Hàng nghìn cán bộ y tế dài cổ chờ tăng lương

Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, nơi có hàng trăm cán bộ, nhân viên chưa được tăng lương mới Ảnh: N.V
Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, nơi có hàng trăm cán bộ, nhân viên chưa được tăng lương mới Ảnh: N.V
TP - Trong khi cải cách tiền lương năm 2013 đã được thông qua, thì tại tỉnh TT- Huế, hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành y tế vẫn dài cổ chờ tăng lương theo Nghị định 31 của Chính phủ, với hiệu lực thực hiện kể từ ngày 1-5-2012.

> Lương tối thiểu tăng từ 1-7-2013

Huyện Phú Vang, nơi có nhiều xã bãi ngang đặc biệt khó khăn, là một trong những địa bàn có đông cán bộ, nhân viên ngành y tế bị nợ khoản lương tối thiểu tăng thêm (220.000 đồng/tháng) từ nửa năm qua.

Ông Phan Thanh Vâng, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Vang, cho biết: Trên địa bàn hiện có hơn 300 y, bác sĩ, nhân viên chưa nhận được lương mới theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Việc chậm thực hiện lương mới ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của cán bộ, nhân viên ngành y hiện công tác trên địa bàn và những xã đặc biệt khó khăn nói riêng.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Phòng Tài vụ TTYT Phú Vang, số tiền lương tối thiểu tăng thêm mà cán bộ, nhân viên y tế tại Phú Vang bị nợ hiện lên đến hơn 3 tỷ đồng.

Từ khi chính sách cải cách tiền lương năm 2012 có hiệu lực, TTYT huyện Phú Vang khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục dự toán quỹ lương mới gửi Sở Y tế phê duyệt.

Nửa năm trôi qua, tiền lương tối thiểu tăng thêm vẫn chưa được giải quyết, mặc dù các văn bản thông báo khoản lương tăng thêm đã được chuyển về trung tâm.

“Chúng tôi chỉ biết, từ nay đến cuối năm, khoản lương tối thiểu tăng thêm sẽ được giải quyết, nhưng người lao động chỉ nhận được 55% tổng tiền lương bị nợ, vì nguồn kinh phí từ tỉnh cấp về đang gặp khó khăn”, ông Sang cho biết.

Không riêng địa bàn Phú Vang, tình trạng chậm tăng lương theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP còn xảy ra tại nhiều huyện, thị xã, thành phố như Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Huế, Phong Điền… Theo Sở Y tế TT-Huế, tổng số tiền phải chi trả cho tăng lương (lương cơ bản và phụ cấp) đối với hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành y trên địa bàn là 62,6 tỷ đồng.

Trong khi nguồn thu viện phí, dịch vụ y tế và ngân sách do tỉnh cấp để trả lương chỉ ở mức khoảng 17 tỷ đồng. Số tiền cần bổ sung thực hiện chính sách lương mới là 44,1 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã gửi hồ sơ thủ tục bổ sung kinh phí qua Sở Tài chính để trình lên UBND tỉnh phê duyệt từ cuối tháng 10. Khi nào có tiền, Sở Y tế sẽ chuyển ngay về cơ sở để giải quyết chính sách tiền lương mới cho người lao động”, ông Bùi Minh Bảo, Chánh Văn phòng Sở Y tế, nói.

Cũng theo ông Bảo, vấn đề khó khăn về kinh phí không phải là lý do duy nhất ảnh hưởng đến cải cách tiền lương cho người lao động ngành y tế trên địa bàn.

Để thực hiện chính sách lương mới, do tính chất đặc thù, ngành y tế phải phụ thuộc đến bốn nghị định của Chính phủ. Đơn cử, Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định “Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập”, với nhiều loại chế độ phụ cấp đặc thù (70%, 50%, 30%...) cho từng chức năng, nhiệm vụ cụ thể của người lao động.

Theo đó, có đến 6 nhóm đối tượng hưởng phụ cấp, với gần cả trăm chức năng, nhiệm vụ. “Khi thực hiện chính sách phụ cấp gắn với tiền lương phải rà soát kỹ từng đối tượng, chức năng nhiệm vụ của họ.

Ví dụ, tại khoa nội - nhi - lây với biên chế gồm 4 y tá, thì có người nhận mức phụ cấp ở phần việc nội khoa, người kia thì nhi khoa, người khác thì thuộc khoa lây. Ngay điểm này cũng rối rắm lắm rồi”, ông Bảo phân tích.

“Để từng bước giải quyết khó khăn trong cải cách tiền lương ngành y tế. Sở Y tế dùng nguồn thu viện phí, dịch vụ y tế và ngân sách do tỉnh cấp khoảng 17 tỷ đồng phân bổ cho 6 đơn vị là Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt, Phòng Khám Bảo vệ Sức khỏe cán bộ tỉnh, TTYT các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới.

Những đơn vị còn lại sẽ được phân bổ sau khi UBND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí bổ sung hơn 44 tỷ đồng như đã nêu”, một đại diện Sở Y tế cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.