? “Chốt lại là nó rất bất cập, lãng phí” – ông Luân nói.

Cũng theo đại tá Luân, CSGT Nam Định chưa xử lý bất cứ trường hợp nào liên quan đến dữ liệu từ hộp đen. Đơn vị này cũng chưa được trang bị thiết bị trích xuất, cũng không có thiết bị quản lý phương tiện nên không thể xử lý được.

Một cán bộ CSGT (Công an tỉnh Hà Nam) cũng cho biết, đơn vị không nhận được thiết bị trích xuất dữ liệu và cũng chưa được Tổng cục ĐBVN cung cấp dữ liệu để xử phạt. Hiện CSGT tỉnh này vẫn dùng súng bắn tốc độ để xử lý đối với phương tiện chạy quá tốc độ.

Về phía Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, ông Nguyễn Văn Chiêu (Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Phòng 6) cũng cho biết đơn vị chưa xử lý trường hợp phương tiện nào vi phạm căn cứ từ dữ liệu hộp đen, có chăng chỉ kiểm tra với trường hợp phương tiện tai nạn.

Tính đến hết ngày 22/5/2014, đã có 54.903 phương tiện lắp đặt hộp đen (theo quy định, các phương tiện thuộc diện phải lắp đặt khoảng 56.000 xe). Trong khi đó, mỗi chiếc hộp đen trên thị trường có giá từ 4 đến 7 triệu đồng. Với gần 55.000 phương tiện đã lắp đặt, số tiền mua hộp đen lên tới trên 300 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG