Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Kon Tum Hoàng Nam Khánh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có trên 40.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai, trong đó có khoảng 2.000 người sử dụng hình thức tiêm thuốc tránh thai “Depo Medroxy Progesteron Acetate” (tên viết tắt DMPA).
Đây là loại thuốc được sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, tiêm loại thuốc này thường có tác dụng phụ là vô kinh và rối loạn kinh nguyệt, trong đó có trên 50% phụ nữ vô kinh trong năm đầu và nếu tính trong hai năm đầu thì tỷ lệ có thể lên đến 66%.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh, cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Kon Tum, ở Kon Tum hiện nay, khoảng 70% số người đã tham gia biện pháp tránh thai này bỏ cuộc là do những tác dụng phụ vừa nêu trong đó chiếm tỷ lệ hơn 12% là vô kinh.
Để khuyến cáo những người đang có ý định tiếp tục “tẩy chay” biện pháp tiêm thuốc tránh thai, các nhà chuyên môn cho rằng, ngoài tác dụng tránh thai, DMPA còn có tác dụng bảo vệ niêm mạc tử cung khỏi sự cường phát do tác dụng của Estrogen (thuốc tiêm loại DMPA không có Estrogen như một số loại thuốc tránh thai khác).
Vì vậy DMPA làm giảm nguy cơ ung thư niêm mạc tử cung và còn duy trì sự tăng cường tiết sữa. DMPA có những tác dụng phụ gây cảm giác khó chịu nhưng nhìn chung các tác dụng phụ không gây nguy hiểm cho người dùng và không gây tai biến - bác sỹ Thịnh khẳng định.
Nguyên nhân mất kinh là do lượng Progestine trong cơ thể có nhiều hơn so với lượng Estrogen. Niêm mạc tử cung không phát triển mạnh như trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ không tiêm thuốc DMPA. Vì vậy, niêm mạc tử cung không bong, không có máu ra theo chu kỳ kinh, có nghĩa là không thấy kinh và cảm thấy khó chịu vì mất đi một thói quen thông thường của chu kỳ hàng tháng.
Cũng theo bác sỹ Thịnh, khi cần sinh nở, chỉ cần ngưng tiêm thuốc này thì sẽ lại có thai như ý muốn. Điều đặc biệt, sử dụng phương pháp này người phụ nữ không gặp trở ngại, khó khăn khi lao động cực nhọc, do vậy thực tế rất nhiều phụ nữ ưa chuộng vì còn giữ được “bí mật” với người thân khi cần thiết.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Kon Tum cho biết mọi sự nghi ngại, lo lắng khi dùng biện pháp tránh thai này, chị em có thể gọi đến số điện thoại sau để được giải đáp: 060.865258 hoặc 0914059206.