Hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp nhập khẩu BMW tại Việt Nam

Trụ sở chi nhánh của Euro Auto ở Long Biên (Hà Nội) sau khi công ty bị khởi tố. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Trụ sở chi nhánh của Euro Auto ở Long Biên (Hà Nội) sau khi công ty bị khởi tố. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - Cố tình trì hoãn cung cấp thông tin cho Đoàn Thanh tra, giả mạo hợp đồng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hạch toán… Hàng loạt sai phạm của Euro Auto- doanh nghiệp nhập khẩu chính thức BMW ở Việt Nam, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhà nước vừa bị cơ quan chức năng chỉ rõ.

Kê khai sai giá tính thuế

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, trước những dấu hiệu sai phạm của Cty CP ô tô Âu Châu (Euro Auto, trụ sở 808 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM), Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính (Đoàn Thanh tra) đã có giấy giới thiệu của Bộ và công văn gửi Euro Auto đề nghị cung cấp thông tin tài liệu để xác minh làm rõ việc nhập khẩu ô tô giai đoạn từ 1/1/2011 đến 30/9/2016. Thế nhưng, công ty này liên tiếp có 2 công văn từ chối cung cấp tài liệu cho Đoàn Thanh tra với lý do: Bộ Tài chính đã có Đoàn kiểm tra sau thông quan vừa kiểm tra nhưng chưa kết luận. Theo Đoàn Thanh tra, hành vi của Euro Auto đã vi phạm Khoản 2 Điều 10 Luật Thanh tra năm 2010.

Ngay sau đó, Đoàn Thanh tra đã phối hợp với Cục Thuế TPHCM làm việc với Euro Auto và Cty Performance Motors Việt Nam (công ty được tách ra từ Euro Auto từ tháng 12/2015) tại trụ sở cơ quan thuế. Những sai phạm bắt đầu lộ diện. Trước hết, Đoàn Thanh tra nhận thấy, chữ ký của đại diện bên bán hàng (BMW AG) trên các hợp đồng bán hàng và hóa đơn thương mại (hóa đơn) năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 do Euro Auto cung cấp không phải chữ ký của người ký tại hợp đồng làm nhà nhập khẩu và gia hạn hợp đồng làm nhà nhập khẩu xe, phụ tùng chính hãng đã được công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự. Công ty chưa chứng minh được tính hợp pháp của những người ký trên hợp đồng bán hàng và hóa đơn.

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đối với 5 hợp đồng mua bán của công ty cho thấy: “Có 4 hợp đồng gửi giám định chữ ký, hình dấu không phải là chữ ký, hình dấu được ký, đóng trực tiếp mà được sao in từ cùng một chữ ký, hình dấu; một hợp đồng chữ ký, hình dấu được ký, đóng dấu trực tiếp”. Như vậy, Euro Auto có dấu hiệu giả mạo hợp đồng mua bán.

Theo quy định tại hợp đồng mua bán, một trong các chứng từ bắt buộc kèm theo hàng hóa phải có là 2/3 bản chính của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), thế nhưng công ty này cũng không cung cấp được cho Đoàn Thanh tra.

Xác minh hồ sơ pháp lý, Đoàn Thanh tra còn làm rõ, Euro Auto và Cty Performance Motors Việt Nam đều cùng một chủ sở hữu. Euro Auto nhập khẩu xe BMW về, sau đó bán cho Performance Motors Việt Nam để bán ra cho người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Theo kết luận của Đoàn Thanh tra, 2 công ty này có mối quan hệ liên kết, do vậy, theo quy định của Thông tư 130 Bộ Tài chính thì giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) của Euro Auto không được thấp hơn 7% so với giá bán ra bình quân trong tháng của Performance Motors Việt Nam. Trường hợp thấp hơn, cơ quan thuế xác định lại giá tính thuế TTĐB theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, kiểm tra việc kê khai thuế TTĐB khâu tiêu thụ nội địa tháng 7, 8, 9 năm 2016 của Euro Auto, Đoàn Thanh tra xác định, trong số 340 xe công ty này xuất bán cho Cty Performance Motors Việt Nam có 93 xe kê khai giá tính thuế TTĐB thấp hơn 7% giá bán ra bình quân, không đúng quy định tại Thông tư 130. Ngày 1/12/2016, Cục Thuế TPHCM đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính hơn 7,5 tỷ đồng đối với Euro Auto (trong đó, truy thu thuế TTĐB 6,1 tỷ đồng, phạt 20% trên số tiền khai sai dẫn đến thiếu thuế 1,2 tỷ đồng, số tiền nộp chậm trên số khai sai dẫn đến thiếu thuế 142 triệu đồng).

97 hóa đơn mua của DN bỏ trốn

Đoàn Thanh tra tiếp tục xác minh việc nhập và xuất bán xe ô tô của chi nhánh phía Bắc Euro Auto tại trụ sở Chi cục Thuế quận Long Biên (Hà Nội). Ngày 1/6/2016, Chi nhánh phía Bắc của Euro Auto đã có văn bản gửi Chi cục Thuế quận Long Biên về việc chấm dứt hoạt động và đóng mã số thuế chi nhánh. Trước đó, căn cứ tài liệu chi nhánh này cung cấp cho Chi cục Thuế quận Long Biên cho thấy, từ năm 2011-2015 chi nhánh bán 2.121 ô tô BMW, giá trị hóa đơn Euro Auto xuất cho chi nhánh (chưa có thuế GTGT) là 3.325 tỷ đồng, giá trị hóa đơn chi nhánh xuất cho khách hàng (chưa có thuế GTGT) là 3.950 tỷ đồng, tổng chênh lệch giữa doanh thu bán ra chưa có thuế GTGT và trị giá vốn xe nhập từ Euro Auto chưa có thuế GTGT khoảng 624 tỷ đồng.

Chi cục Thuế quận Long Biên đã lập biên bản kiểm tra, phát hiện chi nhánh này kê khai khấu trừ 97 hóa đơn mua của doanh nghiệp bỏ trốn (Đoàn Thanh tra xác định là 176 hóa đơn), tổng giá trị mua vào: 5,9 tỷ đồng, thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ khoảng 695 triệu đồng. Trước những sai phạm trên, ngày 23/11/2016, Chi cục Thuế quận Long Biên đã xử phạt chi nhánh trên số tiền 2,4 tỷ đồng.

Từ những kết quả trên, ngày 20/12, Cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan) đã khởi tố vụ án buôn lậu để điều tra đối với Euro Auto. Trong vụ việc này, Đoàn Thanh tra cũng chỉ ra những thiếu sót, gây hậu quả nghiêm trọng của Cục Điều tra sau thông quan, tạm đình chỉ công tác Cục trưởng và nhiều người liên quan.

Trước những dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng, đích thân Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã 2 lần gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính vào cuộc thanh kiểm tra. Trước Euro Auto, Cty Tân Thành Đô cũng bị Tổng cục Hải quan truy thu 719 tỷ đồng đối với mặt hàng ô tô Land Rover và Jaguar.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.