Hàng loạt tuyến buýt Hà Nội được 'dỡ' ra đấu thầu

Hàng chục tuyến buýt sẽ được đấu thầu cung cấp dịch vụ vận tải trong năm 2018.
Hàng chục tuyến buýt sẽ được đấu thầu cung cấp dịch vụ vận tải trong năm 2018.
TP - Thay vì cơ chế đặt hàng, trợ giá gần 100 tuyến buýt đang hoạt động tại Hà Nội sẽ được đấu thầu cung cấp dịch vụ vận tải để hướng đến giảm đầu tư.

Ðấu thầu để giảm trợ giá?

Thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội vừa qua, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cùng với thực hiện đề án phát triển xe buýt đến năm 2020, định hướng 2025, từ nay đến hết năm 2020 Sở GTVT sẽ thực hiện chủ trương của thành phố là đấu thầu tất cả các tuyến buýt hiện đang có. Mục tiêu của việc này là nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến giảm đầu tư (trợ giá) cho xe buýt của
thành phố.

 Theo ông Tuấn, trên địa bàn thành phố hiện nay có 112 tuyến buýt với 12 đơn vị khai thác; trong đó có 92 tuyến buýt trợ giá bằng ngân sách. Mức độ bao phủ của mạng lưới tuyến buýt hiện đã đạt 30/30 quận huyện (đạt 100%). Cùng với đó, mạng lưới xe buýt thành phố cũng tiếp cận 98% các bệnh viện; 100% trường ÐH, CÐ; 86% các khu công nghiệp và 90% các khu đô thị. “Trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố đã mở mới 3 tuyến buýt, trong đó có tuyến chở khách du lịch City tour. Riêng sản lượng hành khách, 6 tháng đầu năm đạt khoảng 221,5 triệu lượt hành khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước”, ông Tuấn thông tin.

Với chủ trương đấu thầu, ông Tuấn cho biết, trong 92 tuyến buýt có trợ giá đang hoạt động sẽ được thành phố triển khai theo cơ chế đấu thầu. Cụ thể, thay vì đặt hàng mỗi năm, khi được chuyển sang đấu thầu, các tuyến buýt này sẽ có thời gian hoạt động ổn định là 5 năm. Cùng với đó, lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết, khi thực hiện đấu thầu, đơn giá vận hành cho một tuyến buýt có thể giảm khoảng 10 đến 15% cho mỗi km. Theo ông Tuấn, hiện đã có 16 tuyến buýt được chuyển sang cơ chế đấu thầu. Trong năm nay Sở GTVT tiếp tục thực hiện đấu thầu thêm 17 tuyến và đến thời điểm này đã mở thầu được 4 tuyến, bao gồm tuyến số 61, 62, 91, 92. Tiếp đó năm 2019 mở thầu 20 tuyến, năm 2020 mở thầu 28 tuyến.

Tránh xáo trộn

Tại buổi làm việc về Ðề án phát triển xe buýt giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025 của đoàn khảo sát HÐND thành phố Hà Nội với Sở GTVT vừa qua, đại diện một số doanh nghiệp (DN) đang vận hành các tuyến buýt được thành phố đặt hàng hiện nay tỏ ra lo lắng. Ðại diện DN cho rằng, từ chỗ chỉ đáp ứng được 1 đến 2% nhu cầu đi lại, sau 10 năm phát triển xe buýt Thủ đô đã đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu đi lại của hành khách. Tiếp đến trong kế hoạch kiểm soát xe cá nhân của thành phố từ nay đến năm 2025, xe buýt phải đảm nhiệm được từ 20 đến 24% nhu cầu. Ðể hoàn thành trọng trách này, cùng với các giải pháp phát triển, xe buýt cũng rất cần sự ổn định để tạo sự yên tâm cho
hành khách.

Theo đại diện các DN, với đơn vị đã được thành phố lựa chọn để đặt hàng các tuyến buýt lâu nay cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố đưa ra, cùng với đó DN cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua sắm đoàn phương tiện, tuyển hàng trăm lao động vận hành. Khi đã đấu thầu thì DN đang vận hành có thể trúng thầu hoặc không trúng thầu. Trong trường hợp DN đang vận hành không trúng thầu, số phận hàng trăm lao động và đoàn phương tiện trị giá hàng trăm tỷ đồng được đóng, mua từ nguồn vay ngân hàng sẽ giải quyết
thế nào?

 Các chuyên gia giao thông và hiệp hội vận tải cho rằng,  những tuyến buýt đặt hàng là do cơ chế Nhà nước trước đây để lại. Nay với sự phát triển đa dạng của các DN vận tải, thành phố có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, cần thận trọng khi thị trường hóa lĩnh vực mà thành phố đang rất cần vai trò của nó là vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Nếu thực hiện không tốt, DN chủ công sẽ mất vị thế, hành khách sẽ bỏ thói quen đi lại bằng xe buýt. “Bài học khi chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu khiến xe buýt TPHCM vắng khách còn đó. Khi đấu thấu thì DN tìm mọi cách để trúng thầu, nhưng khi trúng rồi thì phương tiện, dịch vụ không đảm bảo, DN hoạt động chỉ chăm chăm để thu tiền thì không thể theo được VTHKCC”, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
dẫn chứng.

Ðại diện Hiệp hội Vận tải hành khách Hà Nội có ý kiến: việc đấu thầu các tuyến buýt cần thực hiện có lộ trình và chọn đúng đối tượng.

Trong năm nay Sở GTVT tiếp tục thực hiện đấu thầu thêm 17 tuyến và đến thời điểm này đã mở thầu được 4 tuyến, bao gồm tuyến số 61, 62, 91, 92. Tiếp đó năm 2019 mở 20 tuyến, năm 2020 mở thầu 28 tuyến.
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.