Hàng ngàn hecta rừng 'bốc hơi': Lửng lơ trách nhiệm

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
TP - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên báo cáo vào cuối năm 2017 so với năm 2015, diện tích rừng trên  khu vực Tây Nguyên đã giảm  3.323 ha (mỗi năm mất hơn  1.000 ha).

Truy tố, kỷ luật hàng loạt cán bộ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ðắk Nông, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 368 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, riêng hành vi phá rừng trái pháp luật xảy ra 213 vụ, gây thiệt hại 81 ha rừng. So với cùng kỳ 2017, số vụ phá rừng được phát hiện tuy giảm 25 vụ, song diện tích rừng thiệt hại lại tăng thêm 1,3 ha. Phần lớn các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép đều thuộc lâm phần đã giao cho các Công ty lâm nghiệp quản lý. 

Hai năm qua, ngoài việc nỗ lực tổ chức triển khai trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chính quyền địa phương tỉnh Ðắk Nông cũng đã kiên quyết xử lý nghiêm những vụ phá rừng và những người đứng đầu (chủ rừng).

Nhẹ thì bị khiển trách, nhắc nhở, kiểm điểm… nặng thì khởi tố, truy tố, xét xử. Cụ thể, năm 2017, Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Ðắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối ông Phạm Ðình Dũng (nguyên Giám đốc), bắt tạm giam ông Ðinh Văn Triều (nguyên Phó giám đốc) và Nguyễn Thế Nga (nguyên Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ðức Hòa) để điều tra, làm rõ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả kiểm kê rừng, từ năm 2010 - 2014, diện tích rừng tự nhiên bị mất tại công ty này hơn 255 ha. Vào đầu năm 2018, Viện Kiểm sát nhân tỉnh Ðắk Nông phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Ðinh Gia Tuấn (SN 1984), Trạm phó Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2 (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn), về tội “Nhận hối lộ”. Bị can Tuấn là cháu họ của ông Ðinh Văn Quý, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, vào làm việc tại Công ty từ giữa năm 2017…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Nông khẳng định: Từ đầu năm đến nay tỉnh đã xử lý hàng loạt cán bộ vì có liên quan đến rừng và đất rừng. Thời gian tới, khi công an tỉnh kết luận điều tra, có thể sẽ truy tố thêm hàng loạt lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp nữa.

Chúng tôi đã kỷ luật hàng loạt cán bộ của huyện, ban thường vụ các cấp liên quan đến rừng, trong đó có cả Chủ tịch UBND huyện và Bí thư huyện ủy. Quan điểm của tỉnh là không bao che! Dù đau mấy cũng phải xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm tới rừng và đất rừng, để làm gương, răn đe những kẻ có ý đồ trục lợi khác.

Dư luận hoài nghi

So với cách làm cương quyết, mạnh mẽ của tỉnh Ðắk Nông, thì cách nương nhẹ, “giơ cao đánh khẽ”, chậm xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Ðắk Lắk đối với những cán bộ sai phạm, và một số người đứng đầu các Công ty Lâm nghiệp từng được UBND tỉnh giao đất, giao rừng nhưng lại để mất tới hàng nghìn, hàng vạn hecta… khiến dư luận hoài nghi tinh thần thượng tôn pháp luật “quân pháp bất vị thân” ở tỉnh này.

Hàng ngàn hecta rừng 'bốc hơi': Lửng lơ trách nhiệm ảnh 1

Cổ thụ bị cưa trộm trong rừng tự nhiên tỉnh Lâm Ðồng.

Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ea Súp, từ năm 2009-2017, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh  được UBND tỉnh Ðắk Lắk giao quản lý hơn 14.700ha rừng và đất rừng, nhưng đã làm mất tới hơn 10.500 ha (gồm hơn 8.900ha rừng sản xuất và hơn 1.500ha rừng phòng hộ).

Những người đứng đầu gồm ông Nguyễn Hữu Thu (nguyên giám đốc), ông Nguyễn Văn Quyến (Phó giám đốc Cty Chư Ma Lanh) chỉ bị cảnh cáo. Ðối với ông Quyến, khi đơn vị này sáp nhập với công ty khác, ông Quyến còn được tái bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất và bảo vệ rừng - Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm và Lâm nghiệp Ðắk Lắk.

Người dân gửi đến báo Tiền Phong nhiều đơn thư chất vấn, hỏi Thủ tướng từng chỉ đạo kiên quyết: Hễ địa phương nào để mất rừng, lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm. Với thực trạng rừng bị tàn phá quá nghiêm trọng, nhiều xưởng gỗ lậu ngang nhiên hoạt động, nhiều cán bộ công khai dựng nhà đồ sộ toàn gỗ quý, thử hỏi  lãnh đạo các tỉnh các huyện này có phải chịu trách nhiệm không?
MỚI - NÓNG