Dự án đội vốn, kéo dài: ai chịu trách nhiệm?

Hàng nghìn dự án chậm triển khai, gây lãng phí lớn

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn lên hàng nghìn tỷ đồng. ảnh: pv
Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn lên hàng nghìn tỷ đồng. ảnh: pv
TP - Theo dự kiến, Quốc hội sẽ dành trọn một ngày (27/5) để nghe báo cáo giám sát và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Đáng chú ý, theo số liệu báo cáo của các địa phương, có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2 ha.

“Thổi” giá đất, ảnh hưởng môi trường đầu tư

Theo báo cáo của Chính phủ, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, Chính phủ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thi hành; hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Chính phủ cũng tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là các vụ việc tồn đọng kéo dài.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, gây lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội. Thực tế, một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, hoặc chậm sử dụng, gây lãng phí, đất đai để hoang hóa. Việc rà soát, phê duyệt phương án và xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở một số nơi chưa đảm bảo công khai minh bạch, đã làm thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ, hiện chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Một số dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), việc xác định giá trị công trình và trị giá quyền sử dụng đất để thanh toán chưa phù hợp dẫn tới tình trạng thanh toán quỹ đất đã vượt quá trị giá công trình BT, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Chậm triển khai gây lãng phí

Đối với công tác thanh kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, toàn ngành Tài nguyên Môi trường đã tiến hành hơn 2.300 cuộc; kiến nghị xử lý thu hồi diện tích 22.362 ha đất. Qua thanh tra, đã chỉ ra việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương còn chậm, nhất là đối với các dự án khu thương mại, du lịch, dự án phát triển nhà ở không phải là khu đô thị mới...

Có 17,8% số tỉnh, thành phố được thanh tra giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2 ha. Trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng, hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích 60.332,1 ha.

Đến nay, 38/48 tỉnh, thành báo cáo đã xử lý 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9 ha. Cụ thể, đã thu hồi đất của 309 dự án; gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 195 dự án; hủy bỏ quyết định hoặc thông báo thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư tại 100 dự án; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư do chậm làm thủ tục giao đất 732 dự án.

Ðất dự án tại các thành phố lớn ra sao?

Liên quan tiến độ thực hiện các dự án theo quy hoạch và việc xử lý các dự án chậm tiến độ, Chính phủ cho biết, tại thành phố Hà Nội đã thực hiện 4.188 dự án với diện tích 13.462,49 ha. Từ năm 2010 đến 2016, trên địa bàn có 2.571 dự án phải thu hồi đất giải phóng mặt bằng; đã hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại 1.621 dự án, với tổng diện tích đất đã thu hồi đạt hơn 8.060 ha. Trong đó có 55 dự án, công trình trọng điểm của Chính phủ và thành phố với diện tích thu hồi 3.571 ha đất.

TP HCM, giai đoạn từ 2011 đến 2017 đã ban hành 727 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 2.663,6 ha; từ năm 2012 đến 2017 đã thực hiện rà soát phát hiện và xử lý đối với 808 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 6.115 ha. Kết quả xử lý TPHCM đã huỷ bỏ quyết định thu hồi đất và giao, cho thuê đất đối với 108 dự án với diện tích 1.552 ha... Ngoài ra, trong năm 2017, 2018, đã rà soát phát hiện 218 dự án khác chậm triển khai với diện tích 182,8 ha.

Còn tại Đà Nẵng, sau 3 năm thi hành Luật Đất đai, thành phố này đã thu hồi, bồi thường hơn 725 ha; giao đất, cho thuê đất trên 2.122 ha. Riêng trong năm 2017 đã thu hồi đất của 19 dự án với tổng diện tích 161,6 ha; giao đất, cho thuê đất 571,8 ha; gia hạn thuê đất 75,6 ha… Tuy nhiên, còn tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng. Có 4 dự án thuộc bán đảo Sơn Trà đang chờ ý kiến của Thanh tra Chính phủ để xử lý và 11 dự án chậm tiến độ đang được địa phương kiểm tra xử lý theo quy định.

Về việc sử dụng đất quốc phòng, theo số liệu kiểm kê đất quốc phòng năm 2016, hiện nay toàn quân đang quản lý 12.212 điểm đất quốc phòng với tổng diện tích 251.690,5 ha. Việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển các cơ sở quân sự và công trình quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế như để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất chưa đúng mục đích, phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý đất quốc phòng còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ.

Quốc hội dành cả ngày cho ý kiến về việc quản lý, sử dụng đất đai

 Theo dự kiến chương trình kỳ họp, hôm nay (27/5), đoàn giám sát của Quốc hội sẽ báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 (kết hợp trình chiếu video clip). Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về những vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai.

Nội dung đáng chú ý khác, trong tuần này Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày thảo luận ở hội trường về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Cuối mỗi phiên họp, các thành viên của Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Luân Dũng)

MỚI - NÓNG