Hàng loạt sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục: Thanh tra Bộ GD&ĐT vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục: Thanh tra Bộ GD&ĐT vào cuộc
TPO - Thời gian gần đây, những tồn tại, bất cập tại Học viện Quản lý giáo dục đã tạo ra bức xúc đối với cán bộ, giảng viên của trường. Sự bức xúc này lên tới đỉnh điểm khi tập thể cán bộ giảng viên Học viện đã có đơn gửi Bộ GD&ĐT yêu cầu thanh tra.

Theo phản ánh của một bộ phận giảng viên, cán bộ: Học viện Quản lý giáo dục, đã mở mã ngành Luật và các ngành Kinh tế, Quản trị văn phòng khi không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật. Trong đó, năm nay, Học viện mở chuyên ngành Luật khi có duy nhất một thạc sĩ cơ hữu và 3 giảng viên kiêm nhiệm. Không những thế, trong đề án mở ngành Luật, ngành Kinh tế được công bố công khai trên website của Học viện không có bất kỳ tên một giảng viên nào.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngay cả ngành Công nghệ thông tin, là 1 trong 3 mã ngành ra đời khi thành lập Học viện (từ năm 2006) nhưng đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên vẫn chưa có ai là tiến sĩ đúng chuyên ngành này. Ngành này có 3 phó giáo sư nhưng 2/3 có học vị là tiến sĩ ngành Toán, còn 1 người được giới thiệu là ĐH Toán và phó giáo sư ngành Giáo dục học.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT tại thông tư 22 về quy định điều kiện mở ngành đào tạo về đội ngũ giảng viên phải đạt các yêu cầu có ít nhất 1 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo; có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

Không những thế, ngành này Học viện vẫn tuyển sinh đào tạo thạc sĩ hằng năm. Cụ thể, năm 2021, trong thông báo tuyển sinh, Học viện tuyển 25 chỉ tiêu thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin bên cạnh các ngành như Quản lý giáo dục, Tâm lý học lâm sàng.

Mặc khác, theo Điều 37 Luật Giáo dục Đại học và Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT quy định về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ thì địa điểm đào tạo thạc sĩ phải tại trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo. Trước đó, theo Thông tư 15 ban hành năm 2014, Bộ GD&ĐT cũng quy định địa điểm đào tạo trình độ thạc sĩ là trụ sở của cơ sở đào tạo được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện thực tế đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định trước khi cho phép mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ.

Phản ánh của tập thể cán bộ, giảng viên cho biết lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục đã có nhiều chỉ đạo và thực hiện việc mở các lớp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục ngoài bên ngoài học viện. Hằng năm, các lớp học thạc sĩ bên ngoài cơ sở vẫn liên tiếp được tuyển sinh và khai giảng.

Cụ thể như trong năm học 2020 - 2021, Ban Giám đốc học viện đã mở các lớp như: lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K21 học tại Học viện Nông Nghiệp với 17 học viên; lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K21 học tại Hải Phòng với 32 học viên; lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-1 học tại Hải Dương với 54 học viên; lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-3 học tại Thuận Thành (Bắc Ninh) với 23 Học Viên; lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-4 học tại Hải Phòng với 28 học viên.

Thanh tra Bộ GD&ĐT vào cuộc

Một điều khó hiểu nữa là theo quy định của Bộ GD&ĐT, đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH phải công khai danh sách giảng viên năm 2021; công khai các ngành tuyển sinh và điểm trúng tuyển của 2 năm trước năm tuyển sinh để thí sinh tham khảo. Nhưng hiện nay, trên website chính thức của Học viện Quản lý giáo dục, đề án tuyển sinh đại học năm 2021 chỉ có thông tin liên quan đến phương án tuyển sinh, chỉ tiêu các ngành đào tạo, còn những thông tin liên quan đến 3 công khai (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tình hình tuyển sinh 2 năm gần đây) đều không có.

Với nhiều bất cập hiện nay tại Học viện Quản lý giáo dục, tập thể cán bộ, nhân viên, viên chức Học viện đã gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để yêu cầu được làm rõ những sai phạm của Giám đốc Học viện và một số lãnh đạo khác tại đây. Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết ngày 24/8, Bộ GD&ĐT sau khi tiếp nhận đơn của tập thể cán bộ, nhân viên, viên chức Học viện đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-BGDĐT về việc thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục.

Theo quyết định, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản và nhiều nội dung khác với thời gian thanh tra là 45 ngày.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Học viện cho biết hiện đang trong thời gian thanh tra nên không phát ngôn. Sau khi có kết luận, sẽ có thông tin tới báo chí.

MỚI - NÓNG