Hàng loạt luận án tiến sĩ đầy tai tiếng: Quan điểm của Bộ GD&ĐT thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay chưa đạt được như mong muốn. Ðiều đó được thể hiện qua hàng loạt luận án tiến sĩ đầy tai tiếng thời gian qua. Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Hoàng Minh Sơn trò chuyện với Tiền Phong xung quanh câu chuyện này.
Hàng loạt luận án tiến sĩ đầy tai tiếng: Quan điểm của Bộ GD&ĐT thế nào? ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Hoàng Minh Sơn

Thời gian qua có nhiều luận án tiến sĩ tên na ná nhau. Đối với những người không chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó, điều này nên được hiểu như thế nào, theo ông?

Luận án tiến sĩ là một công trình khoa học hoặc tập hợp các kết quả nghiên cứu, hay công bố một số kết quả nghiên cứu. Do đó, điểm quan trọng nhất của một luận án tiến sĩ là đóng góp tính mới trong khoa học. Nó được thể hiện đa dạng, có thể là vấn đề mới, đối tượng nghiên cứu mới với những đặc thù khác, phương pháp mới, mô hình mới, cách tiến hành thí nghiệm, khảo sát khác nhau dẫn đến dữ liệu mới, thậm chí là công cụ mới để tạo ra góc nhìn, phát hiện mới… từ đó tạo ra những kết luận, kết quả khác biệt với những luận án trước.

Do vậy, với mỗi luận án, cần xem xét có sự khác nhau như thế nào trong kết quả nghiên cứu. Nếu chỉ đơn thuần khác nhau về địa lý, không có sự khác biệt về đặc điểm liên quan đến vấn đề nghiên cứu thì không mới.

Hàng loạt luận án tiến sĩ đầy tai tiếng: Quan điểm của Bộ GD&ĐT thế nào? ảnh 2
Cần cải thiện chất lượng đào tạo tiến sĩ

Hàng loạt luận án tiến sĩ khiến dư luận và các giáo sư đầu ngành vừa qua phản ứng mạnh vì chỉ ở tầm báo cáo tổng kết. Quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào?

Như một số giáo sư đã nói, có những đề tài chỉ cần đọc tên là biết được nội dung, tính khoa học ứng dụng thực tiễn thế nào. Nhưng cũng có những luận án mà tên đề tài không thể hiện rõ nội dung, hoặc nội dung không thống nhất với tên đề tài; đây là lỗi của nghiên cứu sinh và người hướng dẫn.

Để phân tích luận án đủ tính mới như đã nói ở trên thì cần có chuyên môn để nghiên cứu kỹ luận án. Chúng ta cũng phải nhìn nhận có thực trạng chất lượng đào tạo tiến sĩ ở một số cơ sở chưa được như mong muốn. Điều này được phản ánh ở chất lượng luận án, số lượng và chất lượng công bố, nhưng trước hết chúng ta cần xem xét ngay trong quá trình đào tạo để đánh giá chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh.

Chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó ngoài năng lực của nghiên cứu sinh, có các yếu tố cốt lõi như: thời gian và sự nỗ lực của nghiên cứu sinh thực sự tham gia vào quá trình nghiên cứu, học tập; năng lực của đội ngũ cán bộ hướng dẫn và của các giảng viên, nhà khoa học khác trong đơn vị chuyên môn; điều kiện nghiên cứu (cơ sở vật chất, đề tài, kinh phí). Bên cạnh việc học qua nghiên cứu, trải nghiệm còn là sự cọ xát, trao đổi, phản biện để học thuật phát triển.

Cần công khai, minh bạch

Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT có đầy đủ các quy định, nhưng đến cơ sở đào tạo lại bị biến tướng dẫn đến việc đào tạo chất lượng không như mong muốn. Vì vậy, dư luận luôn băn khoăn về cơ chế kiểm soát hiện nay của Bộ GD&ĐT?

Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua ban hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quy định của quy chế, bởi đây là căn cứ pháp lý.

