Tối 6/12, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Cao Phong đã tổ chức khai mạc Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 8 và Hội chợ thương mại - du lịch tỉnh Hòa Bình.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, giới thiệu sản phẩm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mở rộng hợp tác các địa phương trong tỉnh và trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương. |
Qua lễ hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có điều kiện tiếp cận thị trường, tiếp cận với người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy, khuyến khích, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm truyền thống, sản phẩm mang tính đặc trưng, du lịch sinh thái, văn hoá lịch sử của Hòa Bình.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, thông qua các hoạt động tại lễ hội và hội chợ góp phần tích cực giữ gìn, bảo tồn và phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung, thúc đẩy hoạt động du lịch không ngừng phát triển.
Với quy mô khoảng trên 100 gian hàng, bên cạnh các gian hàng chủ đề về cam Cao Phong, còn có các gian hàng trưng bày, quảng bá, bán các sản phẩm địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại trong và ngoài tỉnh - gắn với quảng bá du lịch huyện Cao Phong.
Các đại biểu bấm nút khai mạc lễ hội và hội chợ. |
Đây là dịp để quảng bá, bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp các tỉnh ở miền núi phía Bắc nói chung và các loại cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình nói riêng. Các doanh nghiệp và doanh nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị và tầm quan trọng của cam Cao Phong.
Huyện Cao Phong có điều kiện phù hợp để phát triển mạnh các loại cây ăn quả có múi, trong đó chủ lực là cây cam. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện đạt trên 1.700 ha, trong đó có trên 1.300 ha cam. Nhìn chung, cam cũng như các loại cây ăn quả có múi của huyện được trồng bằng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, rất được thị trường ưa chuộng.
Sản phẩm cam Cao Phong được khách hàng tin dùng, lựa chọn trong nhiều năm qua. |
Được biết, năm 2014, cam Cao Phong trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, sản phẩm vinh dự nằm trong "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng" và được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam.
Trong khuôn khổ lễ hội và hội chợ, có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực, trò chơi dân gian… mang đậm nét văn hóa truyền thống. Trong buổi lễ khai mạc của sự kiện đã thu hút được hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia.
Buổi lễ khai mặc đã thu hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia. |
Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 8 và Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Hòa Bình diễn ra từ ngày 6-10/12.