CH Séc ngừng cấp visa cho người Việt Nam:

Hàng ngàn người mất những khoản tiền lớn

Hàng ngàn người mất những khoản tiền lớn
TP- Thông tin về việc CH Séc ngừng cấp visa cho công dân Việt Nam từ nay đến cuối năm 2008 đã khiến hàng nghìn lao động đã hoàn tất hồ sơ xuất khẩu lao động, chỉ chờ cấp visa ngồi trên lửa.

Đa số lao động có nhu cầu đi Séc đều đã phải bỏ ra hàng ngàn USD (số tiền này chủ yếu đi vay ngân hàng) chi phí trước khi xuất cảnh. Vì thế, nếu Séc ngừng cấp visa, đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động này sẽ trở thành con nợ và lâm vào bước đường cùng.

Hàng ngàn người mất những khoản tiền lớn ảnh 1
Trước thời điểm 1/4/2008, hàng ngàn người vẫn phải xếp hàng trước ĐSQ Séc chờ phỏng vấn  Ảnh: Phong Cầm

Nước mắt lao động trẻ

Nguyễn T. A (sinh năm 1983, Hà Tĩnh) có số hộ chiếu B1898709, đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại CH Séc từ những tháng đầu năm. Sau khi hoàn tất các thủ tục, A được cty cho học giáo dục định hướng, học nghề, học tiếng Séc.

Thời gian trọ học tại Hà Nội tốn kém nhưng cuối cùng chờ mãi vẫn không được cấp visa. Quá lo lắng, A hỏi nhân viên cty, được cán bộ tuyển sinh thông báo việc xin visa lao động đang gặp khó khăn. Hỏi lý do, phía cty giải thích đây là tình trạng khó khăn chung, cty nào cũng thế cả. Sau hơn 3 tháng học tiếng, chờ mãi A vẫn chưa được đi phỏng vấn.

A đánh liều gặp trực tiếp giám đốc để hỏi rõ thực hư, được trả lời: “Nếu muốn đi Séc, cách tốt nhất là bỏ thêm chi phí để làm visa kinh doanh chứ đi theo visa lao động không thể làm được”. Đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn để học tiếng, ăn ở, A đành nghe theo lời vị giám đốc.

“Đâm lao phải theo lao”, A liều gọi điện về xin tiền bố mẹ để nộp cho cty. Một lần nữa, bố mẹ A phải chạy vạy đi vay tiền gửi ra Hà Nội cho con. Nhưng sau khi nghe tin Séc ngừng cấp visa cho người Việt Nam, A đứng như trời trồng, nước mắt ngắn dài mà không biết kêu ai.

Cũng giống A, Đặng Thị T. H (sinh năm 1986, Hà Tây), có số hộ chiếu B1643847 cũng khóc nức khi nghe tin sẽ không được cấp visa. Số tiền mà H bỏ ra đến nay đã hơn 6.000USD sẽ gần như mất trắng nếu như T không được cấp visa. H đã có lịch đặt chỗ để vào phỏng vấn tại Tổ chức Di cư Thế giới (IOM). Trước đó, H phải bỏ ra khoản tiền 3.200 USD để cty đưa cho “cò mồi” . H nói trong nước mắt: “Nếu không được cấp visa, khoản tiền này coi như mất hết”.

Cùng cảnh ngộ với A và H, còn có Đào T.T (sinh năm 1989, Vĩnh Phúc), có số hộ chiếu B1873246. Sau khi nghe tin không được cấp visa, khuôn mặt T thất thần vì trước đó đã lỡ đóng tiền cho Cty để có lịch hẹn phỏng vấn tại IOM.

Nguyễn H. N (sinh năm 1982, Quảng Ninh), số hộ chiếu B1728249; Nguyễn H. H (sinh năm 1989) Hà Tĩnh B1892247 đều đã phải chi tiền từ 3.000 USD-3.500 USD để lo lót. Hiện, tất cả những lao động này đều đã có lịch đặt chỗ phỏng vấn nhưng nếu không được cấp visa thì họ có được phỏng vấn đi chăng nữa cũng sẽ vô tác dụng. Họ nghiễm nhiên mất một khoản tiền lớn vì đã trót đưa tiền cho Cty để “cò mồi” đặt chỗ giúp. 