Tuy nhiên, chất lượng luận án tiến sĩ cao hay thấp, tính mới như thế nào không thể chỉ dựa vào quy chế, mà phụ thuộc một cách quyết định vào các nhà khoa học. Trong trường hợp có các phản ánh khác nhau về một luận án nào đó, Bộ có thể tổ chức thẩm định. Nhưng công việc này, Bộ vẫn phải dựa vào các nhà khoa học. Nên chất lượng đào tạo tiến sĩ theo từng lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào đội ngũ nhà khoa học thuộc lĩnh vực đó. Trong một lĩnh vực mà trình độ phát triển chưa cao, không chỉ luận án tiến sĩ mà các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực đó cũng yếu hơn. Lĩnh vực nào có thể sánh được với khu vực và thế giới, chắc chắn yêu cầu của các giáo sư, phó giáo sư với nghiên cứu sinh cũng cao hơn, ví dụ như lĩnh vực Toán học. Nhưng có những ngành đặc thù khó có thể so sánh, ví dụ trong lĩnh vực liên quan đến thể dục thể thao, văn hóa, nghệ thuật.

Những quy chế đào tạo Bộ ban hành trong thời gian qua đề cao quyền tự chủ và trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong bảo đảm chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, quy chế cũng đưa ra những yêu cầu bắt buộc về công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho sự tham gia giám sát của cộng đồng khoa học và của toàn xã hội đối với giáo dục đại học nói chung và với đào tạo tiến sĩ nói riêng.

Nếu cứ tiếp tục đào tạo nghiên cứu sinh không đạt chất lượng thì rơi vào vòng luẩn quẩn thầy kém hướng dẫn trò kém, trò kém thành danh lại hướng dẫn trò kém tiếp theo?

Chúng ta không thể đưa ra ngưỡng chất lượng cao cho tất cả các ngành như mong muốn. Nếu như thế, một số ngành gần như không có tiến sĩ. Ngành đào tạo ở bậc ĐH không có giảng viên có trình độ tiến sĩ có được không? Có một thời kỳ điểm đầu vào các ngành sư phạm thấp nhưng chúng ta không thể không đào tạo giáo viên. Đây là thực tế cần phải được nhìn nhận. Không thể mong chờ tất cả các ngành đều đạt được chuẩn mực như thế giới với điều kiện, trình độ như hiện nay. Nhiều lĩnh vực biết là còn nhiều khó khăn, chất lượng chưa cao nhưng vẫn phải đào tạo, điều quan trọng là chúng ta cần quan tâm, tập trung đầu tư để phát triển hơn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, luận án tiến sĩ về cầu lông đang được Hội đồng thẩm định do Bộ GD&ÐT mời xem xét, đánh giá lại.

Bộ cố gắng từng bước hoàn thiện cơ chế như xây dựng quy chế tuyển sinh, thông tư mở ngành, quy định chuẩn chương trình và bằng công cụ nhà nước là thanh tra, kiểm tra. Nhưng chất lượng đào tạo tiến sĩ phải có sự tham gia của các nhà khoa học. Chỉ Bộ GD&ĐT sẽ không thể kiểm soát hết được chất lượng đào tạo mà phải thông qua chính sách để các cơ sở đào tạo và cộng đồng các nhà khoa học cùng có trách nhiệm kiểm soát, giám sát. Trong từng lĩnh vực, từng ngành, các nhà khoa học hiểu rõ ai là người có công trình nghiên cứu có giá trị. Đây là vấn đề thực chất và cơ quan nhà nước không thể đứng ra phán xét mà phải là cơ chế đồng nghiệp. Đề tài, luận án tiến sĩ có tai tiếng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn và của chính nghiên cứu sinh. Trong xu thế tự chủ ĐH, các cơ sở đào tạo ý thức rất rõ cần phải xây dựng thương hiệu uy tín. Thời đào tạo tiến sĩ chạy theo số lượng đã dần qua. Mục đích đào tạo nghiên cứu sinh bên cạnh mang lại giá trị cho người học là nâng cao uy tín của cơ sở đào tạo về mặt nghiên cứu, học thuật nên hầu hết cơ sở đào tạo đều quan tâm đến việc này.

Chúng ta thấy trong đào tạo tiến sĩ hiện nay đúng là vẫn còn những vấn đề mà xã hội bức xúc, nhưng tôi tin rằng với cách tư duy mới trong quản lý nhà nước, nếu có sự quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước và xã hội, các cơ sở đào tạo sẽ từng bước nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nguồn nhân lực tinh hoa của đất nước.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG