Hãng phim truyện lại gửi đơn kêu cứu

Sau cổ phần hoá, mặt tiền của hãng phim nhanh chóng được cho thuê. Ảnh: Nguyên Khánh.
Sau cổ phần hoá, mặt tiền của hãng phim nhanh chóng được cho thuê. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam lại có đơn kêu cứu hôm 9/9 gửi Hội Điện ảnh Việt Nam, cho rằng đang bị xâm phạm quyền lợi sau khi cổ phần hóa hãng phim.

Đem con bỏ chợ?

Một số đạo diễn, quay phim và biên kịch gặp gỡ báo chí sáng 15/9 để giãi bày bức xúc. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Phòng hợp tác sản xuất nói: “Chúng tôi muốn cổ phần hoá, hy vọng điều tốt hơn. Tuy nhiên cổ phần hoá xong lại bắt chúng tôi tự làm, rồi nhảy vào chiếm hết đất à (?)”. Ông Sơn và nhiều cán bộ, nghệ sỹ bức xúc bởi lãnh đạo “dồn” nhân sự của các phòng đạo diễn, biên kịch, quay phim lại và lấy mặt bằng quay ra đường Thụy Khuê cho hàng quán thuê, trong khi đó lương tháng 7 không có, khi nghệ sỹ phản ứng thì tạm ứng “không theo nguyên tắc nào”, thậm chí có người không có lương.

Ngoài thắc mắc về việc cấp trên yêu cầu rà soát lại nhưng đến nay giá trị thương hiệu hãng phim vẫn bằng không, các nghệ sỹ cho rằng cổ đông chiến lược Tổng công ty vận tải thủy không làm đúng cam kết. Trong đơn kêu cứu do Chi Hội điện ảnh của Hãng gửi lên Hội Điện ảnh nhắc lại rằng công ty cam kết rất nhiều trong đó có nội dung đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp và đảm bảo mức lương bình quân người/tháng là 4.800.000 đồng cho năm 2017. Thực tế hai tháng 7, 8 các cán bộ nghệ sỹ nhận mức lương thấp nhất 540 nghìn đồng, một số cán bộ công nhân viên được tạm ứng với mức thấp nhất 1 triệu đồng.

Tháng 8 vừa qua, một số động thái của Ban giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty Vận tải thủy khiến nghệ sỹ thêm mất niềm tin. Cụ thể, ông Vũ Quốc Tuấn - Phó Phòng quay phim bức xúc khi kho đạo cụ bị dọn dẹp không báo trước, chuyển cách hãng mấy chục cây. “Các anh ấy dọn hết bảo không có giá trị, nhưng những thứ đó quan trọng với chúng tôi. Họ dồn mấy phòng vào nhưng lại sửa để cho thuê”. Biên kịch Tống Thị Phương Dung kể rằng ông Nguyễn Danh Thắng (Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải thuỷ) gọi biên kịch lên hỏi “Biên kịch không cần đến cơ quan đỡ tốn điện, cứ ở nhà làm việc cơ quan sẽ trả bảo hiểm, chỉ nhận lương theo sản phẩm”. Kho kịch bản do phòng bảo quản cũng được đem giao cho Viện Phim Việt Nam, không lấy ý kiến của nghệ sỹ và không có biên bản bàn giao.

Biên kịch, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành: “Chục năm qua Ban lãnh đạo cũ cũng để chúng tôi tự làm, tự sống. Khi có chủ trương cổ phần hoá, chúng tôi mừng vì nghe cam kết đầy tâm huyết, đưa hãng phim đi lên. Những việc làm của công ty sau đó gây thất vọng và không đúng cam kết”. Cán bộ, nghệ sỹ của hãng “tố” phía công ty ép cán bộ tự đi kiếm việc, tự trả lương và nếu muốn nhận lương phải “điểm danh” đủ tám tiếng giờ hành chính.

Phim ảnh bất động

Mấy năm nay Hãng phim truyện Việt Nam tê liệt, không sản xuất bộ phim nào do không có nguồn ngân sách đặt hàng. Được hỏi từ sau cổ phần hoá, hoạt động liên quan phim ảnh ra sao, đại diện phòng sản xuất nói rằng phía công ty không có bất cứ động thái nào. Kịch bản duy nhất đang trong quá trình tìm bối cảnh là Người yêu ơi, nhưng là di sản của thời trước cổ phần hoá để lại.

Thư ngỏ của ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty Vận tải thuỷ hồi tháng 5 gửi các nghệ sỹ nhắc tới tâm huyết dành cho sự nghiệp làm phim, hứa hẹn dành kinh phí để phát triển làm phim, truyền thông cho hãng. “Sau hai tháng cổ phần hóa, những lời hứa hẹn trên không hề được thực hiện. Qua đó chúng tôi đều nhận thấy mục đích của Cty Vận tải Thuỷ là lợi dụng kẽ hở của việc cổ phần hoá để chiếm đất hoàn toàn không muốn phát triển hãng như nội dung trong thư ngỏ”, đại diện Chi hội Điện ảnh Hãng phim kiến nghị. Tập thể nghệ sỹ Hãng mong Hội Điện ảnh vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên.

Sắp xếp lại nhân sự, hoạt động sản xuất

Ông Nguyễn Danh Thắng, Phó TGĐ Vận tải Thuỷ cho biết sẽ họp cán bộ, công nhân viên Hãng để giải toả bức xúc. “Chủ trương của HĐQT là sắp xếp lại nhân sự, các trung tâm, chi nhánh để tiếp cận thị trường và kinh doanh. Công ty sở hữu hơn 300 phim, tới đây sẽ thành lập trung tâm khai thác các phim này”, ông Thắng nói. Việc dồn ba phòng đạo diễn, biên kịch và quay phim, ông Thắng lý giải là để thành khối nghệ thuật. 

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.