Hàng loạt trường thiếu học sinh trầm trọng

Hàng loạt trường thiếu học sinh trầm trọng
TP - Tại Đà Lạt, do một số trường ở trung tâm thành phố “vượt rào” tuyển học sinh trái tuyến nên hàng loạt trường tiểu học vùng ven rơi vào tình trạng thiếu học sinh trầm trọng.

Mặc dù, sau khi tiến hành khảo sát số trẻ em đủ tuổi vào lớp 1 (khoảng 3.200 em) trên toàn thành phố, đến giữa tháng 8/2006, Phòng Giáo dục Đà Lạt đã hướng dẫn cụ thể cho 27 trường tiểu học về chỉ tiêu và địa bàn tuyển sinh.

Là trường đạt chuẩn quốc gia, năm học này trường tiểu học Cửu Long (phường 3) dự kiến mở 2 lớp 1 với 70 học sinh, nhưng đến nay chỉ tuyển được 20 em. Trường tiểu học Nam Hồ (Phường 11) có kế hoạch hình thành 2 lớp 1, gồm 70 học sinh nhưng hiện có 20 em đang theo  học. Các trường Phước Thành, Bạch Đằng… cũng đang đối mặt tình trạng khan hiếm học sinh.

Đặc biệt, Đa Lợi ( Phường 10) chỉ thu nhận được 10 học sinh lớp 1 mặc dù đây là ngôi trường được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt, giáo viên đạt chuẩn, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.

Nguyên nhân chủ yếu là, do các trường thực nghiệm, trường điểm… thu nhận lượng học sinh trái tuyến quá lớn, bất chấp chỉ tiêu tuyển sinh mà Phòng Giáo dục đã phân bổ. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1 của trường Lê Quý Đôn là 7 lớp, 245 học sinh (mỗi lớp 35 em) nhưng trường đã tuyển tới 10 lớp, gồm 379 em (mỗi lớp từ 37-38 học sinh),vượt 55% so với kế hoạch.

Một cán bộ có trách nhiệm của ngành giáo dục địa phương bức xúc: “Biết rằng Lê Quý Đôn là trường mà cán bộ các cấp các ngành… gửi con em vào khá nhiều nên khi phân bổ chỉ tiêu, chúng tôi đã cân nhắc du di cho trường tuyển hơn 25% học sinh trái tuyến (50 em), vậy mà họ tùy tiện tuyển gấp đôi”.

Trường Hermann Gmeiner cũng trong tình trạng quá tải (hơn 35 học sinh/lớp). 2 trường này trực thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng nhưng không thể vì thế mà xem nhẹ vai trò quản lý của Phòng Giáo dục dẫn đến phá vỡ kế hoạch tuyển sinh lớp 1 của toàn thành phố.

Đối với các trường đạt chuẩn quốc gia hoặc có cơ sở vật chất khang trang như Cửu Long, Đa Lợi… thì tình trạng trên tất yếu dẫn đến sự lãng phí (một giáo viên chỉ dạy từ 10 – 20 học sinh) và cơ sở vật chất trường lớp (dư bàn ghế, không phát huy hết hiệu quả trang thiết bị bởi các bộ đồ dùng dạy học phân phối theo đơn vị lớp).

Việc gây dựng quỹ của nhà trường; tổ chức các hoạt động phong trào, ngoại khóa… cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó những trường thu nhận quá nhiều học sinh như Lê Quý Đôn thì thiếu thốn cơ sở vật chất: Nhiều phòng học ẩm thấp, không đủ ánh sáng, bàn ghế không đúng tiêu chuẩn… Không phải ngẫu nhiên mà Lê Quý Đôn là một trong những trường có số lượng học sinh bị cận thị nhiều nhất thành phố.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục Đà Lạt thừa nhận việc tuyển sinh vào lớp 1 của TP Đà Lạt năm nay còn bất cập, có dấu hiệu bất bình thường nên phải tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh. Ban giám hiệu một số trường cũng cho rằng, cần có sự điều chuyển kịp thời, hợp lý bởi năm học đã bắt đầu gần 10 ngày. 

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".