Hàng trăm container phế liệu nhập khẩu ở TPHCM: Mất hai năm để tiêu hủy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với tốc độ tiêu hủy mỗi ngày chỉ được 1 container, các cơ quan chức năng phải mất gần 1 năm để tiêu hủy hết 357 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển ở TPHCM.

Mỗi ngày chỉ đốt được 1 container

Ngày 7/4, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan KV1, thuộc Cục Hải quan TPHCM) cho biết, sau 2 tuần thực hiện kế hoạch tiêu hủy 357 container phế liệu tồn đọng vì không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường, cơ quan chức năng mới xử lý được 15 container. Đây là số container phế liệu phải tiêu hủy đợt 1 trong kế hoạch tiêu hủy 682 container phế liệu của 28 hãng tàu theo quyết định của Tổng cục Hải quan. Số còn lại dự kiến sẽ tiếp tục tiêu hủy trong năm 2023.

Hàng trăm container phế liệu nhập khẩu ở TPHCM: Mất hai năm để tiêu hủy ảnh 1

Công nhân đang tiêu hủy phế liệu

Số phế liệu tiêu hủy đợt 1 này do 10 hãng tàu nước ngoài đưa về cảng biển tại TPHCM từ nhiều năm trước nhưng không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường nên không được làm thủ tục thông quan, nhập khẩu. Sau nhiều năm tồn đọng gây ùn tắc tại cảng Cát Lái, các hãng tàu cũng không thể tái xuất nên cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy, toàn bộ chi phí tiêu hủy do hãng tàu chịu.

“Trong số 682 container phế liệu tồn đọng của 28 hãng tàu, hiện 18 hãng vẫn chưa có phản hồi về yêu cầu tiêu hủy. Nếu các hãng tàu không hợp tác xử lý, chúng tôi đã đề xuất Cảng vụ Hàng hải không cho tàu của hãng đó cập cảng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định pháp luật nào về việc áp dụng chế tài này nên Cảng vụ đang báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để xin ý kiến”.

Ông Nguyễn Thanh Long

Trong số 10 hãng tàu phải tiêu hủy phế liệu lần này, hãng tàu Maersk Việt Nam có lượng phế liệu buộc tiêu hủy nhiều nhất với 112 container, trọng lượng 2.360 tấn; HMM Shipping Việt Nam có 69 container với hơn 1.313 tấn, CMA-CGM Việt Nam có 54 container với gần 1.162 tấn…

“Theo quy định, các hãng tàu phải ký hợp đồng trực tiếp với các Cty xử lý rác thải, môi trường và phải chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc tiêu hủy. Trong quá trình tiêu hủy, các hãng tàu phải phối hợp, cử người có thẩm quyền chứng kiến việc bàn giao hàng hóa, giám sát công tác tiêu hủy”, ông Long nói.

Để phòng các trường hợp tẩu tán hàng hóa trước khi tiêu hủy, Chi cục Hải quan KV1 cũng đã phân công 4 tổ công tác thực hiện giám sát việc tiêu hủy. Theo ông Long, tổ giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ từ cảng, nơi hàng hóa đi, lập biên bản bàn giao cho Cty xử lý môi trường.

Hiện nay việc tiêu hủy được thực hiện theo hình thức ép, cắt xay, đốt trong lò đốt 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải. Tuy nhiên, công suất tiêu hủy tại các nhà máy hiện nay rất thấp, mỗi ngày chỉ xử lý được 1 container nên thời gian tiêu hủy sẽ kéo dài. Với 357 container loại 40 feet của 10 hãng tàu này, dự kiến sẽ mất gần một năm mới tiêu hủy xong. “Việc tiêu hủy tốn rất nhiều thời gian, công sức, chưa kể tác động đến môi trường do đốt phế liệu nhựa, bao bì... Dự kiến đến tháng 11/2022 mới hoàn thành việc tiêu hủy 357 container này”, ông Long thông tin.

Cần phương án tối ưu

Theo Cục Hải quan TPHCM, số container phế liệu phải tiêu hủy đợt này thuộc nhóm hơn 1.100 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường tồn đọng tại cảng biển ở TPHCM từ năm 2017 đến nay.

Việc xử lý các container phế liệu này gặp rất nhiều khó khăn do chưa có quy định rõ ràng, các biện pháp chế tài đối với hãng tàu, doanh nghiệp nhập khẩu cũng còn mơ hồ. Năm 2021, cơ quan chức năng buộc các hãng tàu tái xuất số hàng này về nơi xuất khẩu ban đầu. Sau đó các hãng tàu tái xuất được 419 container trong vòng khoảng hơn 1 tháng. Số còn lại 682 container của 28 hãng tàu hết thời hạn tái xuất mà các hãng tàu không xuất được nên Tổng cục Hải quan buộc tiêu hủy.

Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu hủy hàng trăm container này đang gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và nhân lực của các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, việc đốt phế liệu nhựa, túi nilong… có nguy cơ tác động đến môi trường. “Hiện chúng tôi đang đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, thành (nơi đốt phế liệu) đánh giá tác động môi trường để kiến nghị lên Tổng cục Hải quan có phương án khác để đẩy nhanh tiến độ xử lý”, ông Long cho biết.

Liên quan đến vấn đề môi trường khi tiêu hủy phế liệu bằng phương pháp đốt, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường - Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, phương pháp đốt bằng lò đốt 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải thì sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc tiêu hủy này sẽ gây lãng phí vì số phế liệu này vẫn có thể xuất đi các nước khác vì quy định của họ có thể sẽ cho nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho hay, các lò đốt rác được chọn để tiêu hủy phế liệu đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đốt rác công nghiệp. Do đó, khí thải được xử lý trước khi thải ra môi trường để đảm bảo không gây hại cho môi trường.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan KV1 cho rằng, việc tiêu hủy phế liệu như hiện nay là biện pháp cuối cùng, nếu có cơ chế cho các hãng tàu tái xuất đi nước thứ 3 thì việc xử lý sẽ nhanh hơn, tiết kiệm hơn và đảm bảo vệ sinh môi trường hơn.

“Giải pháp đơn giản nhất, nhanh nhất là cho các hãng tàu tái xuất đi nước thứ 3, bất cứ nước nào cũng được miễn là đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Như vậy vừa nhanh vừa không tốn chi phí tiêu hủy lại đảm bảo không gây tác động đến môi trường do khí thải của việc đốt tiêu hủy các loại phế liệu này”, ông Nguyễn Thanh Long đề xuất.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.