Hàng trăm cây xanh ở Gia Lai bị chết khi di dời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng trăm cây xanh hơn 30 năm tuổi ở TP.Pleiku (Gia Lai) bị chết khi UBND thành phố này di thực, để xây dựng các tuyến đường nội đô.

Ngày 31/1, ông Đặng Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.Pleiku cho biết, thành phố đã báo cáo Thường trực Thành ủy Pleiku về việc nhiều cây xanh bị chết bởi di thực khi thực hiện xây dựng các tuyến đường nội đô.

Hàng trăm cây xanh ở Gia Lai bị chết khi di dời ảnh 1

Hàng trăm cây xanh lớn bị chết khô khi di dời ở Gia Lai

Theo báo cáo, từ năm 2020-2022, thành phố triển khai đầu tư xây dựng, mở rộng một số tuyến đường như Lý Thái Tổ, Lê Đại Hành và đường Quyết Tiến. Trong quá trình di dời, một số cây xanh bị chết, chủ yếu là thông, dầu. Nguyên nhân được xác định, khi di dời cây đã lớn, đường kính gốc lớn, bộ rễ đã phát triển mạnh, dễ bị tác động trong khi yêu cầu tiến độ thực hiện các dự án phải di dời nhanh.

Theo tìm hiểu, những cây xanh sau khi di dời được đưa ra xã Trà Đa (sát nghĩa trang TP.Pleiku) để trồng và chăm sóc. Ước tính số cây di dời về đây lên đến hàng trăm cây. Đa phần những cây di dời đều có đường kính trên 20cm. Cành, ngọn đã bị cắt cụt.

Tại khu vườn tạm, có đến hàng trăm cây di thực bị chết. Nhiều cây vỏ đã bong tróc, thân nứt nẻ, mục rỗng. Một số cây chết khô, ngã đổ xuống đất. Xung quanh cỏ mọc um tùm, xâm lấn. Bên cạnh nhiều cây chết, một số cây di thực lá mọc xanh, phát triển khá tốt.

Hàng trăm cây xanh ở Gia Lai bị chết khi di dời ảnh 2

Việc di dời các cây xanh được các công ty tư nhân thực hiện

Ông Đặng Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.Pleiku cho biết, dự án xây dựng các tuyến đường nội đô được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Pleiku (viết tắt BQL TP.Pleiku) làm chủ đầu tư. Mỗi tuyến đường có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, như đường Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ… đều trên 50 tỷ đồng. Việc di dời cây xanh được chủ đầu tư ký hợp đồng với các công ty tư nhân thực hiện.

Tại "Dự án xây dựng, mở rộng đường Lê Đại Hành - TP.Pleiku", theo báo cáo của chủ đầu tư BQL TP.Pleiku, số lượng cây di dời 294 cây (286 cây dầu, 7 cây sao, 1 cây hoàng yến). Về quy trình di dời, trước khi đào bó bầu dịch chuyển, đơn vị thi công cắt gọn tán cây, bó bầu thủ công.

Sau khi đào xong họ dùng lưới bó bầu lại, cắt bỏ các phần rễ xung quanh để lấy cây. Tiếp đó, họ dùng cẩu vận chuyển cây lên xe và di chuyển ra xã Trà Đa, trồng cây tại các vị trí hố đã được đào sẵn, lấp đất, bón phân, bảo dưỡng cây hàng ngày.

Về trách nhiệm để cây xanh bị chết, ông Đặng Toàn Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.Pleiku, cho biết: “Trách nhiệm về cây xanh di dời trên các tuyến đường thuộc BQL TP.Pleiku, trong hợp đồng có trách nhiệm của các đơn vị trúng thầu di dời”.

Vậy ai sẽ bồi thường cho những cây xanh bị chết trên? Theo ông Thắng, cây xanh tại các dự án do BQL TP.Pleiku di dời, chăm sóc trong 1 năm. Do đó, thành phố sẽ kiểm tra công tác bảo hành của chủ đầu tư hoặc đơn vị trúng thầu di dời trong các hợp đồng.

Ông Hoàng Minh Nghĩa, Giám đốc BQL TP.Pleiku cho biết, việc các cây xanh bị chết khi di dời là do áp lực tiến độ thi công các dự án.

“Trước khi di thực một cây xanh, ít ra phải chuẩn bị trước 2 năm. Phải đào gốc, bọc rễ lại, 6 tháng sau, rễ non mọc lên. Đến khi làm dự án, nhổ cây đem đi trồng thì tỷ lệ sống cao. Nhưng ở đây cho vào cùng một gói thầu, vừa cả làm đường vừa di dời cùng một lúc, rồi banh gốc cây ra, nhổ đi trồng liền, chết là rất cao”, ông Nghĩa nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.