Hàng trăm nhân viên trường học bất ngờ bị ngưng lương: Vô số lúng túng

Việc trả lương cho nhân viên cấp dưỡng trường học hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa tại TT-Huế tiếp tục gặp khó khăn, lúng túng dù có văn bản hướng dẫn mới.
Việc trả lương cho nhân viên cấp dưỡng trường học hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa tại TT-Huế tiếp tục gặp khó khăn, lúng túng dù có văn bản hướng dẫn mới.
TP - Liên sở Tài chính và GD&ĐT tỉnh TT-Huế vừa ban hành công văn hướng dẫn các đơn vị liên quan dùng nguồn thu xã hội hóa để trả lương cho nhân viên cấp dưỡng (NVCD) và yêu cầu phải đóng BHXH cho đội ngũ này, sau khi báo Tiền Phong đăng bài “TT-Huế: Hàng trăm nhân viên trường học bất ngờ bị ngưng lương”. Tuy nhiên, việc trả lương cho nhân viên tiếp tục gặp vô số lúng lúng.

Công văn 3060 hướng dẫn về lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, do liên sở Tài chính và GD&ĐT tỉnh TT-Huế ban hành ngày 30/11 vừa qua yêu cầu tất cả các địa phương, cơ sở giáo dục phải thực hiện nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cho người lao động. Trước khi báo Tiền Phong lên tiếng và liên sở ban hành Công văn 3060, riêng huyện Phú Vang không đóng BHXH cho NVCD, còn tại huyện Phú Lộc chỉ có 3 trường đóng BHXH cho đội ngũ này.

Tại văn bản hướng dẫn lần này, vấn đề giải quyết lương, tiền công cho NVCD trường công lập cũng được đặt ra. Trước đó, do Quyết định 1722 (quy định tạm thời mức thù lao cho hợp đồng nhân viên vụ việc và hợp đồng giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập) không bảo đảm tính pháp lý sau 6 năm thực hiện, UBND tỉnh TT-Huế quyết định hủy bỏ, dẫn đến hàng trăm NVCD bị ngưng lương.

Tuy nhiên, việc trả lương cho đội ngũ này vẫn tiếp tục gặp những lúng lúng sau khi văn bản hướng dẫn mới ra đời. Theo đó, kinh phí hợp đồng NVCD phải lấy từ nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh và nguồn thu hợp pháp khác. Riêng các trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn, nếu nguồn thu đóng góp từ phụ huynh học sinh không đủ chi phí phục vụ cho hoạt động bán trú, UBND cấp huyện phải báo cáo HĐND cùng cấp quy định mức chi và hỗ trợ kinh phí từ năm 2018 trở đi…

Nhiều địa phương, trường học trên địa bàn hiện “kêu” khó và rất lúng túng trong thực hiện hướng dẫn mới. Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều trường học tại TT-Huế dù không nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn, nhưng với đặc thù địa bàn nông thôn, miền núi, bãi ngang đầm phá, trẻ đi mẫu giáo chủ yếu là con em nông dân, thu nhập chủ yếu dựa vào củ khoai, hạt thóc, con tôm, con cá… nên việc huy động đóng góp, hoặc tăng mức huy động để trả lương cho NVCD là bất khả thi.

Đơn cử như tại thị trấn Phú Đa (trung tâm huyện lỵ Phú Vang), giáo viên và phụ huynh ở đây đều “kêu” khó khi thực hiện Công văn 3060. “Tiếng là thị trấn huyện lỵ, nhưng phần lớn dân số vùng này hoạt động nông nghiệp, việc huy động đóng góp lâu nay rất khó khăn. Chưa kể, bây giờ đang giữa năm học, việc tăng mức đóng góp là không hề dễ dàng, dễ khiến phụ huynh phản ứng tiêu cực, cho là lạm thu”, một cán bộ trường Mầm non Phú Đa 1 bày tỏ. Được biết, tại trường Mầm non Phú Đa 1 hiện có 5 NVCD, làm việc từ sáng đến chiều tối, mức lương 1,950 triệu đồng/người/tháng, cộng thêm chỉ tất tật 1 suất lương từ ngân sách (tương đương 1,3 triệu đồng/tháng) dùng chia đều cho 5 người này. Khoản lương từ ngân sách này hiện đã bị cắt.

Do phải dừng trả lương bằng ngân sách cho NVCD, theo Công văn 3036, để bảo đảm thu nhập vốn đã ít ỏi dành cho đội ngũ này, nhà trường không còn cách nào khác là phải tăng thu từ nguồn xã hội hóa, nhưng xem ra rất khó thực hiện vì đời sống, thu nhập của phần đông phụ huynh vùng nông thôn (dù không thuộc xã bãi ngang, xã miền núi đặc biệt khó khăn) vẫn còn eo hẹp. Do đó, phương án trả lương cho NVCD chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa thu từ đóng góp của phụ huynh vùng nông thôn theo Công văn 3060 đang trở thành vấn đề lúng túng, nan giải chung của nhiều địa phương, cũng như hàng loạt trường công lập toàn địa bàn TT-Huế.   

MỚI - NÓNG