Người LĐ đã đóng tiền sẽ giải quyết ra sao?

Nhiều giám đốc Cty XKLĐ tham gia thị trường Séc cho biết, mọi thủ tục để đưa được lao động sang Séc làm việc bằng visa kinh doanh, cty đều phải thông qua “cò mồi”.

Giám đốc một cty cho PV Tiền Phong biết, những lao động nào có nhu cầu đi làm việc tại Séc đều phải chi một khoản tiền rất lớn khoảng 9.500 USD-12.500 USD, phần lớn là chi phí ngoài luồng cho “cò mồi” (chưa tính tiền học tạo nguồn, tiền học nghề, tiền học tiếng Séc…). Một “cò mồi” than: “Mang tiếng là nhận số tiền lớn thế nhưng chúng tôi cũng chỉ được tí ti, còn chủ yếu là thu hộ người khác thôi”.

Trước thông tin CH Séc ngừng cấp visa cho người Việt Nam, PV Tiền Phong đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH để hỏi về số phận của hàng ngàn lao động đã lỡ nộp tiền nhưng chưa được cấp visa trước thời điểm Cục quản lý lao động ngoài nước ra thông báo ngừng tuyển mới lao động đi làm việc tại Séc (16/7/2008), nhưng thật tiếc, những người có trách nhiệm đều đi công tác nước ngoài.

Được biết, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước -Nguyễn Ngọc Quỳnh đều đang ở Ba Lan để tìm giải pháp đưa lao động sang thị trường này.

Ngày 19/11, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trong trường hợp CH Séc ngừng cấp visa thì nó đã trở thành vấn đề ngoại giao và cần phải có thông tin chính thức từ phía Đại sứ quán CH Séc tại Hà Nội và Cục lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam để doanh nghiệp và người lao động biết.

Đến thời điểm này, ngoài phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng thì Cục quản lý lao động ngoài nước hiện vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo chính thức nào.

Ông Hải khẳng định rằng, việc dừng cấp visa mang tính quốc gia, với mảng XKLĐ đây là chuyện bất khả kháng, có thể coi như một tai nạn. Với số lao động đang đợi cấp visa để xuất cảnh, phải tiến hành giải quyết vụ việc theo đúng luật, theo hợp đồng giữa hai bên.

Cục khuyến khích người lao động và doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn. Đặc biệt phía doanh nghiệp cần có trách nhiệm cao với người lao động như chia sẻ tiền hồ sơ visa 50/50; khuyến khích doanh nghiệp gánh vác khó khăn 100% cho người lao động.

Ông Hải đề xuất giải quyết cho các doanh nghiệp là hướng người lao động sang thị trường khác. Ông Hải nhấn mạnh: “Nếu cần thiết, trong trường hợp doanh nghiệp làm sai, người lao động có thể kiện doanh nghiệp ra tòa. Tất cả mọi vấn đề đều phải trên cơ sở cam kết của hai bên”.

Hiệp hội XKLĐ đã từng cảnh báo

Trước sự lo lắng của các doanh nghiệp, trao đổi với PV Tiền Phong, người đứng đầu cơ quan đại diện cho lợi ích của doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam - ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam khẳng định: Với trách nhiệm là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội đã nhiều lần lên tiếng rằng: Chính việc cấp visa lao động (con đường chính thống để người lao động sang Séc làm việc) quá khó khăn, trong khi chủ yếu cấp visa kinh doanh (sang Séc lao động bằng loại visa này được coi là con đường không chính thống - PV) nên mới dẫn đến hệ quả không tốt như hôm nay.

Nếu từ đầu, ĐSQ Séc dừng không cấp visa kinh doanh mà chuyển sang cấp visa lao động, chắc chắn chúng ta sẽ sàng lọc được chất lượng lao động trước khi đưa sang Séc. Vì, người lao động đi bằng visa lao động sẽ được giáo dục định hướng (về con người, văn hóa, ngôn ngữ của CH Séc...), ngoài ra còn được đào tạo nghề bài bản, được học tiếng Séc thì chắc chắn sẽ không cấp visa cho người Việt Nam.

MỚI - NÓNG