Tại Tây Ban Nha, khoảng 510 người đã thiệt mạng vì nắng nóng từ ngày 10/7 đến ngày 16/7, theo số liệu của Viện Carlos III. Trong đó, 16/7 là ngày chết chóc nhất với 150 người tử vong.
Ngày 18/7, nhiệt độ ở một số khu vực của Tây Ban Nha đã vượt quá 43 độ C. Trước đó, có một số khu vực ghi nhận mức nhiệt 45 độ C. Theo các quan chức, những vụ cháy do nắng nóng đã phá hủy từ 12.000 đến 15.000 héc ta rừng và khiến khoảng 3.000 người phải sơ tán.
Nắng nóng đặc biệt ảnh hưởng đến người cao tuổi, với 321 trong số 510 nạn nhân từ 85 tuổi trở lên, 121 người từ 75 đến 84 tuổi và 44 người từ 65 đến 74 tuổi.
Tuy nhiên, những trường hợp tử vong cũng được báo cáo trong nhóm dân số trẻ hơn, bao gồm cả hai công nhân thành phố Madrid thiệt mạng vì say nắng. Điều này đã thúc đẩy tòa thị chính áp dụng giờ làm việc linh hoạt hơn, để người lao động có thể tránh làm việc ngoài trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.
Đây là đợt nắng nóng thứ hai của Tây Ban Nha trong mùa hè năm nay. Đợt trước đó, từ ngày 11 đến ngày 17/6, khiến 829 người thiệt mạng.
Tại Bồ Đào Nha, thời tiết khắc nghiệt đã cướp đi sinh mạng của 659 người trong tuần qua, hầu hết là người cao tuổi.
Đất nước này cũng đang hứng chịu những trận cháy rừng kinh hoàng. Ngày 15/7, một phi công thiệt mạng trong vụ tai nạn liên quan đến máy bay chữa cháy.
Tại Pháp và Hy Lạp, mức nhiệt được ghi nhận cũng đã vượt quá 40 độ C. Bộ Y tế Pháp cho đến nay vẫn chưa chia sẻ thông tin về thương vong do đợt nắng nóng, nhưng dự kiến sẽ thống kê vào cuối tháng. Ngày 20/7, nhiệt độ dự kiến sẽ giảm ở cả Pháp và nước láng giềng Anh.
Tại Anh, cơ quan khí tượng đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục vào ngày 19/7, lên đến 40 độ C lần đầu tiên kể từ năm 1922. Vào lúc 12h50’ trưa, nhiệt độ đo được tại sân bay Heathrow (London) lên tới 40,2 độ C. Cơ quan y tế Anh đã cảnh báo về những ca tử vong không thể tránh khỏi do các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng. Khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao ở nhiều khu vực, người Anh đã được cảnh báo chỉ nên đi ra ngoài khi “thực sự cần thiết”.